Ba mẹ tôi làm giáo viên từ thời bao cấp. Ba tôi dạy trường xa, lại làm công tác quản lý, trường học thời kỳ đầu còn khó khăn, ba phải thường xuyên ở lại trường để lo việc nên chẳng giúp được mẹ nhiều. Những đêm mưa dột, những trận bão lụt hay khi con ốm đau, vẫn mình mẹ xoay xở. Ông bà mất sớm, có những buổi không nhờ vả được ai trông con, mẹ để anh tôi vào cái thúng rồi đem lên đặt ở cuối lớp, vừa giảng bài vừa mong ngóng con tròn giấc. Hết tiết dạy, mẹ lại lật đật bế anh tôi về, vừa trông con vừa lo chuyện gà, heo, cơm nước,... Mọi gánh nặng đè lên vai nhưng mẹ vẫn không một lời thở than, oán trách. Cho đến nay, khi anh em tôi đã trưởng thành, mẹ vẫn luôn chân luôn tay làm việc.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cả đời cần mẫn như con ong cái kiến chỉ biết lo cho tổ ấm gia đình, thế nhưng chính anh trai tôi lại khiến cho mẹ không có được niềm vui trọn vẹn tuổi già. Ngày anh trai tôi cưới chị dâu - một cô giáo trong trường ba quản lý, ba mẹ tôi mừng lắm. Anh chị được ba mẹ cho cả căn nhà mới mua giữa trung tâm thị trấn để ra ở riêng, rồi cô con gái đầu kháu khỉnh của anh chị cũng chào đời trong niềm hân hoan, đón đợi của hai bên nội, ngoại.
Hằng ngày, anh đi làm ở một ga tàu có tiếng của tỉnh cách nhà không xa lắm, chị vẫn lên lớp đều đặn trong ngôi trường điểm của huyện bấy lâu nay, cuộc sống của anh chị tưởng chừng thật êm ả. Nhưng rồi, những ngày anh về với vợ con bỗng ít dần. Nếu chị dâu hay ba mẹ tôi hỏi, anh đều viện cớ bận trực ca này, ca nọ nhưng thực ra anh đã lao vào con đường cờ bạc từ lúc nào. Nước mắt của mẹ, bao đêm trằn trọc không ngủ của ba và sự níu kéo, khuyên răn của vợ đều không khiến anh thay đổi.
Ngày ba mẹ tôi sung túc, có của ăn của để cũng là lúc anh trai tôi và chị dâu ly hôn. Cho dù ba mẹ có làm động thái gì cũng chẳng thể níu kéo tình cảm của chị dành cho anh. Cháu gái tôi về ở với chị và mẹ con chị vẫn thường xuyên qua lại với gia đình tôi như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng về phía anh, những trận cá độ đá banh, những lần lô đề thua lỗ,… vẫn cứ tiếp diễn. Ba tôi vì muốn giữ thể diện cho gia đình, đành phải gom tiền bạc mang đến tận nơi trả cho người ta. Nhiều lần tức giận, ba đã đuổi anh ra khỏi nhà, thậm chí suốt mấy tháng liền, ba không nói gì với anh, dù chỉ là một câu, xem như không có một người con trai như vậy.
Còn phần mẹ, dù anh có phạm lỗi lớn, mẹ vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ. Rồi cái ngày anh xách ba lô rời khỏi nhà, mẹ đã ngã quỵ, phải vào nhập viện suốt mấy ngày liền. Mẹ lo lắng cho đứa con trai duy nhất, có lớn mà chẳng có khôn, rồi không biết tương lai sẽ đi về đâu. Những đêm thức trắng khi nghĩ về anh, mẹ trở dậy đi ra đi vào mong ngóng tiếng chuông cửa của anh nhưng vẫn lặng im như tờ. Rồi nửa tháng sau, anh rón rén về nhà. Dáng người tiều tụy, khuôn mặt hốc hác, tóc tai, quần áo bù xù, xộc xệch, mẹ ôm lấy anh cứ thế nức nở. Nghe anh nói lời xin lỗi và hứa sẽ làm lại từ đầu, trong lòng mẹ không gì vui hơn thế.
Mẹ năn nỉ ba xin cho anh làm bảo vệ ở công ty của một người bạn, anh đồng ý. Nhưng anh chẳng chịu được cảnh giam mình một chỗ nên được mấy ngày, anh lại bỏ. Ba phải đích thân đi xin lỗi họ và chẳng còn mặt mũi nào nhìn mọi người. Rồi mẹ nghĩ ra một cách: mẹ nhận dạy học tại nhà. Lớp mẹ dạy luyện chữ, tập đọc, viết để chuẩn bị vào lớp 1 ngày càng đông. Thay vì cứ ngửa tay xin tiền mẹ, nay anh giúp mẹ quản lý lớp, đặc biệt là mấy cô cậu nghịch ngợm. Chúng sợ anh nên đứa nào cũng nghe theo răm rắp. Mẹ trả lương cho anh hằng tháng. Trong bữa cơm gia đình, mẹ bảo anh: Con cố gắng làm lại từ đầu, tìm lấy cô vợ bên mầm non rồi mấy năm nữa mẹ giao lại cái cơ ngơi này cho hai vợ chồng cai quản. Anh chỉ cười trừ không nói. Tôi nhìn anh thúc bách: Đúng đấy anh ạ. Ngày sau nếu cần người giúp, em sẽ phụ anh!
Bữa cơm hôm ấy vui hơn thường ngày. Cả ba và mẹ đều hồ hởi nói về chuyện tương lai của anh và tôi. Nụ cười rạng rỡ trên hai vầng trán đã có nhiều nếp nhăn ấy, hôm nay giãn nở, thanh thoát lạ thường. Tôi mãi nhìn mẹ, cái nhìn đầy tin yêu và cảm phục!
XANH NGUYÊN