Việt Nam là một nước nghèo, vẫn phải ngửa tay đi xin viện trợ, nhiều người nghèo phải chạy ăn từng bữa… Thế nhưng, mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho việc uống bia! Bình quân thu nhập đầu người Việt đứng thứ 8/11 nước trong khu vực, nhưng về mức tiêu thụ rượu, bia thì đứng nhất và “đạt” tốp 3 châu Á.
Thói quen ăn nhậu, uống bia, rượu gây lãng phí lớn đối với Việt Nam. (Ảnh có tính minh họa) |
Lãng phí và lạc hậu
Chủ đại lý phân phối bia cấp 1 của một công ty bia tại Đà Nẵng (xin giấu tên) cho biết, chỉ tính riêng một loại bia lon có thương hiệu, đại lý này đã tiêu thụ ít nhất 2.000 thùng/ngày. Vào dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, lượng tiêu thụ có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba. Thậm chí, có những thời điểm, như những ngày cận Tết Bính Thân vừa qua, đại lý phải từ chối khách, vì “cháy” hàng.
Một chủ đại lý bia khác trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết, lượng bia tiêu thụ tăng lên theo từng năm. Những ngày nắng nóng năm ngoái, đại lý này đã phải “cầu cứu” các bạn hàng từ Gia Lai, Đắk Lắk… để có bia cung cấp cho thị trường Đà Nẵng.
Cảm nhận về Đà Nẵng, có một số du khách đã nói rằng, Đà Nẵng có nhiều cái nhất, trong đó có việc ăn nhậu. Đâu đâu cũng thấy quán nhậu: từ đường lớn, đường nhỏ, đường mặt phố, đến kiệt hẻm, đều có thể trở thành địa chỉ lý tưởng để mở quán nhậu.
Có những con đường vốn rất đẹp, nên thơ ven biển hoặc hướng ra biển Đà Nẵng như Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Nguyễn Tất Thành… lại chính là nơi đi về, địa chỉ xôm tụ nhất của những “tín đồ” bia rượu. Phỏng vấn một cựu chiến binh về cảm nhận của ông đối với những cái nhất của Việt Nam và Đà Nẵng liên quan đến bia, rượu như trên, ông đã cười chua chát: Việt Nam có những cái nhất không phải ai cứ muốn là được. Thật đáng “tự hào!”.
Với 3 tỷ lít bia tiêu thụ/năm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Theo các chuyên gia, mức sử dụng rượu bia bình quân đầu người của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh.
Theo số liệu từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người một năm của thế giới là 6,2 lít, không thay đổi trong 15 năm qua, đạt ngưỡng bão hòa. Việt Nam thì ngược lại, giai đoạn 2003-2005, người Việt chỉ uống bình quân gần 4 lít một năm, hiện tăng lên 6,6 lít. Đặc biệt, mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu.
Hệ lụy khôn lường
Chị N.T.N (quận Thanh Khê) thổ lộ, trung bình mỗi cuộc nhậu của chồng chị kéo dài khoảng từ 5-6 giờ đồng hồ, sau giờ tan sở đến chừng 22-23 giờ đêm. Tháng 30 ngày thì đều đặn khoảng 20 ngày như thế! Vậy mà chị N nói, chị còn may mắn vì chồng chị còn “vác xác” về nhà ngủ, chứ có người đi nhậu từ đêm tới sáng hôm sau.
Khác với suy nghĩ có phần an phận của chị N, chị H.C.A (quận Sơn Trà) luôn cảm thấy muốn “điên” vì cái tội kề cà, không biết từ chối của chồng, mỗi lần đi nhậu. “Hứa 9 giờ về, nhưng tới 11 giờ đêm cũng chẳng thấy đâu. Về tới nhà không nôn ói thì sáng ra đau bụng. Tháng ổng đi khoảng vài lần, chớ mà ngày nào cũng đi chắc mình chết. Trên đời này, ghét nhất chuyện ăn nhậu!”, chị A bức xúc.
Anh Nguyễn Văn Hùng, quản lý một công ty nhựa đường tại Đà Nẵng cho biết, trước đây, anh cũng khá ham vui trên bàn nhậu. Nhưng từ sau cái chết của một đồng nghiệp trẻ vì tai nạn giao thông, sau một cuộc nhậu tổng kết cuối năm, anh quyết từ bỏ bia, rượu: Một giọt cũng không!
Thời buổi mà thời gian cần được quý trọng từng giây, từng phút như hiện nay, anh Hùng nhận ra rằng, trước đây bản thân thật ấu trĩ, khi cứ lãng phí hàng giờ trên bàn nhậu, thay vì làm bao nhiêu việc có ích khác. Chưa kể, số tiền ngốn vào mỗi cuộc nhậu lẹt xẹt cũng tiêu tốn không dưới 1 triệu đồng = số tiền ăn, ở trọ cả tháng của những sinh viên nghèo!
Không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, chém giết…
Hiện nay, có một số quan niệm hoàn toàn sai lầm khi cho rằng, uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so uống rượu; hay uống nhiều mới có hại, còn uống ít thì không. Thực tế, bia, rượu đều có hại như nhau, do chất cồn có trong đồ uống gây ra.
Theo WHO, trên thực tế, không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại, do nguy cơ và hậu quả khi sử dụng rượu bia phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, hoàn cảnh và cách thức uống. Rượu, bia có thể gây nghiện, gây loạn thần. Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn.
Với những người tự nhận là ăn nhậu chỉ vào hạng “thường thường bậc trung”, thì chỉ cần 1 tuần 1 lần nhậu, lần nhậu cỡ 2 lít, 1 tháng sẽ nạp ít nhất 8 lít, và một năm ít nhất cũng 92 lít/người thì những nguy cơ liên quan đến sức khỏe, tính mạng đối với người lạm dụng bia rượu trên thực tế là rất lớn.
Và, những cái chết oan uổng, những câu chuyện đầy ám ảnh, những cảnh tượng đau lòng vẫn nối tiếp nhau diễn ra hằng ngày, có thể xảy ra với bất cứ ai, do rượu, bia làm mất lý trí, dường như vẫn chưa đủ để thức tỉnh các “ma men”.
* Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính có 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu không sử dụng rượu bia. Theo thống kê của các sở y tế trên cả nước, chỉ trong 8 ngày Tết Bính Thân vừa qua, cả nước có hơn 5.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, 13 người tử vong, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do rượu, bia. Theo Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ, tùy theo mức độ vi phạm về nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở: Phạt tiền từ 2.000.000 - 15.000.000 đồng (đối với người điều khiển, người ngồi trên ô-tô và các loại xe tương tự ô-tô); từ 500.000 - 3.000.000 đồng (đối với người điều khiển các loại xe tương tự mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy). * Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông thành phố, năm 2015, phát hiện lập biên bản 532 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong máu, 3 tháng đầu năm 2016, có 25 trường hợp. |
THANH TÂN