.

Quá tải nơi neo đậu tàu thuyền

.

Đà Nẵng hiện có 1.172 tàu cá các loại, 474 thúng máy. Với diện tích mặt nước lên đến 58ha, Âu thuyền Thọ Quang có luồng lạch sâu, địa hình kín gió, dịch vụ hậu cần phát triển, thuận tiện cho việc mua bán hải sản, thu hút rất đông tàu cá của địa phương cũng như các tỉnh, thành khác về đây neo trú. Ước tính năm nay sẽ có khoảng 1.572 tàu cá về Đà Nẵng mỗi khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, gây nên sự bức xúc về chỗ neo đậu tàu thuyền.

Tàu cá Đà Nẵng và các tỉnh về neo đậu  tại Âu thuyền Thọ Quang tránh áp thấp nhiệt đới tháng 10-2016.
Tàu cá Đà Nẵng và các tỉnh về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang tránh áp thấp nhiệt đới tháng 10-2016.

Đợt áp thấp nhiệt đới giữa tháng 10 vừa qua với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 ở phía bắc biển Đông đã khiến hàng loạt tàu trở về đất liền sớm. Vào neo trú ở Âu thuyền Thọ Quang có 604 chiếc, trong đó có 160 tàu mang số hiệu Đà Nẵng. Chừng đó tàu cá vào đậu, âu thuyền được coi là “dễ thở”, nhưng có rất nhiều thời điểm trở nên quá tải, gấp đôi, gấp ba công suất thiết kế. Bão, lũ là bất khả kháng, tất cả tàu thuyền ngoài khơi vào trú ẩn đều được tiếp nhận và bố trí, nên chuyện bức xúc vì không đủ chỗ, không an toàn xảy ra nhiều năm nay chưa được giải quyết.

Âu thuyền Thọ Quang được đưa vào hoạt động từ năm 2004, dành cho tàu thuyền Đà Nẵng và các tỉnh về tránh trú bão. Nhưng những năm đầu âu thuyền chưa được trang bị phao bù, khi có bão lớn đổ bộ, một số tàu bị sóng đánh dạt lên bờ, hoặc va đập vào nhau gây hư hỏng nặng. Tính đến năm 2014, âu thuyền được xây dựng 28 phao bù và 42 trụ neo, tính an toàn cho tàu thuyền được giữ ở mức cao nhất, giảm hẳn tàu bị hư hỏng khi có bão, áp thấp.

Trong năm 2015, thành phố Đà Nẵng đầu tư thêm 4 phao bù và nhiều trụ neo, nâng tổng số lên 32 phao bù và 60 trụ neo. Số phao bù được phân chia gồm có 9 phao ở phía bắc âu thuyền, dành cho tàu có công suất 250CV trở lên; 9 phao ở giữa âu thuyền dành cho tàu dưới 250CV và 14 phao ở phía nam dành cho tàu dưới 90CV. 60 trụ neo dành cho tàu dưới 45CV. Theo quy định bố trí tàu thuyền bảo đảm an toàn kỹ thuật, đúng công suất thiết kế, Âu thuyền Thọ Quang chỉ tiếp nhận được 493 tàu thuyền các loại.

20 chiếc tàu cùng neo một phao

Nhưng trong thực tế, nhiều năm qua, đến mùa mưa bão, Âu thuyền Thọ Quang luôn có số tàu neo đậu quá dày đặc. Như tại thời điểm cơn bão Nari (bão số 11, tháng 10-2013) vào miền Trung, âu thuyền tiếp nhận 838 tàu, trong đó có 424 tàu cá ngoại tỉnh. Bão Krosa (bão số 12, năm 2013), có 988 tàu cá vào neo trú trong âu thuyền, trong đó có 788 tàu ngoại tỉnh.

Bão Haiyan (bão số 14, năm 2013), âu thuyền tiếp nhận 925 tàu, trong đó có 494 tàu ngoại tỉnh. Và đến cơn bão số 4 - Rai, tháng 9-2016, Âu thuyền Thọ Quang đã tiếp nhận số tàu thuyền với con số “kỷ lục” mới: 1.100 chiếc. Ông Ngô Văn Cát, Phó ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bất lực: Chúng tôi không thể bảo đảm kỹ thuật khi bố trí cho các tàu neo đậu vì quá tải, cảm thấy rất bất ổn trước những nguy cơ cháy nổ, va đập dẫn đến hư hỏng nếu như có bão. Biết là quá tải nhưng nhiệm vụ của người công tác ở các âu thuyền là phải tiếp nhận tàu cá khi có tàu vào bờ tránh trú bão. Và nếu có bão đổ bộ thì độ an toàn không có, vì có thể các phao neo bị đứt.

