.

Góc nhìn khác về Stephen Hawking

.

Cuối tháng 3 vừa qua, khán giả Việt Nam được thưởng thức tác phẩm ẵm tượng vàng danh giá Oscar năm 2015 khi bộ phim The Theory of Everything (tựa đề tiếng Việt: Thuyết yêu thương) chính thức khởi chiếu tại rạp. Bộ phim khắc họa chân dung của Stephen Hawking - một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Bộ phim là câu chuyện tình xúc động của nhà khoa học Stephen Hawking.
Bộ phim là câu chuyện tình xúc động của nhà khoa học Stephen Hawking.

Dựa trên cuốn hồi ký từ người vợ đầu của Stephen Hawking có tên Travelling to Infinity: My Life with Stephen, bộ phim Thuyết yêu thương tái hiện một cách chân thực và cảm động gần như toàn bộ quãng đời của nhà vật lý tài ba, từ khi ông còn là một sinh viên trên giảng đường cho tới lúc trở thành một giáo sư ngồi xe lăn, được vinh danh bằng các giải thưởng khoa học uy tín.

Từ khi thai nghén ý tưởng cho tới lúc hoàn thành bộ phim này, đạo diễn James Marsh đã mất tới 10 năm. Ông cho biết: “Cái khó nằm ở chỗ phải hòa quyện được hai yếu tố: sự uyên bác về kiến thức của Stephen Hawking và sự hy sinh cũng như tình yêu của Jane”. Bộ phim không những thuyết phục được khán giả mà còn khiến chính nguyên mẫu, tức Stephen Hawking, phải rơi nước mắt tại buổi công chiếu bởi tính chân thực và những cảm xúc mà nó mang lại.

Câu chuyện tình đẹp đẽ được bắt đầu khi chàng sinh viên ngành thiên văn vật lý vốn không tin vào Chúa trời nhanh chóng nảy sinh tình cảm với cô gái mê văn chương và sùng đạo. Song, như một thử thách từ đấng tối cao, Stephen bất ngờ bị chẩn đoán mắc chứng bệnh ALS quái ác. Căn bệnh về dây thần kinh vận động này khiến Stephen dần dần bị mất khả năng kiểm soát cơ thể mình.

Mắc căn bệnh hiểm nghèo vào đúng lúc tương lai rộng mở và được chẩn đoán “chỉ có thể sống thêm hai năm”, Stephen Hawking tưởng như đã buông xuôi tất cả. Song chính nhờ tình yêu vô bờ của Jane, ông được tiếp thêm nghị lực trong cuộc sống và công việc. Stephen kết hôn với Jane và bắt đầu chặng đường chông gai đi tìm một công thức “lý giải tất cả mọi điều trong vũ trụ”...

Khi nghe nói tới Thuyết yêu thương và cái tên Stephen Hawking, nhiều người đã liên tưởng tới một bộ phim tiểu sử tô điểm những cột mốc trong sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Hawking. Song đến khi xem phim, khán giả mới thấy rằng những hình dung ban đầu không hề giống với thực tế, khi Thuyết yêu thương là một bộ phim tâm lý - tình cảm. Có lẽ đạo diễn James Marsh cho rằng những công trình và tầm vóc của giáo sư Hawking đã quá nổi tiếng, nên trong phim chúng chỉ được nhắc đến một cách thoáng qua. Những lý thuyết vật lý, những phát kiến mang tính đột phá về thời gian... chỉ được đề cập ở bề nổi và giúp khán giả dễ dàng hiểu được. Thay vì tập trung vào sự nghiệp của Hawking, Marsh lại hướng tâm điểm vào mối quan hệ của Stephen với người vợ.

Không cố gắng xây dựng một tượng đài, cũng không tô vẽ những ánh hào quang, Thuyết yêu thương là một góc nhìn khác, giản dị, đời tư hơn về Stephen Hawking sau những đóng góp, cống hiến của ông cho nhân loại. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ, những mặc cảm, tự ti vì căn bệnh hiểm nghèo, hay những lựa chọn đầy thanh thản, bao dung là những góc khuất sau cuộc đời nhà bác học tài ba mà đến giờ, công chúng mới được biết đến.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.