Cứ mỗi lần gọi điện cho nhạc sĩ (NS) Nguyễn Huy Hùng thì chuông nhạc chờ của anh lại vang lên giọng ca trẻ thơ non nớt, trong trẻo: “Khi ông mặt trời thức dậy, mẹ lên rẫy, em đến trường cùng đàn chim hòa vang tiếng hát. Hạt sương long lanh nhẹ thấm trên vai. Nụ hoa xinh tươi luôn hé môi cười. Đưa em vào đời đẹp những ước mơ...”. Đó là ca khúc nổi tiếng, quen thuộc “Niềm vui của em” do chính anh sáng tác, được tuyển chọn đưa vào chương trình giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật lớp 6 từ năm 1990.
Đĩa DVD ‘’Chút hương cho đời’’ của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng. |
Anh bước vào con âm nhạc từ rất sớm, khi còn đang học lớp 6 đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam do nhà báo Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh lãnh đạo. Tại Đà Nẵng, Nguyễn Huy Hùng gia nhập ban văn nghệ và rất mê các ca khúc của các NS nổi tiếng lúc bấy giờ như Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập…
Lần đầu tiên anh bước lên sân khấu tại Tỉnh đường Quảng Tín (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày nay) hát bài “Dậy mà đi” của NS Nguyễn Xuân Tân, thơ Tố Hữu - làm cả hội trường vỗ tay vang dội. Tên Đại tá tỉnh trưởng phát hoảng phải ra lệnh cho binh lính giải tán buổi văn nghệ.
Giai đoạn này, Nguyễn Huy Hùng tham gia hoạt động văn nghệ với các NS Nguyễn Duy Khoái, NS Nguyễn Nam, tập tành sáng tác và bài hát đầu tay “Người sẽ thấy mặt trời” được nhiều người ưa thích. Đến năm 1974, các ca khúc “Những bàn tay”, “Xin hãy cùng dậy đi” của anh thấm đẫm giai điệu cồn cào, thúc giục đấu tranh cho lẽ sống chân chính, khát vọng độc lâp, tự do được nhiều học sinh, sinh viên thời đó thuộc lòng.
Trở lại sự ra đời của ca khúc “Niềm vui của em” cũng thật lý thú đến bất ngờ. Năm 1982, NS Nguyễn Huy Hùng có chuyến đi lên Trại giáo dục thiếu niên hư ở huyện Giằng (nay huyện Nam Giang, Quảng Nam) để tìm hiểu nguyên nhân xô đẩy các em làm trái pháp luật phải tập trung về đây học tập với ý định sẽ sáng tác gì đó nhằm hướng các em lầm lỡ vươn tới đích của sự bao dung, nhân ái.
Sáng hôm ấy, khi ánh bình minh vừa trải dài trên đồi núi, sương sớm giăng giăng khắp núi rừng, trên con đường đất đỏ gập ghềnh, từng tốp trẻ thơ là con em đồng bào dân tộc thiểu số mặc những bộ quần áo truyền thống Cơtu, đầu không nón mũ, chân chẳng có dép mang, lặng lẽ đến trường. Ánh mắt em nào cũng tươi rói, hồn nhiên, ngây ngô, trong sáng lạ lùng. Khi mặt trời nhô lên khỏi ngọn núi bên bờ suối róc rách thì hàng chục phụ nữ bản làng mặc xà-lùng, mang gùi và các công cụ lao động lên nương rẫy tỉa bắp.
Trong anh khơi dậy bao cảm xúc. Tối đó, bên ngọn đèn dầu leo lét ngay tại Trại giáo dục, những ca từ bình dị đã bật lên với một ước ao “Đưa em vào đời đẹp những ước mơ”, với một khát khao của những bà mẹ vùng cao, tin tưởng con mình trưởng thành trên bước đường đời còn nhiều chông chênh, sóng gió. NS Nguyễn Huy Hùng sáng tác “Niềm vui của em” để chỉ về một vùng cao, song anh lại không tiết lộ rõ một vùng rừng núi nào cụ thể. Chính vì vậy nên hầu như tất cả các em nhỏ tuổi ở bất cứ đâu cũng yêu thích bởi nó không chỉ chứa đựng chiều sâu về lượng thông tin mà còn quá đỗi ấm áp, gần đến nỗi tuổi thơ đưa tay với tới.
