Đình làng Xuân Dương nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố với 2 tiêu chí: nghệ thuật kiến trúc và lịch sử cách mạng.
Đình làng Xuân Dương-Di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố. Ảnh: Đ.D |
Nơi đây đã từng được chọn là điểm bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên vào ngày 6-1-1946 của khu vực rộng lớn gồm các xã Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) ngày nay. Đình Xuân Dương là một trong các đình làng trong vùng thời đó có kiến trúc khá lớn nằm trên nền gò cao lưng dựa vào núi đá cùng tên, mặt quay về hướng nam nguy nga thoáng đãng.
Đặc biệt, bấy giờ đình vẫn còn mới vì vừa được xây dựng lại, dòng chữ Hán khắc trên đòn đông “Bảo Đại Đinh Sửu niên nhị nguyệt thập ngũ nhật cát nhật Xuân Dương xã bổn xã cẩn tạo” cho thấy từ năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại thứ mười bốn đến đầu năm 1946 - năm thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, bầu Quốc hội đầu tiên, đình vừa mới 9 tuổi.
Sách Đình làng Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2011) mô tả kỹ hơn về kiến trúc: “Điều đặc biệt là bộ vì của phần tiền đường được làm theo kiểu “chồng rường giả thủ”, với các giả thủ đều được chạm trổ hoa văn cầu kỳ, khéo léo. Giữa các con rường, ngoài hai trụ đội được chạm trổ cầu kỳ đặt ở hai đầu để liên kết với các con rường khác thì có các hình tượng hoa lá và các con vật khác như chim, dơi… Đầu các kết cấu gỗ như con rường, kèo đều được chạm khắc hình cây, hoa, lá. Quả là tinh xảo! (…) Về mặt kiến trúc, nhìn trong tổng thể các ngôi đình hiện tồn tại trong thành phố, đình Xuân Dương là một trong số ít những di tích còn giữ được những nét đẹp trong việc trang trí, chạm khắc trên chất liệu gỗ. Đặc biệt, nghệ thuật chạm khắc trên các vì kèo thể hiện tài năng và sự khéo léo, tài tình của người sáng tạo”.
Để có lời nhận xét và khen ngợi tốt đẹp ấy, đình Xuân Dương có lịch sử xây dựng khá may mắn và đúng lúc.
Theo cụ Lê Trọng Bính, 77 tuổi, người hoàn thiện hồ sơ xin công nhận di tích đình làng, trụ biểu trước đình còn ghi rõ “Nhâm Thân kiến tạo xã cát Bảo Đại thất niên phân sách bộ”, nghĩa là năm Nhâm Thân Bảo Đại thứ bảy (1931) lập làng, chia địa bạ riêng. Năm 1931, làng chính thức tách khỏi làng mẹ Xuân Thiều để có xã hiệu mới là Xuân Dương. Đã có làng thì phải có đình! Thoạt tiên, đình được khởi dựng chỉ bằng gỗ thường, tường phên tre, mái lợp tranh gọi là tạm có. Sau mấy năm, đình xuống cấp ọp ẹp khó coi, nhìn vẻ bề thế của các đình làng bên mà “xốn xang”, dân làng quyết tâm phải có một ngôi đình không thua kém.
Đúng lúc ấy, bà Thủ Long, dâu tộc Mai làng Nam Ô, đã đánh tiếng muốn nhượng lại cả giàn trò (phương ngữ chỉ giàn gỗ của ngôi nhà – ĐNCT) đang được bà bảo quản nguyên vẹn trong nhà mình. Trong làng bấy giờ ai cũng biết giàn trò ấy vốn là của nhà thờ tộc Mai ở Trường Định (nay thuộc xã Hòa Liên) từ lâu nổi tiếng là ngôi nhà thờ họ to tát và chạm trổ đẹp đẽ nhất vùng.
Ông Mai Tấn Sơn, 75 tuổi, hiện là tộc trưởng tộc Mai Nam Ô (gốc gác là tộc Mai Trường Định), cũng xác nhận như vậy và cho biết thêm rằng, để dựng được ngôi nhà thờ này, tộc Mai Trường Định phải huy động con cháu toàn tộc kẻ góp công người góp của.
Trai thì lên rừng lựa gỗ tốt mà đốn rồi dùng trâu kéo đem về, gái thì gánh đất đắp nền cho nhà thờ cao ráo. Người không góp công thì cúng của, kẻ năm ba đồng người cúng cả chục quan. Đầy đủ vật mộc, tiền bạc… tộc mời thợ khéo ở Kim Bồng về tận nơi che lều dựng trại thi công. Cả kíp thợ kẻ đẽo người cưa, kẻ chạm người trổ… tiếng lách cách vang lên cả mấy tháng trời. Cả tộc vất vả cung phụng ăn uống cho mấy chục người. Cuối cùng ngôi nhà thờ cũng được dựng lên, mái lợp ngói âm dương, tường bao ván lụa, bề thế đẹp đẽ, nhiều tộc bạn trong làng đến dự lễ khánh thành không giấu nổi sự ngưỡng mộ xen chút ganh tỵ.
Niềm tự hào ấy rồi cũng bị thời gian làm cho phai nhạt sau đó hàng chục năm. Thời tiết khắc nghiệt, bão lụt triền miên đã làm nhà thờ tộc tường bung, ngói tróc. Gặp thời buổi binh đao ly tán, con cháu trong tộc cũng khó khăn theo, không thể trùng tu nhà thờ tộc. Để tránh nhà thờ tiếp tục hư hỏng, mục nát dưới nắng mưa nên tộc quyết định tháo mộng, triệt hạ xếp lại đem cất chờ con cháu qua cơn bĩ cực sẽ dựng lại. Sau nhiều chục năm, bộ giàn trò kia dù được che đậy kỹ lưỡng cũng không tránh khỏi hình ảnh lăn lóc khó coi. Đúng lúc ấy, bà Thủ Long, người giàu có nổi tiếng trong vùng, xin “mua lại” đem về bảo quản. Thế là bà nghiễm nhiên sở hữu giàn trò quý giá này.
Khi lập đình, các họ tộc làng Xuân Dương đến trao đổi với bà Thủ Long xin mua lại toàn bộ giàn trò rồi chỉ việc dựng lên, lợp ngói mới, xây tường bao bằng gạch Chăm của ngôi tháp cổ gần kề đó.
Trải qua gần tám mươi năm, ngôi đình làng Xuân Dương vẫn bề thế đẹp đẽ với đường nét chạm trổ tinh xảo, vẫn còn xứng với những lời khen tặng như trên.
ĐẶNG DÙNG