.

Sách và đọc sách

.

Có sách chưa hẳn đã có người đọc sách, nhưng muốn có người đọc sách thì trước hết phải có sách - mà muốn có sách thì phải có người viết sách.

 Không gian đọc ở  Love Tree luôn chào đón những người yêu sách.Ảnh: HOÀNG NHUNG
Không gian đọc ở Love Tree luôn chào đón những người yêu sách.Ảnh: HOÀNG NHUNG

Không phải ngẫu nhiên mà trong hội chợ sách lớn nhất nước Pháp Salon du Livre de Paris năm 2015 vừa qua, gần 300 tác giả người Pháp thực hiện một cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy ngay trước các gian hàng, trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn khách tới dự, và nhân dịp này họ cho công khai bức thư được 1.700 người ký, với tựa đề “Gửi những ai quên rằng để có sách thì phải cần tác giả”, thậm chí còn giương cao biểu ngữ “Không tác giả, không sách”.(1) Một cuốn sách - cả sách học lẫn sách đọc - muốn đến được trên tay độc giả thì phải qua lao động nghề nghiệp của ít nhất là bốn người: người viết sách/người in sách/người bán sách/người phê bình sách, trong đó người viết sách học - như một ông thầy và người viết sách đọc - như một ông bạn(2) là người quan trọng nhất, quyết định chất lượng khoa học hoặc chất lượng văn chương và thậm chí quyết định số phận - công bố hay không công bố - của từng cuốn sách. Sách trước hết phải hay, nhất là sách đọc là sách đòi hỏi phải có chiều sâu tư tưởng, có tầm cao triết lý, có số phận cá nhân mang tính thẩm mỹ và có sức mạnh nghệ thuật. Nói chung sách hay là cuốn sách nên đọc, thậm chí là cuốn sách không thể không đọc.

Hiện đang có một vấn đề liên quan đến người viết sách: những người viết sách hay tuy có nhưng chưa nhiều, và đáng nói hơn là còn có tình trạng người viết được sách hay nhưng sách lại không được in và ngược lại. Đó là chưa kể điều không mong đợi mà nhà văn Laurent Bettoni, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình lớn trong Salon du Livre de Paris năm 2015 nói trên, vừa phát biểu: “Hôm nay chúng tôi muốn chứng minh các nhà văn đã biết liên minh với nhau và không chấp nhận bất công nữa. Tại sao chúng tôi lại bị chia phần lợi tức nhỏ nhất từ cuốn sách mà chính chúng tôi đã viết ra?”(3). Cả hai vấn đề này đều bị tác động bởi người in sách/người bán sách/người phê bình sách. Phải quan tâm đào tạo người in sách để có nhiều biên tập viên chuyên nghiệp hơn, bởi chỉ có chuyên nghiệp thì mới hạn chế được tình trạng nhiều sách không hay vẫn được in. Còn muốn có người bán sách chứ không phải người bán sổ, bản thân các nhà sách cũng cần phải đào tạo để có những nhân viên biết yêu quý sách, biết theo dõi và phân tích thị hiếu nghệ thuật của khách, thậm chí biết tư vấn cho khách tìm được sách phù hợp với thị hiếu nghệ thuật của họ. Cũng cần phải làm sao để có một số người phê bình sách phần lớn làm việc này bằng tay phải và có hiệu quả đủ để tạo nên những tác động cần thiết đến thị hiếu nghệ thuật của độc giả.

Giữa người viết sách với người đọc sách có mối quan hệ hết sức đặc biệt. Độc giả đầu tiên của một cuốn sách chính là người in sách - chủ yếu muốn nói đến các biên tập viên của nhà xuất bản, và những người biên tập chuyên nghiệp nhiều khi trở thành “bà đỡ” để đưa sách hay đến với đông đảo độc giả, thậm chí không ít trường hợp được xem là đồng tác giả bởi đã tư vấn cho tác giả thêm một câu/bỏ một đoạn/thay một từ/đổi một chữ, qua đó làm cho tác phẩm trở nên hoàn hảo hơn.

