.

Phụ nữ Việt Nam thời đại hội nhập toàn cầu

.

Mỗi năm - chưa kể ngày rằm tháng bảy âm lịch Vu Lan “bông hồng cài áo” và gần đây là Ngày của Mẹ (Mother’s Day) thường được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 dương lịch hằng năm nhằm tri ân và vinh danh các bà mẹ - người Việt còn có hai ngày để toàn xã hội tri ân và vinh danh nữ giới: Ngày Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10.

Đây cũng là thời điểm để cùng suy ngẫm về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu. Trước hết, có thể nói rằng với tư duy thế giới phẳng, phụ nữ Việt Nam ngày nay không ngừng mở rộng tầm nhìn của mình và chính vì vậy mà ngay từ thượng tuần tháng 10 năm nay, phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng hòa vào niềm vui chung của phụ nữ Belarus cũng như của phụ nữ toàn thế giới khi Giải thưởng Nobel Văn chương năm nay đã về tay một nhà văn nữ người Belarus: Bà Svetlana Alexandrovna Alexievich 67 tuổi, thường được biết đến trong giới văn chương là một cây bút mà “danh tiếng không xứng tầm tài năng”.

Xin nói thêm rằng thành phố bên sông Hàn là địa phương đầu tiên ở nước ta sớm tiếp cận với tác phẩm của Svetlana Alexievich: năm 1987, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết War’s Unwomanly Face do nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ.

Đương nhiên với riêng nhà văn Svetlana Alexievich, một khi vượt qua các nam ứng viên - trong đó có người rất sáng giá như nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami - để chạm được tay vào Giải thưởng Nobel Văn chương danh giá kia thì danh tiếng đã xứng tầm với tài năng của bà, song nhìn chung trên văn đàn thế giới còn nhiều phụ nữ cầm bút sáng tạo trong cõi vi diệu của văn chương vẫn chịu cảnh “danh tiếng không xứng tầm tài năng”, bởi tính đến năm 2015 với Svetlana Alexievich, trong tổng số 108 nhà văn được trao Giải thưởng Nobel Văn chương, mới chỉ có 14 phụ nữ: Selma Lagerlöf (người Thụy Điển, năm 1909), Grazia Deledda (người Ý, năm 1926), Sigrid Undset (người Na Uy, năm 1928), Pearl Sydenstricker Buck (người Mỹ, năm 1938), Gabriela Mistral (người Chile, năm 1945), Nelly Sachs (người Đức, năm 1966), Nadine Gordimer (người Nam Phi, năm 1991), Toni Morrison (người Mỹ, năm 1993), Wisława Szymborska (người Ba Lan, năm 1996), Elfriede Jelinek (người Áo, năm 2004), Doris Lessing (người Anh, năm 2007), Herta Muller (người Đức, năm 2009), Alice Munro (người Canada, năm 2013) và Svetlana Alexievich (người Belarus, năm 2015).

Danh sách này không có nhà văn nữ nào là người châu Á, mặc dầu đọc các tác phẩm của Pearl Sydenstricker Buck mô tả một cách phong phú và xác thực đời sống nông thôn Trung Hoa, nhất là khi thấy cái tên chữ Hán Trại Trân Châu của bà, người ta dễ nhầm tưởng bà là người gốc Trung Quốc.

Chắc là có không ít nhà văn Việt Nam - nam cũng như nữ - từng mơ có ngày sự nghiệp sáng tạo văn chương của mình được Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn lựa để trao giải Nobel. Trong nhiều trường hợp, đây là khát vọng vươn lên đáng trân trọng - chứ không phải là hoang tưởng viển vông - của những người lao động nghệ thuật chân chính, trong đó có các nhà văn nữ. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009, với câu hỏi “Vẫn tồn tại rất nhiều trở ngại để phụ nữ trên thế giới có thể đạt được mục tiêu trong các lĩnh vực mà mình theo đuổi. Phụ nữ có thể làm gì để khắc phục điều này?”, hoa hậu Venezuela - Stefania Fernandez đã trả lời: “Tôi tin rằng ngày hôm nay phụ nữ chúng tôi đã vượt qua được rất nhiều trở ngại. Và tôi tin rằng chúng tôi đã bắt kịp đàn ông. Quan trọng là người phụ nữ phải nhận ra rằng không có bất kì cái gì là rào cản giữa đàn ông và phụ nữ”.

