.

Lãng phí, đói kém và biến đổi khí hậu

.

Lãng phí thực phẩm không còn dừng lại ở chuyện hàng triệu tấn thức ăn bị vứt bỏ mỗi ngày từ các nhà bếp, gây tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của; mà câu chuyện thức ăn bị vứt bỏ đang phản ánh bức tranh đối nghịch giữa những nơi thức ăn thừa mứa và những nơi đói kém và đặc biệt nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống vốn đang ngày càng bị đe dọa không kể ở bất cứ đâu.

Việc gọi món... và bỏ dở vì ăn không hết đang khá phổ biến trên bàn ăn của nhiều người hiện nay. 	Ảnh: H.N
Việc gọi món... và bỏ dở vì ăn không hết đang khá phổ biến trên bàn ăn của nhiều người hiện nay. Ảnh: H.N

Những câu chuyện từ nhà bếp

Chị Nguyễn Thị Hòa (tổ 55 phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) chỉ vào tô cơm nguội và một bao đựng các loại bánh thuẫn, bánh in, kẹo cu-đơ vừa soạn trong chiếc tủ chén nhà bếp ra, vừa nói giọng tiếc rẻ: Ngày nào cũng có thứ gì đó bị vứt đi em ạ.

Cơm nấu chỉ đủ 5 người ăn, nhưng hai đứa con đến trước giờ ăn lại gọi điện về nói đi ăn với bạn, thế là dư ra. Đến hôm sau thì đành phải bỏ. Còn mấy thứ bánh này từ hôm Tết đến giờ, cái thì bị lên men, cái thì bể, toàn bánh ở quê các cô làm cho, ăn không hết, giờ cũng phải bỏ. Ngày xưa làm gì có cái dư ra mà đổ đi như thế này. Bây giờ trong nhà đầy thứ ăn được nhưng tụi nhỏ vẫn thích mua đồ ăn mới, thành ra cái gì cũ thì coi như hư, rồi ném vào thùng rác. Nếu có để lại trong tủ lạnh, bữa sau đem ra cũng không có ai ăn, lại đổ.

Chị Phan Thị Duyên (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thì thường xuyên đổ những chén nước mắm, dầu ăn sau những bữa cơm. Chị nói như thanh minh: “Ăn không hết thì phải đổ đi chứ để lại thế nào trong nhà cũng ám mùi nước mắm; dầu ăn chiên qua rồi cũng không thể dùng lại được. Mấy lần em cũng tự nhủ là lấy nước mắm, dầu ăn đủ dùng mà vẫn bị quá tay”. Hỏi chị mỗi tháng phải bỏ tiền ra mua bao nhiêu chai mắm, chai dầu, chị bảo cứ mua mỗi lần can dầu cỡ 5 lít, vài chai nước mắm, tương, muối các loại… để dùng dần, nên không thể xác định được cân đong cho vừa với từng tháng.

Nhiều gia đình hiện nay, chi phí tiền thức ăn mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng cho gia đình 4 người là khá cao so với vật giá của các chợ, siêu thị tại Đà Nẵng. Chị Trâm Anh (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu) cho biết, theo kinh nghiệm của chị, nếu chọn cách đi chợ mỗi tuần 1 đến 2 lần, các bà nội trợ sẽ tiết kiệm hơn là đi mua thức ăn hằng ngày.

Bởi mua với số lượng lớn, khi về sơ chế, chị sẽ chia nhỏ từng phần đúng với định lượng mỗi bữa ăn, cho vào hộp để cất trữ, đến bữa nấu ăn sẽ không bị dư ra. Bà nội trợ khéo cũng xác định được nên ăn mỗi bữa bao nhiêu món, chế biến vừa đủ với “sức ăn” của cả nhà thì ít khi bị dư ra.

Đầu bếp Hồ Công Quyết, bếp phó của khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng Resort & Spa cho biết, ở các nhà hàng lớn, khách sạn, bao giờ người đầu bếp cũng chế biến thức ăn với lượng vừa đủ, hợp lý và không hoang phí, dựa trên những cơ sở khoa học cụ thể.

Bình thường thể tích bao tử của người Việt chứa được 600-700gram thức ăn và thức uống cho một bữa ăn. Khi chế biến, các đầu bếp sẽ chuẩn bị một khẩu phần ăn gồm: 1 miếng thịt khoảng 180-250gram + 80gram khoai tây + 80gram rau củ + 1 chén soup 150rgam + 1 ly rượu vang. Trên nguyên tắc đó, đôi khi đầu bếp làm ít hơn khẩu phần 1 chút để khách ăn không quá no, cũng không quá đói, tạo cảm giác thèm để có thể gọi thêm món.

