Nguồn gốc của pho tượng Phật Đồng Dương
Tượng Phật Đồng Dương và tượng Phật Sinhalese.(Nguồn: Bảo tàng Guimet) |
Năm 1911, một pho tượng đồng với chiều cao 119cm được phát hiện tại khu vực di tích Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Pho tượng thể hiện Đức Phật Thích Ca (Sakyamuni) mặc áo choàng nhà sư, đứng thẳng trên bệ hình hoa sen, tay phải thủ ấn thuyết giảng hay giáo hóa ấn (vitarkamudra) và tay trái nắm vạt áo choàng (katakamudra). Khuôn mặt Đức Phật toát lên vẻ điềm tĩnh, đôi mắt mở to, dái tai dài và tóc xoăn hình trôn ốc. Trên đỉnh đầu của tượng Phật có một nhục đỉnh (unisha), rất có thể một chóp trang trí theo hình dạng một ngọn lửa từng được gắn vào trên nhục đỉnh này nhưng hiện nay đã bị thất lạc (?).
Pho tượng là một bằng chứng thú vị về ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ đến điêu khắc Chămpa. Câu hỏi đặt ra là có khả năng pho tượng này được đúc tại Chămpa cùng với các bức tượng Bồ Tát bằng đồng có cùng niên đại hay đây là một tác phẩm được nhập từ Ấn Độ?
Các tư liệu lịch sử cho thấy một số hình tượng Phật giáo gồm tượng điêu khắc và bài vị thờ cúng kích thước nhỏ, tiện lợi cho việc mang theo bên mình xuất hiện ở Chămpa vào cuối thế kỷ VII. Các thương nhân hoặc những nhà truyền giáo có thể đã mang những hiện vật này đến Chămpa để thờ cúng hoặc dùng cho việc trao đổi hàng hóa. Một khả năng khác nữa là một số gia đình hoàng tộc Chăm đã yêu cầu các cơ sở thủ công mỹ nghệ bên ngoài chế tác các hiện vật này và sau đó nhập về Chămpa.
Pho tượng đồng thể hiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni này không thể hiện rõ nét những đặc điểm nhân chủng học như thường thấy trên các tác phẩm điêu khắc Chăm và phong cách điêu khắc cũng khác lạ so với các tác phẩm thuộc trường phái Đồng Dương và các phong cách điêu khắc Chămpa sớm. Hơn nữa cho đến nay chúng ta vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về kỹ thuật đúc đồng cũng như các xưởng luyện kim của Chămpa. Vì vậy, có thể loại bỏ khả năng cho rằng pho tượng quý này được đúc tại Chămpa bởi những người thợ thủ công bản địa.
Trong nghiên cứu công bố năm 1963, Jean Bosselier, nhà nghiên cứu nghệ thuật Chămpa người Pháp, dựa trên y phục của Đức Phật đã lập luận, pho tượng mang những nét ảnh hưởng của phong cách Amaravarti, xuất xứ từ vùng Andhra Pradesh phía Đông Nam Ấn Độ, và niên đại của tác phẩm vào khoảng cuối thế kỷ IV – đầu thế kỷ VI.
Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đề xuất một niên đại muộn hơn cho pho tượng Phật đứng này. Có thể nhận ra những nét giống nhau gần như tuyệt đối trong tư thế đứng, y phục, nét mặt, nguyên liệu chế tác giữa pho tượng Phật tìm thấy ở Đồng Dương này với các tượng Phật Sinhalese thuộc phong cách Anuradhapura muộn tìm thấy ở Sri Lanka.
Vài điểm khác biệt nằm ở chi tiết: Tượng Phật Đồng Dương mang huệ nhãn trên vầng trán (urna) trong khi các tượng ở Sri Lanka không có chi tiết này; đôi lông mày trên tượng Phật Đồng Dương được thể hiện như một đường cong nối liền nhau và đôi mắt có con ngươi tròn.
Trái lại, các tượng Phật Sri Lanka được phác họa với đôi lông mày cong, thanh mảnh, tách rời nhau, và mắt không có con ngươi; tay phải tượng Phật Đồng Dương thủ ấn thuyết giảng hay giáo hóa ấn (vitarkamudra) nhưng ở các tượng Phật Sri Lanka, bàn tay phải thường thủ ấn trấn an hay vô úy ấn (abhayamdra).
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những sự khác biệt này, vẫn có thể lập luận rằng pho tượng đồng Đồng Dương được chế tác tại một xưởng thủ công ở Sri Lanka theo yêu cầu của hoàng tộc Chăm và sau đó pho tượng được đưa về dâng cúng cho Phật viện Đồng Dương. Nếu giả thuyết này được chấp nhận, niên đại của tượng Phật Đồng Dương có thể được xếp vào cuối thế kỷ VIII và đầu thế kỷ IX, cùng dòng thời gian với các tác phẩm ở Sri Lanka thuộc phong cách Anuradhapura muộn.
Về mặt địa lý trên con đường hải thương, Sri Lanka chiếm một vị trí thuận lợi trong trục giao thông từ vùng Viễn Đông sang Trung Á. Các trường phái nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt từ vùng Đông Nam Ấn Độ đã du nhập vào Sri Lanka và phát triển rực rỡ tại quốc đảo này trước khi tiếp tục lan tỏa đến các quốc gia Đông Nam Á khác song song cùng các tuyến đường thương mại trên biển.
