.

Đời chợ - Đời người

.

Mẹ tôi là người gắn bó với chợ ngay từ nhỏ. Bà kể: Bà ngoại tôi gánh đôi thúng đi chợ, một bên là mẹ tôi ngồi, một bên là những thứ cần bán và khi về đựng những thứ đã mua. Mẹ tôi ngồi lọt thỏm trong cái thúng, hai tay giữ chặt vành thúng gần như đối  trọng lại những rau, với những cá, những tôm, những áo, những vải và không bao giờ thiếu quà chợ khi thì những bánh đa nướng, bắp ngô luộc… Rồi mẹ lớn lên đi chợ buôn cá.

Mẹ đi chân đất từ nhà lên chợ huyện phải qua cái eo núi chập  chùng gọi là “qua yên” bởi cái eo giống như yên ngựa. Mẹ tất bật cuồng chân vừa đi vừa chạy “chạy như chạy cá tươi”. Vì thuyền đánh bắt về cá đang giãy đành đạch, tươi roi rói. Bởi thuở ấy biển chưa “chảy máu trắng” mất cá như bây giờ. Thuyền chèo ra khỏi mũi lố khoảng vài hải lý đã đủ thứ cá, mà cái con cá khi tươi lại được giá nhưng ươn lại mất giá.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ bảo: Buôn ở chợ cũng phải học – học từng mẹo mực bán hàng, rao hàng. Nhìn khách mà nói giá: người quen, người lạ, đàn ông đi chợ hay đàn bà.  Người già hỏi mua khác người trẻ, có người cần ngon, có người cần rẻ. Nhưng đến chợ là vui rồi, vì thế sinh ra chuyện  thêm bớt, mặc cả. Mặc cả để giao đãi, mặc cả để nâng lên đặt  xướng món hàng mới có giá trị. Mua mà được thêm dù chỉ là chút ít cũng đã hồ hởi như được cộng niềm vui, được lộc. Bà ngoại đã dạy mẹ tôi cách đếm cá, bao giờ một chục mười còn thêm vào thành 12 con mới gọi là chục chẵn, chứ đủ 10 con gọi là chục trụi, mà người đời chẳng ai muốn trụi cả.  Cái ân đức của con người có khi là sự  dôi ra nhưng không thừa…

Đời chợ cũng qua bao phen nổi chìm. Có chợ đình, chợ quán; chợ hôm, chợ mai; chợ phủ, chợ huyện, chợ tỉnh; chợ đón, chợ phiên. Rồi có những chợ mang tên sản vật riêng bán mua: như chợ trâu (bò). Mang tên địa danh như: Chợ Nhe, chợ Nghèn… Sau này lớn lên được đi đó đây khắp mọi vùng quê đất nước tôi lại biết thêm: chợ nổi – chợ họp trên sông (như chợ nổi Cái Răng) ở miền Tây Nam Bộ; chợ tình (như chợ tình Sa Pa)… Ký ức chợ mang theo cả ký ức làng, ký ức của mỗi đời người.

Cứ vào chợ ta là ta biết được nếp sống, mức sống, phong tục tập quán, thổ ngữ qua lời ăn tiếng nói, qua sản phẩm đặc sản bán mua, qua giao tiếp bày đặt quán hàng. Ôi những cái chợ quê như là văn hóa làng không thể thiếu được. Như là một chân dung làng, lại như là một mảnh hồn làng cứ đeo đẳng, miết vào trí nhớ.

Đời người lại gắn với đời chợ, có người chỉ bán một thứ hàng suốt đời. Như chợ quê  tôi có bà Thái gọi là “Thái trầu”. Nghe lạ tai nghịch lý, nhai trầu sao lại là thái trầu được. Đời bà chỉ ngồi đúng  góc chợ ấy, chỉ bán mỗi trầu và cau còn lọ vôi là cho thêm.

