.

Thương hiệu thầy thuốc

.

Mỗi dịp tổng kết, hội nghị, hội thảo, những hình ảnh máy móc thông minh, cao cấp lại được nêu lên như nét nổi bật, đáng hãnh diện và rất đáng để khoe của y tế Đà Nẵng. Không tự hào sao được khi số tiền đầu tư cho những thiết bị đó là cực lớn, phải tính đến đơn vị triệu đô-la hoặc dựa trên sự tin tưởng, kỳ vọng đặc biệt của các đối tác hỗ trợ.

Việc sử dụng được những thiết bị hiện đại cũng đồng thời phản ánh trình độ kỹ thuật của nền y tế thành phố. Nhiều bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng còn sở hữu những máy móc đạt mức ngang tầm thế giới. Đây thực sự là niềm tự hào và một phần cho thấy y tế Đà Nẵng đã thay đổi vượt bậc.

Đổi thay đã rõ, song, có lẽ chỉ đến khi nào chúng ta không cần khoe máy móc mới thấy thành tựu; thay vào đó, chỉ cần nêu tên những bác sĩ cụ thể đã thấy thương hiệu của ngành, thì lúc đó y tế Đà Nẵng mới đạt tới tầm phát triển thực sự.

Hiệu máy, đời máy, loại máy, suy cho cùng không thể sánh với “thương hiệu” con người. Một bác sĩ bậc thầy có thể được xem là biểu tượng của sự phát triển trong một lĩnh vực y khoa. Đi theo một thầy thuốc hàng đầu bao giờ cũng là những phương pháp hàng đầu, kỹ năng hàng đầu, ekip hàng đầu, hiểu biết hàng đầu và dĩ nhiên còn có những thiết bị hàng đầu. Bởi vậy, chỉ cần nghe tên bác sĩ bậc thầy, người ta đã có thể hình dung được ngay “tầm” phát triển của bệnh viện, của cơ sở y tế hay nền y tế đang sở hữu “thương hiệu” đó.

Thiết bị và cơ sở vật chất của y tế Đà Nẵng không kém cạnh so với mặt bằng các bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước, nhưng số lượng và tên tuổi những bác sĩ bậc thầy thì còn khiêm tốn. Không thể phủ nhận trình độ, tay nghề của đội ngũ y tế Đà Nẵng tốt lên từng ngày, khi nhiều ca bệnh khó, nguy kịch từ các tỉnh, thành lân cận phải chuyển về đây điều trị. Bác sĩ tại bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố còn kiêm trách nhiệm cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp ở một số bệnh viện tỉnh bạn.

Tuy vậy, sự phát triển về con người còn chung chung mà chưa có được nhiều cá nhân nổi bật tạo “thương hiệu” riêng trong nền y tế Việt Nam, hoặc xa hơn là tạo tiếng vang trong khu vực và thế giới.

Chẳng hạn, nói đến châm cứu người ta nhớ ngay “ông Tài Thu” (Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam Nguyễn Tài Thu);

nói đến vá môi trẻ em, người ta gọi ngay tên “ông Đẩu” (Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Thầy thuốc ưu tú, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh, Giảng viên Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh);

trẻ mang dị tật bộ phận sinh dục, người ta đợi “ông Roberto” (bác sĩ người Ý - Roberto De Castro, phẫu thuật cho cậu bé Thiện Nhân) về v.v… Tiếc là những cái tên hàng đầu như thế này đang hoạt động hoặc đang thuộc về những nền y tế khác và hãy còn khá hiếm tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, điều duy nhất bệnh nhân mong ngóng là gặp được thầy thuốc giỏi để hoàn toàn yên tâm trao tính mạng của mình. Được bác Thu châm cứu, bác Đẩu vá môi, v.v… bệnh nhân và người nhà đâu có bận tâm ông Thu sử dụng cây kim hiệu gì, trị giá bao nhiêu đô-la, hay ông Đẩu xài cái máy cao cấp cỡ nào, Việt Nam có bao nhiều cái hiện đại như vậy… Thậm chí, nếu các “bậc thầy” kết luận bó tay, vô phương cứu chữa thì bệnh nhân cũng tự hiểu không cần thiết phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ khác khám lại cho chắc.

Mục tiêu của thành phố Đà Nẵng là trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, thu hút người ngoại tỉnh và cả người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh tương tự như Singapore, Thái Lan, v.v... Tức là Đà Nẵng phải có được những bác sĩ bậc thầy, những thương hiệu thầy thuốc tầm cỡ ít nhất là so với trong nước.

Song, nhìn lại thực tế cuộc sống của các bác sĩ trẻ, những “mầm non bậc thầy” tương lai, thấy niềm mong chờ về sự xuất hiện của những “ngôi sao” y học hãy còn mòn mỏi.

Bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1, tốt nghiệp loại giỏi, mức lương sau khi ra trường được vài năm là 6 triệu đồng/tháng. Về vùng sâu, vùng xa, bác sĩ trẻ nhận lương cao hơn vì có thêm lương hỗ trợ, nhưng có thầy thuốc nào cả đời chuyên tâm khám chữa bệnh thông thường rồi dần trở thành “bậc thầy” y học?

Vào bệnh viện thành phố, nhận mức “lương chay” vài triệu đồng mỗi tháng, dấn thân chưa được bao lâu, bác sĩ trẻ phải tìm cách… đi kiếm tiền, tự tăng thu nhập. Người mạnh dạn, chịu khó, cộng với dựa chút tiếng tăm từ bệnh viện lớn thì mở phòng mạch riêng. Người chưa có phòng mạch thì… ao ước và tìm đường hợp tác làm ngoài giờ ở nơi khác.

Nhìn bác sĩ trẻ sắm được ô-tô, nhiều người nghĩ học bác sĩ ra trường mau giàu có, song sự “thịnh vượng” đó phần nhiều nhờ bác sĩ mải miết “bán” sức khỏe, thời gian của bản thân trong công cuộc... làm thêm! Đến thời gian tập thể thao còn không có, lấy đâu ra chuyện bác sĩ chong đèn nghiên cứu thâu đêm hoặc quên mình chinh phục đỉnh cao trong y học.

Chuyên tâm cho khoa học thì chật vật cơm áo gạo tiền (trừ phi người đó không phải là chỗ dựa kinh tế của cả gia đình), gác đam mê nghiên cứu, lao đi làm thêm thì sớm có nhà lầu, xe hơi, hẳn nhiều bác sĩ trẻ từng thần tượng những người thầy của mình và có ước vọng trở thành một bậc thầy trong nghề nghiệp đã có những lúc lung lay ý chí và tự vấn trước con đường lựa chọn?

Để “ra lò” những thương hiệu thầy thuốc, đâu chỉ có bản thân bác sĩ mong muốn, người bệnh kỳ vọng hoặc những chương trình trải thảm đỏ mời nhân tài về là... xong.

THU HOA

;
.
.
.
.
.