Tung bức hình chụp mâm cơm với cơm trắng, rau luộc, trứng luộc và nước luộc rau dùng thay canh, do mẹ chồng nấu cho trong thời gian ở cữ, người con dâu không quên gửi kèm “chú thích” ảnh dài cả ngàn chữ phân trần nỗi tủi khổ khi đã có công sinh cháu cho bà, lại bị bà đối xử tệ bạc. Từ nhỏ, cô gái được cha mẹ ruột cưng chiều, nên cảm thấy hụt hẫng đến tức tưởi trước sự “săn sóc” của mẹ chồng.
Không bỏ qua đề tài muôn thuở mẹ chồng nàng dâu, nhiều báo dẫn lại câu chuyện này và không quên đưa tít có chữ “sốc” ở đầu dòng. Nói chung người trong cuộc sốc đủ thứ, báo cũng “sốc” theo đủ kiểu, và sốc nhất có lẽ là câu chuyện này dành được nhiều sự đồng cảm ngoài sức tưởng tượng khi nó kéo dài cả tuần không dứt.
Mỗi ngày lại thấy thêm một chủ đề xoay quanh bữa cơm ở cữ đó. Các nàng dâu được dịp phơi bày ấm ức; các cô gái về nhà mẹ đẻ ở cữ hí hửng khoe bữa cơm mẹ nấu ngon không thể cưỡng; chuyện ăn uống trong thời gian ở cữ bên tây khác gì bên ta được đem ra so sánh, và đến các… chuyên gia, trong đó có bác sĩ cũng được báo chí mời nhảy vào phân tích bữa cơm ở cữ.
Nói về con dâu và chuyện làm dâu. Công bằng mà nói, việc sinh con đẻ cái trước hết là cho bản thân mình, vì mình cần, mình muốn, sau mới là cho ai đó. Do vậy, kể công trạng rằng ta đẻ con cho ông bà, cho gia đình chồng v.v… nên buộc mọi người phải có trách nhiệm chăm lo chu đáo cho ta có lẽ là điều hơi quá.
Sự than vãn không được nâng niu “đúng mức” khi vừa trải qua cuộc sinh nở, thực sự đã phần nào phản ánh hậu quả của quá trình được nuôi dạy bao bọc đến mức sản sinh ra thói ích kỷ. Trong các gia đình Việt Nam, con cái gần như là trung tâm của mọi yêu thương, hy sinh, nhường nhịn.
Cái gì tốt nhất cho con là cha mẹ sẵn sàng đánh đổi, tiếc gì miếng ăn ngon nhất, chỗ nằm ấm nhất không dành cho con. “Nhận” một cách vô điều kiện và “nhận” tất tần tật từ cái lớn tới cái bé của cha mẹ ruột, nên khi có người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời mình, những “đứa trẻ” ấy tự khắc dễ xuất hiện cảm giác “dị ứng” trước những sự chăm sóc không được như mong đợi.
Thấy người khác ở cữ nhà mẹ chồng khổ quá, nhiều cô gái đồng cảm đưa ra lời khuyên “con so nhà mạ”. Hí hửng khoe mẹ đẻ đã tất bật từ sáng tinh mơ đến đêm tối mịt để có những món ngon tẩm bổ cho mình, những “bà mẹ trẻ” ấy tuyệt nhiên chẳng có chữ nào tỏ ra áy náy hay xót ruột cho mẹ già sức yếu còn mòn mỏi chăm bẳm cho đứa con cũng đang lên chức mẹ.
Khi bên trong vẫn là một “đứa bé”, trách sao những “bà mẹ trẻ” này chưa thể đủ trưởng thành để hiểu, nếu có được sự tự tay chăm sóc của mẹ (dù là mẹ ruột hay mẹ chồng) là niềm diễm phúc, còn không, đó cũng không phải là bất hạnh hay thiếu may mắn. Người duy nhất ta có quyền gào lên đòi hỏi, đó là chính bản thân mình. Mỗi người lúc đã đủ khôn lớn phải tự chịu trách nhiệm cao nhất với những sướng, khổ của cuộc đời mình.
Nói về các bà mẹ, không biết tự bao giờ cho đến mãi tận bây giờ, 99,99% các bà mẹ Việt Nam vẫn tự nhận việc chăm con gái, con dâu ở cữ mặc nhiên là trách nhiệm của mình. Điều đáng quý ở những người mẹ là đây, mà điều đáng thương hại cũng nằm ở đây.
Sinh con, nuôi con, chăm lo đến khi con mình sinh cháu, mình cũng trút cạn sức lực ra gánh vác. “Cho” vô điều kiện, tự nguyện làm ôsin, để rồi làm tốt, nó vui, làm không tới, nó oán!
Điều đáng nói hơn, trong khi tình thương luôn có thừa, thì niềm tin dành cho con cái của các bà mẹ dường như cứ thiêu thiếu. Con ở tuổi nào cũng thấy nó nhỏ dại, thậm chí nó sinh cho mình đứa cháu thứ 2, thứ 3 rồi vẫn thắc thỏm nhắc chừng nó ăn gì, uống gì cho lợi sữa. Đến chồng nó ăn sao, mặc sao, mẹ cũng nhảy vào xét nét, bảo sao không “mâu thuẫn thế hệ”.
Các bà mẹ không đặt trọn sự tin tưởng vào con, không giao phó cuộc đời của nó cho chính nó, trong khi đó là điều con cái họ thực sự cần hơn những lời nhắc nhở vụn vặt thường ngày. Chẳng thể đổ lỗi hoàn toàn cho con dâu làm “hỏng” mối quan hệ với mẹ chồng, bởi trong nhiều trường hợp, chính sự “dài tay” của các bà mẹ là nguyên do của những căng thẳng triền miên.
Hiếm hoi có vài bà mẹ chồng tân thời thà cho tiền chứ không nhúng tay lo dâu ở cữ. Các bà có nguyên tắc “chơi chứ không chăm”, tức chỉ đến thăm, chơi với con cháu, không can dự vào cuộc sống của chúng. Tân thời ở mình nhưng đã quá lỗi thời ở những nơi mà sự tự lập của con cái là hiển nhiên, người già có thể thong dong “khoác ba lô lên và đi” tìm niềm vui ở nơi nào họ thích. Song phải đủ tự tin mới “thờ ơ” được như vậy.
Những gia đình trẻ có lối sống hiện đại đến mấy cũng dường như vẫn còn chừa một chỗ cho sự... lạc hậu lúc ở cữ. Cứ ở cữ là trăm ngàn kiêng khem, nặng nề. Lệ thuộc vào tục lệ và những “nguyên tắc không tên” đâm ra cả nhà cùng khổ…
Chẳng biết phải đợi đến thời nào, mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu mới thôi ồn ào trong xã hội. Chỉ biết rằng, khi ta lên tiếng công kích các bà mẹ chồng, thực chất cũng đã là góp một tay công kích chính mẹ đẻ của mình, bởi mẹ mình, trong một vai trò khác cũng là mẹ chồng của ai đó.
Và khi những người mẹ có thể sẵn sàng đón nhận mọi lỗi lầm của con gái ruột nhẹ như gió thoảng mây bay, nhưng lại không thể hết “chướng tai gai mắt” với những điều nhỏ nhặt của con dâu, thì thực sự họ cũng đang mâu thuẫn với chính mình, bởi con gái mình, trong một vai trò khác cũng là phận con dâu của ai đó.
CHÍCH BÔNG