.

Ra đi là để mang về

.

Sau các chương trình được triển khai mạnh mẽ về thu hút nhân tài hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, mùa hè năm 2015, Đà Nẵng được dư luận quan tâm đặc biệt khi chính thức “khởi kiện nhân tài”. Hiện Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý vụ kiện của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao kiện 16 học viên tham gia đề án 922 phải bồi thường kinh phí đào tạo do không trở về làm việc sau khi được cử đi học ở nước ngoài bằng kinh phí Nhà nước. Đây là việc “chẳng đặng đừng” mà một cơ quan phải theo đuổi vì sự bội tín sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, và cũng rút ra nhiều ý kiến trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.

Đào tạo nhân tài để phục vụ phát triển đất nước là mục tiêu của Đà Nẵng những năm qua. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng (phải) khen thưởng thủ khoa đậu vào ĐH Đà Nẵng năm 2015. Ảnh: H.N
Đào tạo nhân tài để phục vụ phát triển đất nước là mục tiêu của Đà Nẵng những năm qua. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng (phải) khen thưởng thủ khoa đậu vào ĐH Đà Nẵng năm 2015. Ảnh: H.N

Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, 16 trường hợp học viên vi phạm hợp đồng này dưới nhiều hình thức (không về trình diện và nhận công tác, kết quả học tập không đạt yêu cầu của đề án, bị lưu ban trong quá trình học tập...) và Trung tâm đã có văn bản động viên học viên và gia đình thực hiện việc bồi hoàn kinh phí nhưng không thành công.

Tính đến tháng 12-2015, đã có 626 lượt học viên được cử đi học theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đã có 416 lượt học viên  tốt nghiệp.

Những học viên này đều hoàn thành chương trình đào tạo tại các trường đại học uy tín trong nước và các cơ sở đào tạo có chất lượng (phần lớn nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới do tổ chức Times Higher Education Supplement, Vương quốc Anh xếp hạng). ​

Đại diện Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho rằng, đây không phải là “sự kiện” lớn, vì khi mỗi người không còn muốn gắn bó thì ra đi là hợp lý, miễn là có bồi thường kinh phí. Và trung tâm buộc phải theo đuổi các vụ kiện vì đây là cơ quan quản lý đề án, kiện để thu hồi ngân sách Nhà nước.

Trong các hợp đồng ký cam kết giữa học viên trước khi lên đường đi du học và thành phố, có điều khoản nếu vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường gấp 5 lần (với trường hợp không về, bỏ việc). Sau Hội nghị tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tháng 4-2014, việc bồi thường được rút xuống còn gấp 2 lần (với những hợp đồng ký trước ngày 1-12-2013) và bồi thường 1 lần với những hợp đồng ký sau thời gian trên.

Mục tiêu của đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đào tạo cán bộ quản lý cho thành phố được bắt đầu từ năm 1998. Năm 2009, khi Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ra đời mới bắt đầu tiến hành phỏng vấn các ứng viên trước khi đi du học, để xem nguyện vọng và động cơ tham gia đề án.

Đây được xem là cam kết kiểu “tinh thần” là chính. Nếu mỗi người đều có sự ràng buộc với quê hương, gia đình, thì chuyện trở về là tất yếu. Cũng theo đánh giá của đại diện Trung tâm, đề án nào cũng có độ rủi ro nhất định.

Với khoảng 10% người vi phạm hợp đồng là con số cần suy ngẫm nhưng chưa đến mức báo động (khoảng 70 trên tổng số 626 người, trong đó 46 người đã bồi thường, hoàn thành nghĩa vụ tài chính).

Và vụ kiện sẽ gióng tiếng chuông cảnh tỉnh cho nhiều người. Về phía thành phố là phải chọn đúng người để đưa đi đào tạo, về phía mỗi học viên là động cơ đi học để nâng cao trình độ làm việc chứ không phải là sự lợi dụng học phí từ ngân sách.

Nếu học viên nào quyết định ra khỏi đề án, phải nghĩ ra phương án xử lý hậu quả, ở đây là bồi thường theo luật định.

Ở Đại học Đà Nẵng cũng có tình trạng giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài nhưng không về làm việc như cam kết. Gồm nguồn từ đề án 322, 911, 599 bằng ngân sách của Nhà nước; các học bổng của đối tác, hợp tác song phương của ĐH Đà Nẵng hoặc bản thân cán bộ tự tìm kiếm.

Các giảng viên đi học bằng đề án thường bằng tiền của Nhà nước, các diện còn lại thường được đối tác đài thọ. Các đối tượng thuộc biên chế khi đi học ở nước ngoài sẽ được hưởng 40% lương, được hưởng các chế độ BHXH.

Theo thông tin từ ĐH Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, ĐH Đà Nẵng cử đi học tập dài hạn ở nước ngoài là 446 người, thì số giảng viên học xong không về hoặc về nước ra bên ngoài làm việc rất ít, chỉ khoảng 1% (5 người). Trong số đó, đa số là đi đào tạo theo học bổng của nước ngoài.

