.

Thoát nghèo

.

Không muốn sống cuộc đời tầm gửi, những người nghèo ở huyện Hòa Vang như nhân vật mà chúng tôi gặp dưới đây đã nỗ lực rất nhiều để vươn lên. Sự cố gắng sống, làm việc, tạo thu nhập cho mình để không phải ngửa tay nhận tiền trợ cấp của họ thật đáng trân quý biết bao.

Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, hiện nay, ông Tin đã sở hữu hơn 20 con heo và 4 con bò. Ảnh: Q.T
Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, hiện nay, ông Tin đã sở hữu hơn 20 con heo và 4 con bò. Ảnh: Q.T

Không muốn nhận trợ cấp người nghèo

“Người ta thì ngắm nhà lầu, xe hơi còn em chỉ ngắm mấy con heo, con bò ni đã là quá hạnh phúc. Không thể tin được anh Đà hỉ? Nhiều lúc nghĩ lại em tưởng em đang mơ...”. Cuộc trò chuyện ngắn giữa ông Nguyễn Tin (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) với ông Nguyễn Lương Đà (công chức văn hóa-xã hội xã) chợt ngưng khi ông Đà giới thiệu có nhà báo đến thăm để viết về hộ nghèo của thôn. Ông Tin phân trần: “Không, không, tui thoát nghèo 2 năm ni rồi. Chừ thề với lòng không bao giờ vô lại hộ nghèo nữa”.

Ông Tin là bộ đội xuất ngũ. 4 năm ở chiến trường Campuchia với những cơn sốt rét triền miên khiến da ông lúc nào cũng vàng vọt, xanh xao. Phần ông đã phải thuốc thang liên miên nhưng khổ nhất là người vợ bị bệnh tâm thần sau khi sinh đứa con đầu lòng. Bao nhiêu tiền của làm ra đội nón theo những cơn động kinh của vợ.

Từ ngày được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã giúp đỡ tặng số tiền 7 triệu đồng và một con bò cái, ông chăm chỉ làm ăn. Hiện nay, mỗi năm ông xuất được 2 lứa heo, mỗi đợt thu về hơn 10 triệu đồng. “Hằng ngày tui dậy từ 2, 3 giờ sáng vô nội thành chở nước cơm về cho heo để giảm bớt tiền cám. Lần bán lứa heo đầu, cầm tiền triệu trong tay tui mừng cứ đếm đi đếm lại miết.

Nằm mơ tui cũng không thể tin có ngày tui kiếm được số tiền lớn như rứa”. Nói rồi, ông Tin đọc hai câu thơ trong Bài ca vỡ đất của nhà thơ Hoàng Trung Thông, mà ông cho là “ông bà ta” nói chớ có sai: Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông chân chất nói: “Chừ không phải sống nhờ vào trợ cấp của Nhà nước nữa, tự sức mình làm ra mình hưởng là thấy sướng rồi”.

Cũng như ông Tin, gia đình ông Huỳnh Đức Nhạt - bà Hồ Thị Mai, từng là hộ nghèo triền miên của thôn Nam Thành (xã Hòa Phong) nhưng nay đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Tán Kim (cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội xã Hòa Phong) vừa dẫn đường đến nhà ông Nhạt vừa cho hay: Hai vợ chồng nhà ni nổi tiếng cần cù, chịu khó của thôn. Do vợ bị đau cột sống, chồng bị sỏi thận nhiều năm ni, chớ không thì mô đến nỗi…

Ông Nhạt đi Nam Giang do một công ty thuê ông nấu ăn cho công nhân của công trường, chỉ có bà Mai đang cặm cụi chăm sóc mấy ụ nấm rơm của gia đình. Mấy tháng nay trời lạnh, việc trồng nấm bị thất thu nhưng bà vẫn hằng ngày ra chăm sóc, nâng niu tài sản đã nuôi sống gia đình.

