Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde có bài viết nhận định về kinh tế toàn cầu năm 2016. Nếu những dấu hiệu tiêu cực trong năm 2015 vẫn tiếp tục diễn ra nhưng không có chính sách đúng, sự lãnh đạo tài tình và hợp tác tốt thì kinh tế toàn cầu sẽ khó về đích an toàn.
Các thương nhân tại thị trường chứng khoán New York lắng nghe Chủ tịch Fed Janet Yellen công bố việc nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ hồi giữa tháng 12. |
Trước hết bà Christine Lagarde tóm tắt lại diễn biến kinh tế -xã hội - chính trị trong năm 2015. Vụ tấn công khủng bố Paris tháng 11. Dòng người tị nạn liên tục tiến vào châu Âu. Khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông. Những cuộc xung đột đã khiến gần 60 triệu người trên khắp thế giới phải rời khỏi nhà cửa của mình. Năm 2015 là năm nóng kỷ lục với hiện tượng El Nino.
Lãi suất không có đột biến ở Mỹ và kinh tế Trung Quốc suy giảm. Những sự kiện đó không hề rời rạc mà có mối liên hệ mạnh mẽ với nhau khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 chỉ 2,4%, thấp hơn 0,4% so với dự báo của LHQ 6 tháng trước.
Tăng trưởng trung hạn của kinh tế toàn cầu bị suy yếu bởi vì năng lực sản xuất thấp, dân số già và hậu quả còn sót lại của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nợ cao, đầu tư thấp và ngân hàng yếu kém đang là gánh nặng của nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là châu Âu và nền kinh tế mới nổi.
Những vấn đề lớn trong năm 2016:
Trung Quốc tăng trưởng chậm. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang tìm cách tái cấu trúc để nâng cao thu nhập và điều kiện sống, tìm kiếm một sự “bình thường mới” cho sự phát triển chậm song an toàn và bền vững. Sự “bình thường mới” này dựa vào dịch vụ và tiêu dùng chứ không đặt nặng vào đầu tư và sản xuất.
Bình thường hóa lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Mối quan ngại thứ hai là quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed. Quyết định tăng lãi suất của Fed vừa qua (lần đầu tiên sau gần 1 thập niên) được cho là tốt với kinh tế Mỹ, tốt cho toàn cầu bởi vì khi lãi suất thấp thì sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính. Nhưng Fed đang đối diện với hành động hết sức cân nhắc: bình thường hóa việc tăng/giảm lãi suất để giảm nguy cơ gián đoạn tài chính.
Nỗ lực của các nền kinh tế mới nổi. Không thể phủ nhận đóng góp tích cực cho kinh tế toàn cầu của những nền kinh tế mới nổi trong thời gian 5 năm qua nhưng giờ đây họ phải đối diện với việc tăng cường giám sát khả năng rủi ro ngoại tệ của những công ty lớn, giúp các ngân hàng hồi phục để làm đòn bẫy cho các doanh nghiệp và nợ nước ngoài.
Nhấn mạnh cải cách. Đầu tiên là cải cách pháp lý để các tổ chức tín dụng hoạt động một cách đồng bộ và hợp pháp, chứ không phải “ngân hàng bóng đêm”. Đồng thời, các nước cải thiện mạnh mẽ hơn nữa tính minh bạch của các tổ chức tài chính. Sau đó là cải cách thị trường lao động và sản xuất, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế nhằm nâng cấp cơ cấu kinh tế. Quá trình cải cách này đòi hỏi phải khéo léo và am hiểu chính sách. Cải cách cần tính đồng bộ như liên quan tới biến đổi khí hậu, thương mại, di cư, mạng lưới an toàn tài chính cho nên hợp tác quốc tế là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Bà Christine Lagarde kết luận: Các thách thức của thế giới trong năm 2016 là rất lớn nhưng nếu có những chính sách đúng đắn, lãnh đạo tài tình và hợp tác tốt thì chúng ta có thể mang lại lợi ích chung to lớn cho kinh tế toàn cầu vào cuối năm.
ANH THƯ (Theo Straitimes)