“Niềm vui của em” được Hiền Thục trình bày lần đầu tiên trước công chúng tại thành phố Hồ Chí Minh rồi đến Xuân Mai, được đông đảo các em nhỏ tuổi yêu mến. Tại Hội thi “Tiếng hát học sinh-sinh viên toàn quốc năm 2007”, em Nguyễn Hoàng Mây Linh đã đoạt giải nhất khi trình bày ca khúc này. Nhạc sĩ, GS-TS Thế Bảo đã nhận xét về “Niềm vui của em”: “NS Nguyễn Huy Hùng rất giỏi nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ. Ca khúc của anh giàu tình cảm, trong sáng, gần gũi với trẻ thơ, được đông đảo các em mến mộ”. Chắc vì lẽ ấy mà “Niềm vui của em” được bình chọn một trong 50 ca khúc cả nước dành cho thiếu nhi hay nhất của thế kỷ XX.
Trong thời gian NS Nguyễn Huy Hùng làm Phó phòng Văn nghệ Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng là chặng thời gian anh sáng tác khá nhiều các bài hát cho tuổi thơ như: “Từ ước mơ hôm nay”, “Hè gọi”, “Em yêu chú bộ đội”, “Tây Nguyên quê em”, “Cháu xin trồng hàng cây”, “Trà My quê em”, “Bên núi Ngũ Hành em hát”. Suốt 14 năm rong ruổi cùng “Hội diễn Hoa Phượng Đỏ”, một sân chơi duy nhất trên sóng phát thanh tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nhiều “ca sĩ” nhỏ tuổi đã nhanh chóng trưởng thành trên con đường ca hát dưới sự chỉ bảo, dìu dắt của anh như ca sĩ Quang Hào, Thục Quyên, Vy Thảo, Nguyễn Hoàng Mây Linh…
Nguyễn Huy Hùng luôn suy tư, trăn trở, dành trọn những khát khao, hoài vọng cho thiếu nhi và không ít ca khúc của anh vẫn từng ngày dìu dặt, rộn rã bên những mái trường, bao làng quê thăm thẳm xa xôi nên anh cũng được “nằm” trong tốp các NS tên tuổi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi như: Văn Chung, Xuân Giao, Trần Viết Bính, Đặng Trí Dũng (Việt Anh), Duy Quang, Nghiêm Bá Hồng, Trần Ngọc, Lê Minh Châu, Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường, Hà Hải, Đỗ Hoài An, Nguyễn Ngọc Thiện, Hình Phước Liên, Khánh Vinh, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Hải, Lê Quốc Thắng.
Nguyễn Huy Hùng cũng dành những khoảng lặng để gói ghém bao tình cảm, tình yêu thương quê hương, đất nước: “Con sông Thu Bồn có từ bao giờ/mà nghe điệu lý câu hò âm vang/ngày xưa nghe tiếng mẹ ru/ nghe tiếng đạn bom trên cánh đồng lửa cháy/ mưa nắng dãi dầu trong gian khó đi lên...” (Tiếng hát bên dòng sông).
Đã có không ít người thể hiện bài này nhưng theo cảm nhận của nhiều khán giả hưởng thụ âm nhạc thì ca sĩ Thanh Trà là người trình bày khá xuất sắc. Anh kể: Năm 1986, “Tiếng hát bên dòng sông” ra đời. Câu “mưa nắng dãi dầu trong gian khó đi lên” lúc đầu là “sông có cội nguồn nên con nước cũng miên man”. NS Thuận Yến khi ấy là Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam lại bảo: “Sông có cội nguồn nên con nước cũng miên man” nghe chênh vênh quá. Chỉnh lại đi”. Nể trọng người NS tài hoa, anh đã có nhiều ngày suy nghĩ để tìm lời thay thế. Khổ sở lắm anh mới thay “mưa nắng dãi dầu trong gian khó đi lên”. Cho đến tận bây giờ anh vẫn cứ đau đáu và ưa thích câu “sông có cội nguồn nên con nước cũng miên man”.
Khi anh là Trưởng phòng Văn nghệ Đài PT-TH tỉnh Quảng Nam, với bộn bề công việc của người cán bộ quản lý, của đạo diễn các phim ca nhạc, các chương trình văn nghệ, sự kiện văn hóa, lễ hội… anh vẫn dành chút thời gian hiếm hoi cho trẻ thơ, vẫn thích lặn lội về những miền quê nghèo khó, đến những bản làng xa xưa, heo hút để có thể dành chút tình thương bằng nốt nhạc cho các em.
THÁI MỸ