Với những học viên Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án 922), sau khi đi học về được bố trí một công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn là điều ai cũng muốn. Đó cũng là điều trăn trở của lãnh đạo thành phố nếu muốn những “đứa con” của mình phát huy tối đa năng lực phục vụ quê hương.
Chị Nguyễn Đàm Thanh Trang khi đi du học tại trường Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp).(Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Đừng nghĩ học gì về làm nấy”
Trước đây, mỗi học viên đề án sau khi hoàn thành khóa học về nước đều được đề xuất 3 nguyện vọng (mức độ quan trọng từ trên xuống dưới) để bố trí công việc: 1 là nhu cầu công vụ, 2 là nguyện vọng bản thân, 3 là năng lực và chuyên môn được đào tạo. Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy từng nói, nếu ba yếu tố này cân bằng như hình tam giác đều thì quá hoàn hảo. Nếu buộc phải chọn lựa thì yếu tố số 1 - nhu cầu công vụ phải được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc bố trí cán bộ theo quan điểm này không hề suôn sẻ. Một vài học viên đề án khi họ về nước mà không được phân công đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, từng bày tỏ trăn trở về chất lượng nguồn lực đào tạo tại nước ngoài trong buổi làm việc ngày 11-6-2014 với lãnh đạo thành phố: “Lực lượng lao động mà chúng tôi cần và đang thiếu là những người có thể làm công việc cụ thể liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) chứ không cần thêm người học về quản lý CNTT. Xác suất đào tạo trúng ngành nhưng lệch nghề hiện nay là rất lớn”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, khẳng định: Nhu cầu công vụ không bao giờ thoát ly ngành đào tạo. Cả đơn vị tiếp nhận lẫn học viên đề án đừng nghĩ học về là có thể làm được việc ngay. Kiến thức trên giảng đường chỉ là kiến thức nền, người học phải tự thích nghi với môi trường làm việc. Không riêng Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, chương trình giáo dục không phải lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nhớ có lần, trong buổi giao lưu giữa sinh viên Đại học Đà Nẵng và các doanh nghiệp, một giảng viên đã phát biểu: “Tôi không hiểu tại sao doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên ra trường phải làm được việc ngay. Đòi hỏi như thế rất vô lý. Mỗi “ông” làm ăn mỗi kiểu khác nhau, làm sao chúng tôi đào tạo cho hết? Khi nhận người về các ông phải cắt cử người hướng dẫn, tạo môi trường thuận lợi thì họ mới phát huy được năng lực mà phục vụ các ông chứ?”.
Quan điểm của vị giảng viên này gần với quan điểm bố trí công việc của thành phố. Ông Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh, mục tiêu của đề án là đào tạo cán bộ quản lý và chuyên gia, cho nên, một khi đã quyết tâm theo đề án, các bạn phải xác định chính xác mục tiêu của mình, tránh tình trạng “nghĩ vậy mà không phải vậy”.
Ông cũng ví dụ trường hợp sử dụng học viên rất tốt của Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng. Mỗi khi nhận người mới về, lãnh đạo trung tâm bao giờ cũng có động thái phân công người giúp đỡ, hướng dẫn công việc, tạo môi trường làm việc thân thiện, rút ngắn khoảng cách bỡ ngỡ của người mới. Vì vậy, hầu hết những học viên Đề án 922 khi về trung tâm đều phát huy tối đa năng lực.
Thích nghi với môi trường làm việc
Cũng trong buổi làm việc vào ngày 11-6-2014 của ông Huỳnh Đức Thơ (khi đó còn làm Phó Chủ tịch UBND thành phố) với Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 922 đến năm 2015, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, việc tiếp nhận và bố trí học viên Đề án 922 về các đơn vị vẫn còn nhiều bất cập, vẫn có tình trạng ép đơn vị nhận học viên trong khi chưa có nhu cầu thực sự.
Học viên học chuyên sâu tại nước ngoài về công nghệ Nano nhưng lại được đầu quân về Ban quản lý Khu công nghệ cao làm công tác quản lý Nhà nước. Trường hợp cụ thể này là của anh Võ Văn Chi (Tiến sĩ Vật lý Nano tại Pháp, học viên tiêu biểu của đề án 922).
Tuy nhiên, anh Võ Văn Chi tâm sự, sau một thời gian về lại quê hương, bỏ qua khoảng thời gian chông chênh ban đầu, anh đã học cách thích nghi với môi trường công việc mới để tiếp tục phát huy năng lực bản thân.
“Học viên của đề án đi học về, một là có thể tiếp tục chuyên sâu nghiên cứu, hai là làm quản lý về lĩnh vực mình đã theo học. Vì đã có chuyên môn nên khi làm quản lý mình ít nhiều sẽ có lợi thế riêng. Tôi không trực tiếp đứng ra nghiên cứu nhưng ở vị trí quản lý tôi có thể kêu gọi xây dựng phòng thí nghiệm, kêu gọi các nhà khoa học, nghiên cứu sinh về làm với mình. Tôi nghĩ, đó không có gì là trái ngành trái nghề cả, mà đó là sự thử thách mới rất thú vị”, Võ Văn Chi nói.
Hay như trường hợp của chị Nguyễn Đàm Thanh Trang, hiện là chuyên viên phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế thành phố. Trước khi tham gia đề án 922, chị Trang công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng và được cử đi học thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị Quốc tế về nguồn nhân lực và tư vấn nguồn nhân lực tại Trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp).
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, chị về nước và tiếp tục công tác tại Viện với tư cách là chuyên viên phòng Quản lý khoa học. Nhận thấy vị trí công tác tại phòng Quản lý khoa học không phù hợp với chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực mà mình được cử đi đào tạo nên khi đọc thông báo Sở Y tế có nhu cầu tuyển chuyên viên làm công tác tổ chức nhân sự, chị đã làm đơn và được thành phố cho phép chuyển công tác đến phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế từ đầu tháng 11-2015.
Chị Thanh Trang là một trong rất nhiều học viên của đề án được chọn nơi làm việc phù hợp với năng lực. Ông Chiến cho biết, mỗi học viên là “đứa con” của trung tâm, vấn đề bố trí công việc cho con cái mình được cực kỳ quan tâm. Tất cả học viên đều có quyền đề xuất nguyện vọng làm việc, thành phố sẽ xem xét.
Ông Chiến cũng khuyên rằng, học viên hãy đến nơi cần mình chứ đừng đến nơi mình thích. Nơi cần mình sẽ tạo điều kiện tối đa để mình phát huy năng lực, nơi mình thích chưa chắc đã được như vậy.
QUỲNH TRANG