.

Cõi hỗn nguyên trong tranh họa sĩ Vĩnh Phối

.

Họa sĩ Vĩnh Phối đã miệt mài sáng tác hàng trăm bức tranh, ngoài việc sáng tạo, ông còn là một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò Trường Đại học Mỹ thuật Huế hiện nay. Cũng như các họa sĩ cùng thời, Vĩnh Phối khởi đi từ cụ thể đến trừu tượng, có thể xem ông là một trong những người Việt Nam tiên phong trong trường phái trừu tượng.

Họa sĩ Vĩnh Phối bên bức Mùa đông.
Họa sĩ Vĩnh Phối bên bức Mùa đông.

Những vòng cung đan xen vào nhau, như những vũ điệu tiếp nối liên tục, những vòng cung đó hút ánh nhìn người xem vào tâm điểm của bức tranh; nơi đó như có lực hút của vùng năng lượng bí mật của sự khởi nguyên. Ở đó chưa định hình một hình thể, chưa diễn đạt một ý niệm nào, cõi đó cứ như thật tánh của cái thấy chưa qua bất kỳ lớp phiên dịch nào của nhận thức, của ngôn ngữ, của luân lý… có thể mượn một từ, dù hơi cường điệu nhưng không thể nào khác hơn: hỗn nguyên. Phải chăng hỗn nguyên cũng chính là tánh không, nơi vùng năng lượng cứ khoái hoạt để sản sinh ra vật chất, để ánh sáng được bùng phát chói lòa, để những đám mây tự tánh rơi xuống mặt toan vô vàn hạt nước vỡ ra nguồn mạch của sông ngòi, của suối khe, của thác ghềnh tuôn chảy xô về phía khơi xa.

Khi ánh chiều buông, bên dòng sông thơ mộng, tôi thường cùng ông trò chuyện lai rai bên chén rượu dưới cội bồ đề, nhiều lúc thấy ông hồn nhiên như cây cỏ. Rồi cơn hưng phấn trong cuộc rượu khiến ông đứng ngồi không yên, ông vào nhà chỉ tranh và nói huyên thuyên về những gì ông cảm nhận được. Trong không gian tranh của Vĩnh Phối như có một vệt sáng của vì sao băng. Họa sĩ Vĩnh Phối dù đã 80 tuổi, lại vừa trải qua cuộc phẫu thuật mắt, nhưng ông vẫn vẽ và thể hiện sự chiêm ngắm sự vật, cũng như cái nhìn xã hội rất nhân bản để chuyển tải vào tác phẩm. Mặc dù là tranh trừu tượng và gần như cùng một mô-tuýp, nhưng màu sắc của ông biểu hiện rất sinh động, khi thì khiến người xem như lạc vào cánh rừng mùa xuân với những thảm cỏ màu lục non, khi thì như trôi vào dòng sông mùa thu cùng những thuyền lá màu cổ đồng, có bức ông diễn đạt sự nóng bức của mùa hạ và  có bức ông vẽ cơn mưa mùa đông như vỡ ra trên nền toan trắng mịt mùng. Loạt tranh tông màu đất khiến người thưởng ngoạn liên tưởng đến những vòng cung vàng hư ảo quay cuồng theo tiết điệu của cơn rung cảm, tôi hình dung những đường bay lóe lên như lưỡi kiếm của tráng sĩ lấp loáng giữa đêm trăng cô liêu.

                                  Tác phẩm Mùa thu.
Tác phẩm Mùa thu.

Trước khi đến với tranh trừu tượng như một cách chọn con đường sáng tạo cho mình, ông đã vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật, vẽ những biểu tượng văn hóa của Việt Nam, của xứ Huế, của minh triết phương Đông như: cổng tam quan, trống đồng, hà đồ lạc thư, thái cực, biểu tượng âm dương dịch lý… qua các bức: “Thiên địa nhân”, “Con Rồng cháu Tiên”, “Rồng thiêng”, “Ngọ Môn Huế”, “Cổng phủ thờ Phong Quốc Công”… Ngoài ra ông còn ký họa chân dung và vẽ loạt tranh bán khỏa thân.

Trong một lần triển lãm tranh về chủ đề tôn giáo, tôi nhìn tranh ông rồi cảm nhận như ông đã nhìn thấy tục đế của Phật giáo ngày nay rồi. Hôm đó, tranh của họa sĩ Vĩnh Phối tham gia triển lãm vẽ lục đạo, vẽ sự nghiêng ngả, vẽ những bấp bênh của thuyền âm và cả một khoảng trống xuyên vào lòng đất sâu… với loạt tranh “Bể khổ”, “Chuyển động tâm thức”, “Hỏa diệm hóa hồng liên”, “Nhập pháp giới”, “Tam bảo”…

Theo nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy, “… một bài báo ở Ý nhận xét về nghệ thuật của anh (họa sĩ Vĩnh Phối) - nhân cuộc triển lãm 30 tác phẩm chọn lọc, bày ở Galleria Approdo Romano, Roma, năm 1965 - rằng, chẳng phải là vấn đề nghệ thuật trừu tượng hay có hình (figuratif), nghệ thuật Á châu hay Âu châu ở Vĩnh Phối, mà là nên nhìn thấy, như trường hợp đại thi hào Rabindranath Tagore: “Một hồn thơ chất ngất phương Đông đã Tây phương hóa, đã hiện ra trong hình thái, ngôn ngữ phương Tây. Khối thể, nhịp điệu, đường nét, màu sắc, và cảm xúc được pha trộn một cách tinh tế, thanh nhã, và rất hài hòa”.

Họa sĩ Vĩnh Phối sinh ngày 3-8-1937, thuộc dòng đế hệ, phòng Trấn Định Quận công. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật La Mã (Ý) từ 1959–1966. Ông cũng là người sáng lập và Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ châu Á ở La Mã. Giai đoạn 1967–1975, ông làm Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1973, ông được hưởng học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật Đông phương qua các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Sau 1975, ông được phong Phó Giáo sư về Mỹ thuật, Nhà giáo Ưu tú và giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu. Từ 1960–1995, họa sĩ Vĩnh Phối có nhiều giải thưởng và triển lãm cá nhân ở nước ngoài.

LÊ HUỲNH LÂM

;
.
.
.
.
.