Hàng trăm giảng viên của ĐH Đà Nẵng sau khi được gửi đi đào tạo ở nước ngoài đã trở về giảng dạy, đào tạo các thế hệ tiếp nối. Trong ảnh: GS,TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tặng hoa cho hai giảng viên của trường được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Ảnh: H.N
Hàng trăm giảng viên của ĐH Đà Nẵng sau khi được gửi đi đào tạo ở nước ngoài đã trở về giảng dạy, đào tạo các thế hệ tiếp nối. Trong ảnh: GS,TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tặng hoa cho hai giảng viên của trường được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Ảnh: H.N

Ra đi là để mang về

GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, có lần kể về lời khuyên của người thầy là giáo sư người Nhật Bản mà theo ông là “có tính chất bước ngoặt” của cuộc đời mình.

“Những năm đầu thập niên 1990, sau khi hoàn thành chương trình học tập của mình với đánh giá xuất sắc, tôi được một số công ty, viện nghiên cứu mời làm việc tại Nhật Bản. Một ngày trước khi tôi rời phòng nghiên cứu, thầy gọi tôi lên và nói rằng đã nhận được thông tin về việc tôi sẽ chuyển lên làm việc cho một hãng sản xuất máy nông nghiệp của Nhật. Thầy nói rằng, thầy đã gửi những nhận xét và đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn, ý thức kỷ luật và sự tận tụy trong công việc của em. Tuy nhiên, trước khi em đi tôi có 3 điều muốn nói.

Thứ nhất, Chính phủ Nhật cấp học bổng cho em là để đào tạo giảng viên cho Việt Nam, mục đích là giúp Việt Nam có được đội ngũ giảng viên giỏi để phát triển, để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ chứ không phải đào tạo để phục vụ nước Nhật. Việt Nam cần em hơn là Nhật Bản cần và nếu ở lại làm việc, em đã làm sai với cam kết ban đầu.

Thứ hai, nếu về Việt Nam, em sẽ là đối tác hợp tác sau này của đại học chúng tôi, em có thể góp sức mình để phát triển Việt Nam. Trong trường hợp em ở lại Nhật, rất khó để có thể trở thành một công dân Nhật thực thụ, nguồn gốc của mình là điều vô cùng quan trọng, nhất là khi về già.

Thứ ba, nếu em về Việt Nam, hãy mang những điều tốt ở đây để áp dụng vào Việt Nam chứ đừng để những điều chưa tốt ở Việt Nam làm ảnh hưởng, mất đi những điều tốt đẹp mà em học được. Mình phải kiên trì theo đuổi, thực thi những điều tốt đẹp để dần dần làm thay đổi môi trường xung quanh chứ đừng để cái chưa tốt của môi trường làm biến đổi bản thân.

Nhất là trong khoa học, khoa học là chân lý, chỉ có một chân lý đúng, trong khoa học không có chỗ cho sự khoan nhượng, dối trá và cẩu thả. Sáng hôm sau, tôi quyết định hủy việc làm đã xin được để về Việt Nam dù mức lương tôi sẽ nhận thấp hơn nhiều chục lần”.

Câu chuyện của GS,TS Trần Văn Nam cho thấy, việc đi học và trở về sẽ phát huy hết năng lực của người học. Ngoài ra, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ là một trở ngại lớn cho những người chọn cách ở lại.

Ông cũng cho rằng, với những bạn trẻ mới tốt nghiệp phổ thông được thành phố Đà Nẵng cử đi học, đi đào tạo thì gần như chưa có nghề nghiệp rõ ràng. Người đi đào tạo tích lũy năng lực cho tương lai và vị trí việc làm sau khi đào tạo cũng chưa định hình.

Thường sau khi học về họ mới được bố trí việc làm. Nhiều người được cử đi học mong đợi vị trí việc làm khác hẳn với điều thực tế mà thành phố bố trí sau khi học. Sự khác biệt này có thể gây “sốc” cho người đi học về.

Khác với các đối tượng trên, các giảng viên đang trong thời gian tập sự được các trường ĐH cử đi học tập nước ngoài đã có nghề nghiệp rõ ràng, học để nâng cao trình độ, tăng năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho hiện tại, tương lai của mình. Vì thế, rất ít sự tách rời quá xa giữa kỳ vọng nơi làm việc trước và sau khi học.

Do vậy, các giảng viên sau khi học ít rời bỏ hơn so với những đối tượng được cử đi học tập và đào tạo của thành phố Đà Nẵng. Con người sống theo hiến pháp và luật pháp, đã cam kết, thỏa thuận thì phải tuân thủ. Vì vậy, việc không thực hiện như cam kết thì phải đền bù là việc phải làm.

Xin kết bài này với ý kiến của GS,TS Trần Văn Nam: Trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng di chuyển ngày càng cao của lực lượng lao động có chất lượng cao là một tất yếu. Và trong xu hướng đó, các nhà khoa học, các tài năng của miền Trung ra nước ngoài  trao đổi và làm việc cùng lúc với nhiều trường đại học lớn sẽ ngày càng hiện hữu, và nhất là khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cơ hội để ra nước ngoài không phải là hiếm, nên chuyện “ra đi là để mang về” của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo những cú hích cho đất nước.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.