Làn sóng phát triển của Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo này được John Guy (Bảo tàng Metropolitan, Hoa Kỳ) ví như “Con đường Xuyên - Á của Phật giáo Đại Thừa”. Nhận xét về ảnh hưởng nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ lên nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á, Ulrich Von Schroeder, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo Sri Lanka, người Thụy Sĩ khẳng định rằng: “Chúng ta không thể lý giải sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo ở Đông Nam Á nếu chỉ nhìn nhận tầm ảnh hưởng của các phong cách nghệ thuật Ấn Độ mà bỏ qua nghệ thuật Phật giáo Sri Lanka…”.
Pho tượng đồng thể hiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni phát hiện ở Đồng Dương cùng với những tác phẩm cùng phong cách phát hiện ở Đông Nam Á được gọi chung là “những pho tượng đồng truyền giáo” (Missionary Bronzes) bởi vai trò quan trọng của những tác phẩm này trong con đường xuyên Á của Phật giáo.
Theo John Guy, những bức tượng kim loại trong thời kỳ Phật giáo sớm có khả năng được chế tác tại các xưởng thủ công của các tu viện dọc bờ biển miền Đông Nam Ấn Độ hoặc Sri Lanka và sau đó được nhập vào Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, tượng Phật đứng ở Đồng Dương cũng không phải là một ngoại lệ. Tác phẩm này thể hiện rõ nét ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật hoặc đến trực tiếp từ vùng Amaravati ở Nam Ấn; hoặc, gián tiếp thông qua đảo quốc Sri Lanka.
Tượng Tara được chế tác bởi các nghệ nhân Chăm?
Một kiệt tác nữa trong nhóm tượng đồng phát hiện tại Đồng Dương là tượng Bồ Tát Laskmindra – Lokeshvara/Tara [BTĐN535]. Pho tượng được tìm thấy một cách tình cờ vào tháng 8-1978 bởi những người dân làng Đồng Dương khi đang đào bới gạch ở khu di tích này. Tượng có chiều cao 114cm, thể hiện nữ bồ tát trong tư thế đứng với phần thân trên để trần và hai tay đưa về phía trước.
Nguyên bản, vị nữ bồ tát cầm một đóa hoa sen bên tay phải và vỏ ốc trong bên tai trái; tuy nhiên hai vật cầm tay này đã bị bẻ gãy vào thời điểm pho tượng được phát hiện. Hiện nay hai hiện vật được lưu giữ tại Ủy ban Nhân dân xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; trong khi pho tượng được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Năm 1979, Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu nghệ thuật Chămpa đã công bố nghiên cứu của mình về pho tượng này. Theo giả thuyết của ông, pho tượng thể hiện Bồ Tát Laskmindra – Lokeshvara, vị thần chủ được thờ cúng ở Phật viện Đồng Dương như tấm văn bia C.66 đã đề cập đến. Năm 1984, Jean Bosselier sau khi nghiên cứu đặc điểm tiếu tượng học của pho tượng này đã đưa ra luận điểm cho rằng pho tượng thể hiện Tara, một dạng nữ của Bồ Tát, hiện thân của lòng từ bi bác ái.
Jean Bosselier đưa ra kết luận của mình dựa trên đối chiếu so sánh tư thế bàn tay giữa pho tượng đồng này với các tượng Tara khác. Đồng thời ông cũng cho rằng pho tượng đồng Tara mang ảnh hưởng của cả nghệ thuật Ấn Độ và Trung Hoa, tuy nhiên yếu tố bản địa Chăm vẫn được thể hiện nổi trội. Thêm một lần nữa câu hỏi đặt ra là pho tượng này được chế tác tại Chămpa hay là một tác phẩm du nhập từ Ấn Độ hoặc Sri Lanka. Cùng quan điểm với Boisselier, một số nhà nghiên cứu cho rằng tượng Tara là một kiệt tác của nghệ thuật Chămpa bởi chính những yếu tố bản địa đậm nét thể hiện trên pho tượng.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng thật sự không có một sự khác biệt rạch ròi giữa những truyền thống nghệ thuật Chăm và Ấn Độ. Bộ ngực lớn là một dạng điêu khắc xuất hiện phổ biến trên các tượng nữ thần trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật Chăm. Và đó cũng là một kiểu thức điêu khắc đặc trưng của nghệ thuật Ấn giáo, có thể nhìn thấy trên các tượng Tara xuất hiện từ thế kỷ VI trở về sau.
Tượng Tara với phần thân trên để trần hầu như rất hiếm hoi trong nghệ thuật Trung Quốc, nhưng lại rất phổ biến ở phía Bắc Ấn Độ đặc biệt cùng với sự phát triển lớn mạnh của Phật giáo Kim Cương Thừa. Ngoài ra, nếp xếp trên y phục gợi nhắc đến nền nghệ thuật Phật giáo Sri Lanka và xa hơn nữa là phong cách Mathura. Trang phục của Tara gồm hai lớp váy quấn quanh thắt lưng.
Các nếp xếp tỉ mỉ đều đặn của lớp váy bên ngoài ôm lấy phần hông và mông khiến ta liên tưởng đến vạt áo choàng được chạm khắc tinh xảo trên các tượng thể hiện đức Phật trong tư thế đứng ở Sri Lanka. Có thể kết luận rằng các nghệ nhân Chăm đã chịu tác động hoặc vay mượn một số yếu tố từ nền nghệ thuật Ấn Độ. Tuy vậy vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu về kỹ nghệ luyện kim và đúc đồng của người Chăm xưa để từ đó có thể khẳng định pho tượng này hoàn toàn là một sản phẩm của người Chăm.
NGUYỄN H.DUYÊN