Giấc mơ Nobel Văn chương của các nhà văn nữ Việt Nam càng góp phần chứng tỏ không có bất kì cái gì là rào cản giữa đàn ông và phụ nữ. Đồng thời giấc mơ Nobel Văn chương của các nhà văn nữ Việt Nam cũng chứng tỏ rằng trên tiến trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, không phải chỉ có một địa hạt duy nhất là chính trị để phụ nữ vươn lên khẳng định mình, mà còn có rất nhiều địa hạt như vậy, chẳng hạn như văn chương, như khoa học… Cần thấy không chỉ những phụ nữ tham chính đầy quyền lực mới góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu.

Nhân câu trả lời của Hoa hậu Hoàn vũ năm 2009 Dayana Mendoza, có thể thấy trí tuệ ngày càng được đề cao ngang với nhan sắc trong các cuộc thi chọn người đẹp nhất trên thế giới. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tổ chức ở Nha Trang, chuyên gia phối màu tóc nổi tiếng người Ý - Louis Licari đưa ra câu hỏi: “Theo bạn thì đàn ông hay phụ nữ có cuộc sống dễ dàng hơn và tại sao?”, và Hoa hậu Venezuala - Dayana Mendoza đã trả lời một cách dí dỏm rằng: “Chúa tạo ra chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng cách khác nhau lớn nhất là trong khi đàn ông nghĩ rằng con đường nhanh nhất để tới đích là đi thẳng, thì phụ nữ lại biết một thực tế là đôi khi đường vòng mới là cách tốt nhất đưa bạn đến mục tiêu”.

Còn tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 1996 tổ chức ở Las Vegas, khi được hỏi “Theo bạn nghĩ, đàn ông có thể học được gì từ phụ nữ?”, hoa hậu Venezuela - Alicia Machado trả lời cũng dí dỏm không kém: “Tôi tin rằng những người đàn ông có thể học hỏi rất nhiều vì nhờ phụ nữ chúng tôi, những người đàn ông đang ở đây trong nhà hát đẹp này, theo dõi cuộc thi sắc đẹp này và vỗ tay cho tôi vì tôi là một người phụ nữ xinh đẹp!”. Trong khi đó tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, với câu hỏi “Rất nhiều người nói rằng đàn ông có thể học từ phụ nữ, vậy phụ nữ học gì từ đàn ông?”, tân Hoa hậu người Columbia Paulina Vega khẳng định: “Tôi tin rằng những người đàn ông tin vào điều công bằng và đó là điều phụ nữ học được từ đàn ông”.

Đương nhiên muốn có những câu trả lời thông minh đầy trí tuệ của các mỹ nhân thì cần phải có những câu hỏi thông minh đầy trí tuệ của giám khảo cuộc thi, bởi nói như triết gia người Đức Karl Jaspers, “câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, và mỗi câu trả lời phải gợi lên những câu hỏi mới”. Câu trả lời có khả năng gợi lên những câu hỏi mới theo quan niệm của Jaspers là câu trả lời thông minh xuất phát từ một câu hỏi thông minh nào đó. Trong các cuộc thi hoa hậu toàn quốc của nước ta, phần thi ứng xử sẽ có thể đáp ứng được lòng mong đợi của mọi người nếu có ngày càng nhiều những câu hỏi thông minh.

Còn nhớ trong cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1982, khi được hỏi “Người đoạt vương miện hoa hậu lần này, theo bạn đã là người đẹp nhất nước ta chưa?”, Hoa hậu Hà Kiều Anh đã trả lời rất thông minh rằng: “Theo em, Hoa hậu toàn quốc lần này chắc chắn là người đẹp nhất hội thi, nhưng có thể chưa phải là người đẹp nhất nước. Vì còn có nhiều bạn gái, trong đó có bạn đang ngồi xem ở đây cũng rất xinh đẹp, nhưng vì một lý do nào đó mà các bạn chưa đến với hội thi lần này”.

Người phụ nữ thời nào cũng đều cần thông minh, người phụ nữ thời hội nhập toàn cầu càng cần thông minh để có thể thích nghi với cuộc sống chung quanh. Thời buổi này, phụ nữ có thể thua kém nam giới về thể lực chứ không hề thua kém nam giới về chỉ số thông minh và đó chính là cơ sở để tin rằng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trong chính trị, văn chương và khoa học.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.