Tàu cá vỏ thép 300 tấn cập cảng Nagasaki ở miền tây Nhật Bản sau nhiều ngày đánh bắt ở biển Hoa Đông. “Lượng cá đánh bắt được rất ít”, một ngư dân trên tàu than thở. Chiếc tàu có sức chứa tới 8 hầm chứa nhưng tới 6 hầm bỏ trống. Lượng cá đã ít mà lại chẳng phải là cá thu cho giá trị cao. Cá đánh bắt được chỉ là những loại nhỏ hơn và ít có giá trị hơn. Biển Hoa Đông tiếp giáp với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) từ lâu đã được coi là nguồn cá khổng lồ cho ngư dân Nhật Bản nhưng mọi thứ đã thay đổi rất lớn trong vòng một thập niên qua. Cuộc đời của ngư dân 67 tuổi Toshiro Nomura cho thấy rõ sự thay đổi đó.
Tàu thuyền đủ loại, đủ các nước ở Thái Bình Dương. |
Ông Nomura sinh ra trong gia đình ngư dân ở đảo Goto của Nagasaki. Cha ông thành lập công ty cá vào năm 1961 và làm ăn thịnh vượng nhờ nguồn cá dồi dào ở biển Hoa Đông. Ông Nomura tiếp quản công ty từ năm 2005 nhưng chưa đầy một thập niên sau (2014) đã phải đóng cửa công ty. Ông Nomura than thở: “Sản lượng cá đánh bắt giảm mạnh nhưng chi phí lại tăng cao. Điều đó chưa ngán bằng việc tàu cá Trung Quốc tràn ngập biển Hoa Đông khi có tới 200, có lúc 300 tàu Trung Quốc cùng tham gia đánh bắt và gây trở lại cho chúng tôi”. Ngư dân 67 tuổi này thừa nhận việc đánh bắt cá của Trung Quốc tại đây là hợp pháp bởi vùng biển mà cả hai nước đầu có quyền khai thác. Tuy nhiên, ông đặt ra vấn đề nếu các tàu cá Nhật Bản từ từ rút lui như ông thì toàn bộ cá trong khu vực này sẽ thuộc về Trung Quốc.
Vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương gặp nhiều rắc rối trong thời gian qua vì ngành công nghiệp đánh bắt cá. Gần 1/3 ngư trường thế giới đã bị khai thác quá mức. Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng rằng đó là mức khai thác dưới mức bền vững. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cho biết người châu Á tiêu thụ tới 99 triệu tấn trên tổng số 140 triệu tấn cá của cả thế giới trong năm 2013, tương đương 70%. Hai loại cá ngừ và cá dứa biển bị khai thác tới mức mà cuộc họp hồi tháng 8 vừa qua tại Nhật Bản giữa các nước vẫn không thể tìm ra cách bảo vệ chúng. Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ cá ngừ nhiều nhất thế giới, trong khi cá dứa biển được các đầu bếp Trung Quốc coi như loại thuốc bổ.
Đánh bắt quá mức không phải là vấn đề nan giải duy nhất ở châu Á mà tình trạng nóng lên của Trái đất cũng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, lượng khai thác hải sản ở khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 10% tới 30% vào năm 2050 vì nước biển ấm lên. Thậm chí, nhiều khu vực gần Thái Lan và Indonesia sẽ hao hụt lượng khai thác tới 40% trong cùng thời điểm (2050).
FAO đưa ra dự báo mức tiêu thụ cá tăng bình quân trên thế giới vào năm 2025 là 8% thì phần lớn các nước ở châu Á và châu Đại Dương tăng khoảng 12% (trừ ba nước Nhật Bản, Úc và New Zealand). Riêng Trung Quốc tăng gần 20%! Nhật Bản ngược lại khi mức tiêu thụ giảm khoảng 2% vì dân số già. Điều đó cho thấy đánh bắt cá ở Thái Bình Dương sẽ căng thẳng hơn nữa. Số liệu thống kê của Diễn đàn nghề cá các quốc đảo Thái Bình Dương (FFA) cho biết hằng năm tình trạng đánh bắt trái phép cá ngừ lên tới 338.475 tấn mỗi năm, tương đương với 740 triệu USD. Úc là một trong những quốc gia chứng kiến các tàu cá nước ngoài xâm nhập và đánh bắt trái phép vùng biển của mình. Cơ quan quản lý thủy sản Úc cho biết đã bắt giữ 20 tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong năm tài chính 2015, tăng mạnh so với con số 6 tàu của năm tài chính trước đó. Ba ngư dân Trung Quốc bị thiệt mạng khi đụng độ với tàu cảnh sát biển Hàn Quốc vì đánh bắt trái phép…
ANH THƯ (Theo Financial Times)