Cho tuy nhỏ nhưng  không có vị vôi  trắng nồng ấy, thì miếng trầu đâu có đậm đà, có ấm áp, có vị nước  trầu đỏ cho hồng thêm khuôn mặt, cho mặn mà thêm câu chuyện, cho răng bền chắc và cho bao sự khởi đầu may mắn nữa. Chợ  quê bán đủ thứ từ cái chi li bé nhỏ như kim chỉ vá may, như nhúm bồ kết hay bó rau mùi thơm  gội tóc. Để nhặt từng đồng tiền lẻ, đồng tiền nhảy lò cò qua từng lóng mía như một nhà thơ đã viết. Thế mà bao việc làng, việc nước cứ rộng dần ra.

Bao đứa con lớn lên đi xa được học hành cũng từ gánh hàng vặt của mẹ. Cái niềm vui đi chợ không những là được chào hỏi như một nhu cầu giao tiếp của người  Việt, mà còn được tự tay mình chọn lựa, nhất là các món hàng sống. Cũng mua một con gà vào siêu thị là những con gà mổ sẵn, ép đông lạnh.

Ở chợ quê tay ta có thể lùa vào đôi cánh gà lông mượt, được sờ vào cái ức gà nần nẫn thịt, được ngắm cái mào đỏ tươi, được nghe tiếng “quang quác…” quen thuộc. Các sản phẩm có gì xa lạ đâu mà thành đặc sản cả. Như món rau lang luộc chấm muối vừng, như món dam (cua đồng) có sẵn ở các hóc ruộng thành đặc sản bún riêu cua.

Nhưng cái thời đó cũng đã qua. Thuốc trừ sâu đã diệt tận gốc. Còn đâu con cua đồng bé nhỏ, tám cẳng hai càng thao láo mở con mắt ngơ ngác nhìn ta nữa. Nhưng ở chợ quê vẫn giữ được cái độ tin cậy khi mua hàng quen, người quen bởi ngày nào chẳng gặp nhau. Cái hàng trầu ấy, bà Thái mất rồi thì con gái bà lại tiếp tục nghề của mẹ. Vì mua bán lấy hàng có “thổ” cả. Ta mua là mua cái niềm tin bền lòng, mua cái nghĩa, cái tình…

Đời chợ cũng bao lần thay đổi. Những khu chợ mới được dựng nên khang trang hơn che mưa che nắng. Rồi siêu thị văn minh hiện đại hợp với tốc độ cuộc sống. Nhưng ở những miền nông thôn xa xôi thì đời chợ vẫn còn thương hiệu, cái thương hiệu không cần treo bảng giá. Giờ mẹ đã già không còn chạy chợ. Nhưng thỉnh thoảng người vẫn thích đi chợ, đi chơi chợ, đi thật ung dung, thư thái. Mẹ rẽ hàng, qua hàng gạo, lại vào hàng xén.

Thân quen, gần gũi, nhưng lại như mới thấy lần đầu! Về già mẹ có hai thú vui, hai nơi hay lui đến. Đó là lên chùa tĩnh lặng, tay lần tràng hạt đắm chìm siêu thoát trong cõi  thiện. Và đến chợ nơi ồn ào bán mua để tìm lại tiếng chợ ngày xưa, tiếng chợ rào rào như một đàn ong khi ở xa, tiếng chợ mời mọc đón đưa khi ở gần. Có bán chanh đây nhưng đâu có “chanh chua”.

Có bán đinh (đanh) đấy nhưng đâu có “đanh đá”. Đi chùa về mẹ tôi thích nói năng hơn, đi chợ về mẹ tôi lại hay kín tiếng. Hình như chợ ngày nay có gì khác chợ ngày xưa mà trong đôi mắt buồn của mẹ có lúc thảng thốt. Nhưng chính chợ và chùa đã neo giữ mẹ tôi sống nốt những ngày thanh thản, tuy có chút ưu tư, nhưng bao giờ người cũng cân bằng, không nghiêng ngả. Đời chợ thì dài mà đời người sao lại ngắn.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.