Nhắc đến sự chịu khó của bà Mai, bà con trong xóm ai cũng thán phục. Bị đau cột sống nhưng để có rơm làm nấm, bà ra tận ruộng của bà con xin rơm gánh về. Mãi gần đây, khi đã tằn tiện chi tiêu mua được chiếc xe bò, bà mới đỡ vất vả hơn. Hơn 10 năm ròng là hộ nghèo nhất thôn, nay nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà Mai được đi học làm nấm miễn phí, hỗ trợ vay vốn…

Hiện nay, thu nhập từ bán nấm rơm của bà gần 6 triệu đồng/tháng. Với số tiền có được từ việc bán nấm, cộng thêm tiền lương 4 triệu đồng của ông Nhạt, tổng thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng, chia cho 5 người đã đưa gia đình bà Mai thoát nghèo bền vững.

Ngày gia đình được “xóa sổ” khỏi hộ nghèo, khỏi phải nói bà Mai hãnh diện đến mức nào. “Lần đầu tiên cầm số tiền bán nấm mấy triệu đồng trong tay, tui rơi nước mắt vì hạnh phúc. Tui nhủ trong lòng, rứa là ông trời đã nghe thấy lời cầu xin bấy lâu của tui rồi, cho tui cái nghề để lo cho con miếng ăn, cái mặc”.

Nỗ lực vượt khó

Hòa Vang là huyện có số người nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của thành phố. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên cơ hội thoát nghèo khó hơn do rủi ro của sản xuất nông nghiệp lớn, nông dân không quyết định được giá cả thị trường…

Điển hình như năm nay, vụ lúa đông xuân của nông dân Hòa Vang có thể thất bát do chuột phá hoại. Nông dân khóc ròng đứng nhìn chuột phá lúa mà không biết phải làm sao. Hay như vụ hoa Tết Bính Thân vừa qua, dù báo cáo kết quả của UBND huyện Hòa Vang đến thành phố là toàn huyện đã có một mùa hoa thắng lợi nhưng một bộ phận nông dân trồng hoa vạn thọ nhỏ lại mất Tết.

Do năm ngoái, nhu cầu hoa để mộ tăng cao nên năm nay người dân tập trung làm. Mọi năm, đến Tết có thể bán 10.000 đồng/cây nhưng năm nay, nông dân bán 3.000-4.000 đồng/cây mà không ai mua. Khổ nỗi, chính những hộ nghèo mới làm hoa để mộ do dễ trồng, vốn ít, thế là, đã nghèo lại khổ hơn!

Ông Đặng Thập, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, cho biết, theo đề án giảm nghèo giai đoạn mới, huyện sẽ tập trung vào những hộ nghèo còn sức lao động như gia đình có sinh viên, người đang ở độ tuổi lao động…

Tuy nhiên, dù địa phương nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì tự bản thân người nghèo phải biết vươn lên, có tham vọng thoát nghèo thì mới mong thành công. Như gia đình ông Tin đã thoát nghèo bền vững như hiện nay bởi bản thân ông có nghị lực.

Ông tâm sự: “Nhiều đêm nằm gác tay lên trán tui cứ suy nghĩ mãi, phải làm sao để thoát nghèo, đủ sức lo cho vợ cho con. Con cái lớn rồi nó cũng sĩ diện, không muốn đi học được nhận những sự ưu ái của nhà trường vì gia đình thuộc hộ nghèo. Con không nói ra nhưng một ánh mắt của nó tui cũng đọc được là nó không muốn phải sống cuộc sống như thế này.

Thương con mà mình phải nỗ lực vươn lên. Nhà cửa không có gì, không lo cho con được vật chất đủ đầy như người ta, tui chỉ có cái nghị lực để truyền dạy lại cho con. Nhiều lần đi nhận quà hộ nghèo tui rất xấu hổ, phải cúi xuống, không dám nhìn ai, trông nhận xong về liền chớ ngại lắm, đàn ông sức dài vai rộng, chẳng đặng đừng mới phải nhận trợ cấp từ xã hội”.

Hay như bà Mai nói: “Trông ông trời thương cho mình sức khỏe để lao động, chỉ cần có sức khỏe chuyện chi mình cũng làm được. Ai mà muốn vào hộ nghèo, hơn nữa, gia đình tui ở hộ nghèo hơn 10 năm rồi, cũng chướng với bà con lối xóm”.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.