Trong nhóm người đọc tinh hoa còn phải kể tới các nhà phê bình sách - mà đáng tiếc phần lớn lại đang làm việc này bằng tay trái, thậm chí trái tay tức là tay ngang và chủ yếu mới tập trung điểm sách. Tuy nhiên đáng chú ý hơn cả vẫn là mối quan hệ giữa người viết sách với số đông người đọc sách. Trong mối quan hệ này, người viết sách học ít bận tâm hơn về số lượng người mua/người đọc sách mình viết - vì thường người ta tìm mua/tìm đọc sách học khi họ thực sự có nhu cầu và nhu cầu lại rất cụ thể, nhưng lại bị đòi hỏi khá cao về tính chính xác của từng trang sách và quan trọng hơn là tính trung thực của nhà khoa học. Ở đây người tìm mua/tìm đọc sách học cần độ xác tín cao trong cuốn sách đang đọc/đang tham khảo/đang tra cứu để có thêm tri thức/thông tin nhằm nâng tầm hiểu biết hoặc để trực tiếp tham gia các hoạt động học thuật…  

Riêng với người viết sách đọc thì tình hình có khác. Nhóm độc giả phổ thông tìm đến sách/đọc sách không chỉ để học, không chỉ với tư cách học trò. Tìm đến sách/đọc sách, họ còn muốn đóng vai tri âm, lắng nghe người viết sách bộc lộ giãi bày, thậm chí muốn đối thoại bình đẳng cùng tác giả. Đây cũng là học, nhưng là học bạn, mà theo tư duy của ông cha xưa thì “học thầy không tầy học bạn”(4). Một cuốn sách đọc trong ý đồ nghệ thuật của tác giả thường không giống với cuốn sách ấy khi được in ra/được công bố/được xuất bản và ở những tài năng văn chương, sự khác biệt này càng lớn, bởi càng có tài năng, tác giả càng khéo che đậy điều mình thực sự ngẫm nghĩ dưới-những-dòng-chữ, người xưa thường gọi là ý tại ngôn ngoại/ý ở ngoài lời.

Người đọc sách chủ yếu chỉ tiếp cận với tác phẩm được in ra/được công bố/được xuất bản và nếu chỉ đọc trên bề mặt ngôn từ, chỉ thấy phần nổi của tảng băng trôi (chữ của nhà văn Ernest Hemingway) thì khó có thể nhận diện đúng ý đồ nghệ thuật mà tác giả cố tình che giấu, khó có thể nắm bắt điều mà tác giả thực sự ngẫm nghĩ dưới-những-dòng-chữ. Tất nhiên khó đến mấy cũng không phải bất khả thi và người ta thường gọi những độc giả làm được điều đó là người đồng sáng tạo nên tác phẩm, là bạn tri âm đáng quý và hiếm hoi của tác giả cuốn sách.

Chế Lan Viên từng viết: Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa cho mùa thu làm lấy. Mùa thu ở đây theo suy nghĩ của Chế Lan Viên chính là cuộc sống, đồng thời cũng có thể hiểu là những tri âm. Một cuốn sách được in ra/được công bố/được xuất bản vẫn chưa đi hết vòng đời của nó. Cuốn sách ấy chỉ có thể đi trọn vòng đời khi đến được với đông đảo độc giả biết đắm mình vào niềm vui nỗi buồn của các nhân vật trong các cuốn sách văn chương, dõi theo số phận hanh thông hoặc trắc trở của họ, thậm chí để thẫn thờ với những cái không đâu và thậm chí chỉ có thể đi trọn vòng đời khi được cảm thụ/được tiếp nhận bởi một số không nhiều bạn-đọc-tri-âm. Điều đáng nói là trong văn hóa đọc sách ở nước ta hiện nay đang có một “thảm họa kép”: người đọc vừa hờ hững với sách văn chương - kể cả những sách thực sự có chất văn, lại vừa vồ vập với tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc nói riêng và với các loại “rác phẩm văn chương” nói chung...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa đáng buồn ấy, trong đó có những nguyên nhân thuộc về thời đại, chẳng hạn sự phát triển của kỹ thuật số, hoặc xu hướng sống gấp của con người đô thị… Đó là những nguyên nhân có thực, song không nên đổ thừa mọi thứ cho khách quan mà cần thấy rõ các  nguyên nhân chủ quan, ví như cần thấy nguyên nhân của quản lý xuất bản - dường như đang có tình trạng nắm chặt cái cần phải buông lỏng và buông lỏng cái cần phải nắm chặt; hoặc cần thấy nguyên nhân của giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường - từ việc giáo dục thói quen đọc sách/mua sách, cho đến việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật…

BÙI VĂN TIẾNG


(1) Xem Thuận: Với người Pháp, sách không chết, báo Tuổi trẻ điện tử ngày 31-3-2015.

(2) Xem Bùi Văn Tiếng: Nghĩ dọc sông Hàn, Nxb Đà Nẵng, 2004.

(3) Xem Thuận, bài báo dẫn trên.

(4) Xem Bùi Văn Tiếng, sách đã dẫn.

;
.
.
.
.
.