.

Sự thăng tiến đầy tranh cãi của Đông Timor

.

Bóng đá Đông Timor có sự thăng tiến vượt bậc trong vòng 3 năm qua. Năm 2012, bóng đá Đông Timor nằm gần chót bảng xếp hạng của FIFA với vị trí 206. Vậy mà vào tháng 6-2015, bóng đá của quốc gia nhỏ bé này vọt lên vị trí 146, tức tăng 60 bậc sau 3 năm! Tuy nhiên, LĐBĐ Đông Timor đang phải chống chọi với sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài chỉ vì sự thăng tiến đó nhờ nhập tịch gần 20 cầu thủ Brazil trong vài năm qua.

Tiền đạo Patrick Fabiano (Ảnh New York Times)
Tiền đạo Patrick Fabiano (Ảnh New York Times)

FIFA vẫn chưa giải quyết đơn khiếu nại của LĐBĐ Palestine về chuyện cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Đông Timor. Sau trận hòa 1-1 giữa hai đội trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 tại thủ đô Dili của Đông Timor, LĐBĐ Palestine chính thức đề nghị FIFA điều tra tính hợp pháp của những cầu thủ gốc Brazil đang thi đấu cho đội tuyển Đông Timor. Người ký lá đơn gửi cho Tổng thư ký tạm quyền FIFA Markus Kattner là bà Susan Shalabi Molano – quan chức cao cấp của LĐBĐ Palestine và cũng là thành viên của Ban Chấp hành LĐBĐ châu Á. Theo luật lệ của FIFA, một cầu thủ mang quốc tịch nước này nhưng được quyền chơi cho nước khác với điều kiện: phải sống ở đó ít nhất 5 năm và có hộ chiếu; hoặc phải có cha mẹ, ông bà nguồn gốc ở đó. Gần 20 tuyển thủ Đông Timor gốc Brazil đều không đáp ứng yêu cầu này.

Nghiệt ngã một nỗi cho LĐBĐ Đông Timor là không chỉ đội bạn phản đối mà chính người dân trong nước, cầu thủ trong nước cũng bất bình. Nhóm hoạt động bóng đá Amantes Bola lên tiếng tố cáo: Các cầu thủ Brazil chỉ tới đây một ngày rồi được cấp ngay hộ chiếu Đông Timor và chơi cho đội tuyển quốc gia. Người hâm mộ có tên Alex Tilman nói: “Chúng tôi thà thua một trận đấu nhưng đó là những cầu thủ bản xứ còn hơn thắng với những cầu thủ ngoại nhập tịch”.

HLV trưởng đội tuyển bóng đá Đông Timor, Fernando Alcântara cũng là một người Brazil. Ông càng làm cho nội bộ đội tuyển thêm rối rắm vì phân biệt đối xử  giữa cầu thủ bản xứ và cầu thủ Brazil nhập tịch. Trước trận gặp Palestine, ông bố trí những cầu thủ bản xứ ở tại trung tâm thể thao địa phương, trong khi các cầu thủ Brazil nhập tịch lại được ở khách sạn. Đội trưởng Anngisu Barbosa là người gốc thủ đô Dili nhưng đã không được triệu tập nhiều trận gần đây.

Những cầu thủ Brazil nhập tịch Đông Timor sống và chơi bóng Brazil, Bolivia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Mexico, Kuwait, Bồ Đào Nha và Slovakia. Họ thi đấu cho đội tuyển Đông Timor thông qua lời mời hoặc có mối quan hệ với HLV trưởng hay quan chức LĐBĐ nước này. Tiền đạo Patrick Fabiano nói thiệt: “Tôi đã chơi cho Đông Timor 2-3 năm nay. Tôi nhận lời mời từ họ (LĐBĐ Đông Timor). Họ nói với tôi sẽ làm hộ chiếu Đông Timor để tôi góp mặt ở đội tuyển quốc gia vì họ cần một tiền đạo như tôi”. Tiền đạo 28 tuổi này thừa nhận không biết sự “kết duyên” này là vi phạm luật lệ của FIFA. Fabiano nói thêm, mỗi cầu thủ Brazil khoác áo Đông Timor là một câu chuyện khác nhau nhưng có một điểm chung là chưa từng sinh sống, không hề có người thân ở Đông Timor.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.