Ước muốn được làm giàu trên quê hương, năm 2011, Nguyễn Duy Tuấn (1982) quyết định đầu tư chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Sau 5 năm, Tuấn đã có thể tự hào mình là “nông dân triệu phú” và được công nhận bằng giải thưởng Lương Định Của năm 2015 - dành cho nông dân trẻ duy nhất ở Đà Nẵng.
Nguyễn Duy Tuấn bên đàn heo nái nhập ngoại.Ảnh: N.C |
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế, Nguyễn Duy Tuấn quyết định về quê nhà Hòa Khương, Hòa Vang làm việc. Trong 3 năm làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã, Tuấn luôn nghĩ đến những mô hình kinh tế, sản xuất cho thu nhập cao và ổn định mà thanh niên có thể triển khai ngay chính trên quê hương.
Và một năm sau rời vị trí cán bộ Đoàn, Tuấn mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo theo kiểu khép kín, rồi nhập con giống từ nước ngoài về nuôi.
Đoàn heo của Tuấn ở trong những khu chuồng trại tường xây kín, lắp đặt cửa kính, có máy lạnh chạy thường xuyên ở nhiệt độ ổn định từ 19 - 26 độ C. Heo giống PIC nhập về từ Mỹ, do Công ty CP GreenFeed Việt Nam ở Đồng Nai chuyển giao, được xem là loại heo chất lượng hàng đầu thế giới. Khi mới nhập về, những con heo nái có trọng lượng khoảng 35-40 kg/con.
Sau 18 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 400kg. Heo con sinh ra được Tuấn giữ lại nuôi chứ chưa bán ra thị trường. Nếu bán sẽ có giá khoảng 1,6 triệu đồng/con 15kg. Những con heo nuôi lấy thịt sau 5 tháng có thể đạt trọng lượng 120-130kg/con; sau khi trừ chi phí nuôi sẽ lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con.
Năm nay, với tổng doanh thu 2,3 tỷ đồng từ bán heo thịt, trừ chi phí Tuấn lãi ròng gần 300 triệu đồng.
Để có trại heo giống nhập ngoại như bây giờ, Nguyễn Duy Tuấn đã “lao tâm khổ tứ” bao năm trời. Lúc là Phó Bí thư Đoàn xã, Tuấn đã triển khai nuôi heo, quy mô 50-60 con/lứa, nhưng là heo nội, hiệu quả kinh tế không cao. Sau, Tuấn tìm thông tin trên mạng, rồi đích thân vào tận miền Nam tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, rồi lập dự án xây dựng cơ sở nuôi heo công nghệ cao như bây giờ.
Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Đinh Văn Thiên cho rằng, đây là một trong những mô hình tiêu biểu và hiệu quả kinh tế nhất ở Hòa Vang. Hiện nay, ngoài nuôi hàng trăm heo nái, heo thịt, Tuấn còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã.
Với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng, cơ sở nuôi heo công nghệ cao của Tuấn được lãnh đạo huyện Hòa Vang và ngành Nông nghiệp Đà Nẵng đánh giá cao. Và đây là mô hình nuôi heo giống nhập ngoại, ứng dụng công nghệ cao đầu tiên ở Đà Nẵng hiện nay.
Với chàng trai trẻ này, sự nỗ lực không mệt mỏi của mình được đền đáp xứng đáng. Mô hình không chỉ thu nhập cao, Tuấn được Thành Đoàn Đà Nẵng bình chọn là Nhà nông trẻ tiêu biểu của thành phố.
Tháng 6-2015 vừa qua, Nguyễn Duy Tuấn là nhà nông trẻ duy nhất của Đà Nẵng trong số 150 nhà nông trẻ cả nước được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần tích cực bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tuấn vừa “nâng cấp” nơi làm ăn của mình lên thành công ty và đang gấp rút triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở nuôi heo giống nhập ngoại lớn nhất Đà Nẵng. “Em đang tìm quỹ đất, bởi để xây dựng trang trại quy mô 625 heo nái và 1.100 heo thịt/lứa, đòi hỏi cơ ngơi phải xây dựng trên phạm vi 5ha. Dự kiến, tổng vốn đầu tư từ 65 đến 70 tỷ đồng.
Em tin chắc dự án sẽ thành công như mục tiêu đề ra. Khi đó, không chỉ đáp ứng lượng thịt chất lượng cao cho thị trường, cơ sở sẽ là trung tâm cung cấp con giống tốt cho những ai có nhu cầu nuôi heo tại địa phương”, Tuấn hồ hởi nói về dự án đã dày công xây dựng lâu nay.
Theo anh Nguyễn Bá Duân, Phó Bí thư Đoàn huyện Hòa Vang, những năm gần đây, nhất là từ ngày triển khai công cuộc xây dựng nông thôn mới, phong trào tuổi trẻ làm giàu trên địa bàn huyện rất sôi động. Đến nay, ít nhất có gần 20 mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ đã triển khai, trong đó 5 mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi mô hình từ hàng trăm đến hơn 2 tỷ đồng/năm. |
NGUYỄN CẦU