Theo quy định mỗi phao và trụ neo như vậy chỉ neo được 4-8 tàu thì mới bảo đảm an toàn tránh bão, nhưng thực tế có hơn 20 chiếc tàu cùng neo một phao, rất dễ dẫn đến việc va đập và chìm tàu nếu bão lớn. Hay neo không đúng kỹ thuật, cản trở đường luồng. Chưa kể là sau khi bão tan, Ban quản lý không đủ lực lượng để dẫn luồng ra vào, rất nguy hiểm nếu xảy ra va chạm.

Trò chuyện với nhiều ngư dân, một số chủ tàu (chủ yếu mang số hiệu Đà Nẵng) phàn nàn là mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung vào Âu thuyền Thọ Quang neo đậu, dẫn đến việc không ít tàu của ngư dân Đà Nẵng vào sau nên không còn chỗ trú. Điều này được lý giải là do ngư dân Đà Nẵng chủ quan, nghĩ âu thuyền của Đà Nẵng nên… vào sau cũng được. Nhưng nguyên tắc của âu thuyền cũng giống như bệnh viện: ai đến cũng được phục vụ, mà cũng không có nơi để mời khách đi chỗ khác trong khi cơn bão đuổi theo sau lưng, nên sự thiệt thòi không được tính đến.

Giải pháp để các tàu cá có nơi neo đậu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng trình UBND thành phố tháng 9-2016, là bố trí tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang 493 tàu; khu vực vịnh Mân Quang 450 tàu (trong đó ở cồn Mân Quang khoảng 200 chiếc, khu vực Hải đội 2 Biên phòng và Xưởng X50 khoảng 250 tàu); khu vực đầm Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu 150 tàu; khu vực Hoói Kiểng 50 tàu; khu vực nam bán đảo Sơn Trà ngư dân kéo lên bờ khoảng 85 tàu cá dưới 30CV khi có bão; có khoảng 100 tàu trên đà sửa chữa. Theo phương án này thì vẫn còn 244 tàu cá chưa có vị trí để neo đậu.

Năm 2013, đại diện Bộ Chỉ huy Vùng 3 Hải quân cho phép tàu cá của ngư dân vào khu vực của đơn vị neo trú bão, với điều kiện không được buộc dây neo tàu vào các phao neo của đơn vị. Nhưng trên thực tế đây là khu vực cảng nước sâu, chỉ có tàu công suất lớn mới có thể thả neo, chưa kể vị trí này nằm gần cửa biển nên sức gió mạnh hơn khu vực trong vịnh. Đại diện Bộ Chỉ huy Biên phòng Đà Nẵng cho biết, với trường hợp Âu thuyền Thọ Quang quá tải, khu vực cầu cảng của Hải đội 2 vẫn cho phép tàu cá của ngư dân vào tránh trú, nhưng cũng chỉ có tàu công suất lớn mới có thể thả neo ở đây.

Sắp tới, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm trạm thông tin tích hợp định vị vệ tinh cho trạm bờ, đặt tại núi Sơn Trà và nâng cấp trạm thông tin Phú Lộc, nâng tổng số 5 trạm vệ tinh và 1 trạm do Chi cục Thủy sản Đà Nẵng quản lý. Hệ thống trạm thông tin này sẽ thông báo liên tục đường đi của áp thấp nhiệt đới, bão để các tàu cá khẩn trương vào vùng tránh bão hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, chọn nơi neo tàu an toàn.

Theo thông tin tại Hội nghị phát triển bền vững Vùng Duyên hải miền Trung được tổ chức tại Quảng Nam tháng 6-2014, trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung có 17 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với sức chứa khoảng 11.225 tàu có công suất dưới 400CV. Nhưng trên thực tế, các khu này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của ngư dân và yêu cầu tránh, trú trong tình huống thiên tai. Nguyên nhân là do thiết kế, xây dựng không đồng bộ, hệ thống luồng vào không bảo đảm do luôn bị bồi lấp. Điều này khiến ngư dân chọn Âu thuyền Thọ Quang bởi nơi đây bảo đảm kết cấu hạ tầng,  dịch vụ phụ trợ tốt.

Theo Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, miền Trung sẽ có 72 khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền, tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch 11.230 tỷ đồng. Chính phủ đã có Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15-3-2010 về việc Phê duyệt quy hoạch cảng cá, bến cá Đà Nẵng đến năm 2020, trong đó cảng cá Thọ Quang là cảng cá loại 1 đồng thời bổ sung thêm một âu thuyền tại Đà Nẵng. Phương án mà Sở NN&PTNT Đà Nẵng đưa ra mới là giải pháp trước mắt, về lâu dài, một vị trí neo đậu tàu thuyền là vấn đề cấp thiết vì lượng tàu đóng mới theo Nghị định 67 đang ngày một nhiều thêm.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.