Nếu những bà nội trợ nắm vững công thức định lượng bữa ăn, thế nào họ cũng nấu đủ cho chồng con ăn mà không sợ bị dư thừa.

Thói quen xấu ảnh hưởng đến môi trường

Thói quen vứt bỏ thức ăn thừa, mua quá nhiều thức ăn so với nhu cầu và khi thừa thì… vứt vào thùng rác không phải là cách đối xử với thực phẩm của người Việt Nam nào mà đang là câu chuyện của toàn cầu. Năm 2013, trong báo cáo “Tổn thất và lãng phí thực phẩm toàn cầu” của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, hằng năm khoảng 30% lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn, đã bị ném vào thùng rác. Số thực phẩm bị lãng phí này đủ để nuôi sống ước khoảng 830 triệu người nghèo trên toàn thế giới. Trong khi đó, cứ 3 giây trên thế giới lại có một người chết vì đói (!)

Trước đó, vào tháng 6-2012, FAO đã đưa ra sáng kiến “Tiết kiệm thực phẩm” (Save Food) như một chương trình quốc tế nhằm mục đích giảm thiểu 1/3 lượng thức ăn được sản xuất trên thế giới bị lãng phí mỗi năm và giảm thiểu các tổn thất về lương thực vốn được đánh giá có thể tiết kiệm tới 1.000 tỷ USD.

Save Food và kêu gọi các quán ăn áp dụng những biện pháp phù hợp để sao cho thức ăn không bị lãng phí quá đáng như hiện nay và bước đầu đã thu được thành công. Hiện nhiều cửa hàng ăn trên thế giới đã đưa ra lời cảnh báo nếu khách hàng gọi quá khả năng dùng bữa của mình, tùy theo mức độ thức ăn thừa, sẽ bị phạt tiền.

Tại Hong Kong, mỗi món ăn đã gọi ra nhưng không dùng hết, khách hàng phải trả thêm 1,5 đô-la Hong Kong. Còn tại một số quán ăn ở Mỹ, nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, dự án “Ngừng lãng phí thức ăn” (Stop Wasting Food) kéo dài 3 năm do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển cùng phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu 350.org Việt Nam phát động năm 2015, kêu gọi cộng đồng giảm lãng phí thực phẩm và các nguồn tài nguyên.

Tại Hà Nội, dự án “Hà Nội Đủ” trong 2 năm 2014 và 2015 đã tổ chức chiến dịch “Save Food, Save the Earth” (tiết kiệm thực phẩm, bảo vệ trái đất) kêu gọi nâng cao nhận thức của người dân và các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội về vấn đề tiết kiệm thực phẩm và sử dụng hợp lý nguồn thức ăn dư thừa; phân phối thực phẩm dư thừa chưa qua sử dụng một cách hợp lý; bảo vệ môi trường bằng cách tận dụng nguồn lực tối đa từ xã hội.

Đà Nẵng vẫn chưa có những hoạt động mạnh mẽ như 2 thành phố trên trong vấn đề tuyên truyền không để thức ăn dư thừa. Có nhiều người ở các xã của huyện Hòa Vang hằng ngày vẫn về nội thành chở thức ăn thừa, rác thải từ cá, rau về nuôi heo, cá; nhưng có một lượng lớn thức ăn dư, đồ ăn hết hạn sử dụng vẫn bị bỏ vào thùng rác, lẫn lộn với các loại rác thải khác.

Chị Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ môi trường, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đưa ra cảnh báo: Thức ăn khi bị đổ đi là chất thải hữu cơ, nếu kết hợp với nước (không qua tách lọc) sẽ tạo thành một lượng nước và rác hữu cơ.

Nếu kết hợp với nước mưa, thấm xuống đất sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước ngầm và cả nước bề mặt. Nồng độ các COD (lượng oxy cần để oxy hóa toàn bộ các chất hóa học trong nước) và BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa một phần các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi sinh vật) thiếu sẽ làm hàm lượng vi sinh vật như ecoli tăng cao, gây ra những bệnh đường ruột, tiêu chảy, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Rác thải hữu cơ hiện chiếm 60-70%/710-720 tấn rác/ngày tại bãi rác Khánh Sơn. Rác chủ yếu được chôn lấp, theo thiết kế là không thấm vào đất. Nhưng nước rỉ rác vẫn có thể ảnh hưởng ra môi trường.
Tiết kiệm thực phẩm để có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Sử dụng thực phẩm hợp lý đồng nghĩa với tiết kiệm tiền bạc, thời gian và trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường vẫn đang là câu chuyện cần được bàn bạc cụ thể bởi những nhà hoạt động vì môi trường; và cần cả ý thức của những người hằng ngày đứng giữa sự lựa chọn bỏ đi hay giữ lại thức ăn và các hệ lụy của nó...

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.