Chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế được triển khai ở Trường ĐH Bách khoa từ năm 2006 và ở Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) từ năm 2011, song song với các chương trình đào tạo truyền thống, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Sinh viên tham gia chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng). (Ảnh do trường cung cấp) |
Trong chương trình, việc dạy và học bằng ngoại ngữ được xem là khác biệt cơ bản nhất. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên (SV) phải mất một năm để bổ sung tiếng Anh thì mới có thể nghe giảng hoàn toàn bằng thứ tiếng này.
Tiếng Anh là thử thách của SV năm 1
Bạn Nguyễn Minh Thái, SV lớp ECE 2, ngành Điện tử viễn thông, theo học chương trình tiên tiến (CTTT) của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) 2 năm nay cho rằng thử thách lớn nhất của các bạn SV năm thứ nhất theo học chương trình này là phải đạt chuẩn tiếng Anh theo yêu cầu.
Với các bạn ở thành phố, được bố mẹ đầu tư học ngoại ngữ từ nhỏ thì để đạt được chuẩn trình độ tiếng Anh TOEFT iBT 52 hoặc IELTS 5.0 còn dễ dàng, chứ với nhiều bạn ở quê thì mặc dù điểm thi đầu vào đại học rất cao, nhưng điểm tiếng Anh thấp là một lực cản lớn trong năm đầu theo học.
Để đạt đủ năng lực tiếng Anh phục vụ cho việc học suốt cả chương trình học hơn 4 năm, Minh Thái dành phần lớn thời gian học ngoại ngữ tại trung tâm. Và sau năm thứ nhất, Thái thi đạt chứng chỉ IELTS 6.0. Và để hỗ trợ việc học cho SV, các tín chỉ của năm 1 được giảng viên sắp xếp với số lượng ít, giúp các em đầu tư phần lớn thời gian cho việc học tiếng Anh.
Trường ĐH Bách khoa quy định, sau năm học đầu tiên, SV phải đạt trình độ tối thiểu mức TOEFT iBT 52 hoặc TOEFT PBT 470 hoặc IELTS 5.0, gọi là “chuẩn tiếng Anh sau năm thứ nhất”. Đạt được chuẩn đó, SV bảo đảm có đủ năng lực tiếp thu kiến thức trong môi trường giảng dạy, học tập của CTTT. Đối với những SV có trình độ tiếng Anh đạt mức này trở lên đúng thời hạn sẽ được nhà trường hỗ trợ 50% lệ phí dự thi Anh văn.
Đến cuối năm học thứ nhất, SV nào không đạt “Chuẩn tiếng Anh sau năm thứ nhất” thì phải tự sắp xếp học tiếng Anh. Nếu đến cuối năm học thứ 2, SV không đạt mức yêu cầu nói trên thì bị buộc phải chuyển về ngành học đã được bố trí khi trúng tuyển vào trường và học lại từ đầu với SV khóa sau của ngành học đó hoặc tạm ngừng một năm học để tiếp tục học tiếng Anh, không được học các học phần khác của CTTT.
Sau thời hạn ngừng một năm học này, nếu SV vẫn không đạt chuẩn thì bắt buộc phải ra khỏi CTTT. Và hầu như khóa nào của CTTT cũng có từ 2 - 3 sinh viên (SV) buộc phải chuyển sang hệ đại trà, khoảng 5/40 SV dừng một năm để tập trung học tiếng Anh.
Còn SV Trường ĐH Kinh tế muốn theo học tại 7 chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) của trường (gồm Kế toán, Kiểm toán, Marketing, Ngân hàng, Ngoại thương, Quản trị tài chính, Tài chính doanh nghiệp) đều phải thi tiếng Anh đầu vào.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế cho biết: “Do trình độ tiếng Anh của SV chưa đồng đều nên học kỳ đầu tiên gần như giảng viên phải kèm thêm tiếng Anh cho SV. Đó là chưa kể, nhiều SV có kỹ năng nghe, đọc, viết rất tốt nhưng lại ngại nói”. Trường ĐH Kinh tế chủ trương, riêng các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho SV, đều phải mời giáo viên nước ngoài đảm nhận, có thể là giảng viên của trường đối tác liên kết, giảng viên chương trình Fullbright hoặc giáo viên tình nguyện.
