.

Hẹn những chuyến trở về

.

Giám đốc điều hành nhà máy sản xuất dây và đồng hồ ROWI danh tiếng với hơn 130 năm lịch sử của Đức lại chính là một người Việt với cái tên rất Việt Nam - Nguyễn Trọng Luật. Anh cũng là người đã lập nên công ty chuyên về tư vấn đầu tư và thương mại giữa Đức và Việt Nam hoạt động gần 10 năm qua.

Anh Nguyễn Trọng Luật (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến thăm nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đầu năm 2016. Ảnh: H.D
Anh Nguyễn Trọng Luật (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến thăm nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đầu năm 2016. Ảnh: H.D

Đặc biệt gần đây, những chuyến trở về quê nhà của chàng trai gốc Đà Nẵng sinh năm 1973 này không chỉ gói gọn trong hoạt động kinh doanh hoặc thăm bà con họ hàng, mà còn bởi một công việc anh hằng ấp ủ: giúp đỡ cho các nạn nhân mang di chứng chất độc da cam.

1. Gặp anh Nguyễn Trọng Luật tại một quán cà-phê nhìn ra sông Hàn đang lất phất mưa trong một ngày đầu năm 2016, anh chia sẻ ngay rằng, dù đã đi qua rất nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, song hiếm nơi đâu cho anh cảm giác thoải mái, bình yên như mỗi lần đặt chân về Đà Nẵng. Đà Nẵng là nơi anh sinh ra, lớn lên và còn có đại gia đình anh đang sinh sống.

43 tuổi và đã đạt những thành công nhất định, nhưng để có vị trí như hôm nay, bước đường của anh Luật được trải đầy thử thách.

14 tuổi, Luật từ Đà Nẵng sang Đức sinh sống. Không người thân, bạn bè, cộng đồng người Việt xung quanh càng hiếm, để tồn tại nơi đất khách quê người, việc anh có thể và cần làm là lao vào học tập. Tốt nghiệp đại học với 2 tấm bằng kinh tế và xây dựng, năm 2007, anh thành lập Viet Trade Center (viettradecenter.de) - công ty chuyên tư vấn giữa Đức và Việt Nam.

Gần 10 năm qua, trung tâm này là nơi những người Đức tìm đến khi muốn đầu tư tại Việt Nam và những người Việt tìm đến khi có nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đức.

2. Năm 2010, Nguyễn Trọng Luật tiếp tục làm một điều gây “sốc” khi một anh chàng trẻ tuổi người Việt đã đại diện cho một số nhà đầu tư chính thức mua lại công ty sản xuất dây và đồng hồ “ROWI since 1885” của Đức.

Tại thời điểm mua lại công ty, thương hiệu này đã có tuổi đời trên 1 thế kỷ. Hiện ROWI có đa dạng các dòng sản phẩm từ cổ điển đến thông minh kết nối nhiều tiện ích được sản xuất tại Đức và Thụy Sĩ.

Chia sẻ về hành trình của mình, anh Luật chân thành tâm sự: Một người xuất thân từ đất nước nông nghiệp lại “chen chân” vào hoạt động công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, thuộc sở trường của đất nước phát triển, quả là điều không dễ. Không phải cứ bỏ tiền ra mua lại công ty rồi cứ thế phát triển lên, ngoài kiến thức hoàn toàn mới mẻ, điều thử thách nhất là vượt qua sự kỳ thị trên bước đường hội nhập.

Để “cái nhìn về người Việt” được nâng tầm hơn nữa, vài năm trước, anh Luật còn đồng sáng lập Tổ chức ASBC-Cộng đồng doanh nghiệp xã hội châu Á (www.asbc-ev.org), hiện quy tụ hơn 5.000 thành viên là người châu Á và những người quan tâm đến châu Á, nhằm trao đổi, chia sẻ mọi vấn đề quan tâm, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Anh tâm sự: “Một người Việt Nam đứng ra kết nối hàng ngàn con người trên thế giới, hẳn sẽ mang lại một cái nhìn tốt đẹp hơn về hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế”.

3. Một tổ chức mới nhất mà Nguyễn Trọng Luật vừa thành lập tại Đức cách đây 2 tháng là Hội cho nạn nhân màu da cam Việt Nam (Agent Orange Opfer Hilfe in Vietnam). Hội có 10 thành viên chủ chốt và rất nhiều người sẵn sàng đồng hành.

Trong đó, mỗi người khi vào facebook của Rowi là đồng thời đã ủng hộ 15.000 đồng cho hoạt động thiện nguyện này.

Theo anh Luật, Hội cho nạn nhân màu da cam Việt Nam đã được Sở Tài chính của Đức công nhận là Hội phi lợi nhuận, được tòa án Đức chấp thuận về mặt pháp lý và có tài khoản riêng.

Đầu năm 2016, anh Luật về nước, trực tiếp đến Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng trao số tiền 25 triệu đồng. Số tiền này với tổ chức của anh không lớn, đây chỉ là mở đầu cho cuộc gặp mặt, tìm hiểu về hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam tại Đà Nẵng.

Nếu xét thấy có thể đồng hành lâu dài, anh sẽ cố gắng phổ biến, nhân rộng sự đồng cảm từ nhiều nơi trên thế giới. Và dĩ nhiên, nguồn tài trợ có thể dồi dào hơn nữa. Mục tiêu lâu dài của Hội tại Đức là muốn tìm đến những nạn nhân cụ thể đang sinh sống ở Đà Nẵng để giúp đỡ trực tiếp.

Đi qua nhiều vùng đất, chứng kiến nhiều số phận bất hạnh, nhưng anh Luật quyết chọn việc hỗ trợ cho nạn nhân da cam là hoạt động thiện nguyện đầu tiên có quy mô của mình, bởi một nỗi ám ảnh về quá khứ. Trong ký ức của Nguyễn Trọng Luật, ngày còn nhỏ, có lần anh được xem những hình hài thai nhi kỳ dị, trưng bày trong một nơi có tên gọi Bảo tàng tội ác đế quốc Mỹ, đặt tại Đà Nẵng.

Hình ảnh những đứa bé là nạn nhân của chiến tranh khi chưa kịp lọt lòng đã trở đi trở lại trong tâm trí anh với ngổn ngang những câu hỏi; để rồi khi sẵn sàng đủ tiềm lực dang tay giúp đỡ, anh không có điều gì phân vân khi tìm tới với nạn nhân chất độc da cam, nhất là các trẻ em đang mang khuyết tật. “Nhiều em chưa được xét nghiệm chính thức có đúng là bị phơi nhiễm dioxin hay không.

Tuy vậy, với tôi, điều đó không quan trọng. Các em bị nghi ngờ phơi nhiễm, bị khiếm khuyết cơ thể và đối mặt với muôn vàn khó khăn, thì nếu giúp được, mình sẽ làm thôi. Hẹn những chuyến trở về…”, Nguyễn Trọng Luật chia sẻ.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.