“Những sinh viên nắm chắc kỹ năng chuyên môn trong quá trình học tập tại ĐH, bất kể ở chuyên ngành nào, kết hợp với kỹ năng Anh ngữ và kỹ năng mềm vững vàng, sẽ là những người có thể thích ứng tốt nhất và được các nhà tuyển dụng săn đón trên thị trường lao động toàn cầu đang có nhiều đổi thay”, ông Phillip Allen - Giám đốc Nghiên cứu thị trường của UTS:INSEARCH chia sẻ.
Tự hoàn chỉnh hồ sơ nhập học là một trong những bước đệm giúp thí sinh làm quen với các dịch vụ của trường đại học. Ảnh: H.T |
Cơ hội đến từ kỹ năng mềm và phẩm chất
Chia sẻ tại buổi Hội thảo Định hướng và tư vấn xu hướng nghề nghiệp trong năm 2020 và tương lai cho sinh viên (SV) Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng giữa tháng 8 vừa qua, do UTS:INSEARCH - nơi đào tạo các chương trình cao đẳng liên thông vào ĐH Công nghệ Sydney (UTS) tổ chức, ông Phillip Allen cho biết, “chỉ riêng bằng cấp sẽ không đủ và lời khuyên từ các nhà tuyển dụng cho các SV quốc tế là “phát triển kỹ năng mềm” để hỗ trợ việc học cử nhân của mình”.
Các nhà tuyển dụng nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ năng mềm và phẩm chất hơn là việc có được điểm số học thuật cao. Mặc dù bằng cấp là một tiêu chí quan trọng của nhà tuyển dụng, nhưng tiêu chuẩn tuyển dụng của họ đang chuyển từ “bảng điểm học tập hoàn hảo” sang hướng đến việc phát triển các kỹ năng. Thị trường lao động trong tương lai sẽ tìm kiếm những kỹ năng không thể tự động hóa được. Một số kỹ năng mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm bao gồm: kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân, sự thấu hiểu và đa dạng về văn hóa; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng giải quyết vấn đề; sáng kiến; khả năng thích nghi; tham vọng; sáng tạo và kỹ năng lãnh đạo.
Ông Phillip nhấn mạnh, kỹ năng giao tiếp còn được xem là một kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các SV. Yêu cầu các ứng viên có thể giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc và cộng tác trong một môi trường đa dạng các nền văn hóa, giới tính và tuổi tác.
Theo khảo sát của công ty tư vấn tuyển dụng Michael Pageiv, tại Việt Nam đã và đang tồn tại nhu cầu rất lớn về lao động kỹ thuật số trong tất cả các ngành nghề; nhu cầu lao động trong các dịch vụ chuyên môn, đặc biệt là ngành nhân sự cũng đang gia tăng. Với sự thành lập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, người lao động Việt Nam với kinh nghiệm làm việc tại môi trường khu vực và môi trường quốc tế, thành thạo tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh (viết và nói) là những người được đánh giá rất cao.
Sinh viên học kỹ năng ở đâu
Nhiều SV vượt qua vòng thi kiến thức chuyên môn do các nhà tuyển dụng tổ chức nhưng lại không qua được vòng phỏng vấn vì thụ động và thiếu tự tin. Chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên ngành nên không ít SV đã tự đánh mất cơ hội để rèn luyện và hình thành kỹ năng trong những năm ở giảng đường. Đó là ý kiến của nhiều nhà tuyển dụng trong các phiên chợ, hội chợ việc làm tổ chức ở Đà Nẵng những năm qua.
Hiện một số trường như Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) đưa nội dung về kỹ năng giao tiếp trở thành môn học tự chọn với dung lượng 2 tín chỉ áp dụng cho những SV năm cuối. Riêng Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng, kỹ năng mềm đã trở thành một môn học điều kiện để xét tốt nghiệp như ngoại ngữ và tin học.
Thế nhưng, theo kinh nghiệm của các chuyên gia tâm lý thì những khóa học kỹ năng mềm chỉ mang tính chất khơi gợi cách thức, phương hướng chứ không thể có sự thực tập, trải nghiệm. Trong khi đó, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, SV muốn biết bơi không có cách nào khác phải xuống nước tập bơi chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được. Không ai khác, chính SV phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các CLB đội nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm.
Có lẽ vì vậy mà Ban giám hiệu Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa có một quyết định được đánh giá là khá mới mẻ và táo bạo: Thu hồi lại toàn bộ các dự án phục vụ như photocopy, căng tin, sân bóng… do tư nhân đấu thầu trước đó và giao cho Hội Sinh viên và Đoàn trường đảm nhận. PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, giải thích: “Về mặt kinh tế, Công đoàn nhà trường sẽ bị hụt một nguồn thu đáng kể. Nhưng đổi lại, SV có cơ hội được thực hành những bài giảng, từ khai thác thị trường, thái độ phục vụ, chiến lược kinh doanh, kỹ năng tổ chức, điều hành, quản lý… ngay trong quá trình học tập. Tại sao SV mình đi làm thêm ở ngoài, được trả với mức lương không cao, trong khi nhà trường có điều kiện tạo công ăn việc làm cho các em thì lại bỏ phí. Giảng viên giảng dạy những kiến thức về kinh doanh, quản trị cho các em thế nào khi các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ cho cả SV và giảng viên, nhà trường đều đi thuê ở ngoài?”.
Điều thôi thúc PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn quyết định “tin vào khả năng điều hành” của SV chính là những ấn tượng khó quên trong chuyến đi công tác tại Đài Loan: “Hiệu trưởng của trường ĐH đối tác của chúng tôi rất tự hào khi mời đoàn công tác dùng cơm tại căng tin của trường, do SV nhà trường đứng ra tổ chức, quản lý từ thu chi, phục vụ… Và tôi nhìn thấy đây là cơ hội để SV của mình rèn luyện cả kiến thức, kỹ năng và thái độ, tích lũy kinh nghiệm để nhanh chóng thích ứng với công việc sau này”.
HÀ TRẦN