Ngoại ngữ là yêu cầu nghiêm ngặt đối với SV theo học các CTTT, chương trình CLC và chương trình liên kết bởi nếu không đáp ứng đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thì không thể nghe giảng, đọc tài liệu, tiếp nhận kiến thức được. Như CTTT của Trường ĐH Bách khoa, trừ các môn Lý luận chính trị, Quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất, tất cả các môn học còn lại đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, kể cả môn cơ bản như Toán - Lý - Hóa. Các chương trình CLC của Trường ĐH Kinh tế cũng bảo đảm từ 37 - 54% các môn học trong khung chương trình được triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh.
Mở ra cơ hội việc làm và học nâng cao
Trước khi thi đậu vào CTTT của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bạn Nguyễn Minh Thái đã tìm hiểu về cơ hội việc làm cũng như khả năng đi du học, nâng cao trình độ của các SV khóa trước. Theo Thái, với người đạt chuẩn tiếng Anh, có bằng cấp chuyên môn tốt, cơ hội việc làm khá nhiều, mức lương cũng cao hơn gấp 2 lần so với những SV mới tốt nghiệp các chương trình truyền thống. Ngoài ra, học bổng cho SV CTTT cũng đạt 50-70% cho SV tham gia chương trình này.
Trường ĐH Bách khoa có 2 chuyên ngành đào tạo theo CTTT là ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành Hệ thống số và ngành Tự động hóa, chuyên ngành Hệ thống nhúng, SV được đào tạo theo chương trình của ĐH Washington và ĐH Portland State (Hoa Kỳ). PGS.TS Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa, cho biết trong suốt chương trình học, SV được học với các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đối tác, hầu như các em học và trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh, và đây chính là môi trường để SV mạnh dạn, tự tin trau đồi khả năng ngoại ngữ của mình.
Ngoài ra, chương trình trợ giảng (lý thuyết+thực hành) luôn song hành với SV trong suốt thời gian học, mỗi lớp sẽ có 3 giảng viên (giảng viên chính dạy 5 tiết + 2 giảng viên trợ giảng dạy 3 tiết lý thuyết và 5 tiết thực hành) nên SV có thể thường xuyên trao đổi về bài học của mình. Với SV chương trình CLC của Trường ĐH Kinh tế, các bạn được tập trung học tiếng Anh nâng cao vào năm thứ nhất.
Trong toàn bộ chương trình, 20% số học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh, khóa luận tốt nghiệp sẽ viết bằng tiếng Anh. SV học chương trình CLC được chuyển tiếp học tập trong khuôn khổ chương trình 3+1 và 2+2 ở các trường ĐH quốc tế như trường ĐH Keuka, ĐH Towson (Hoa Kỳ), trường NewCastle (Anh), trường khoa học ứng dụng Saxion (Hà Lan)...
Nhờ học bằng tiếng Anh, SV có những kỹ năng vượt trội như cách thảo luận nhóm, phản biện, thuyết trình, quản lý…, các kỹ năng mềm này là cơ hội giúp các em có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp. Và chính ngoại ngữ cũng lan tỏa đến các chương trình đào tạo khác, với Trường ĐH Bách khoa là các lớp đào tạo CLC, giảng viên dùng trình chiếu bằng tiếng Anh, khuyến khích SV dùng sách viết bằng tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt. SV học chương trình truyền thống có ý thức về việc các doanh nghiệp cần người giỏi ngoại ngữ, thúc đẩy các em học ngoại ngữ nhiều hơn…
HIỀN LƯƠNG