Càng về khuya, đường thưa, người vắng, sự nhộn nhịp lắng lại. Với nhiều người hành nghề xe thồ, lái taxi, cuộc sống mưu sinh của họ về đêm dường như mới bắt đầu.
Hầu hết cánh taxi đều chạy đêm và chịu khó kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Q.T |
“Cơm áo không đùa với… taxi”
Mười giờ đêm. Cánh tài xế của một hãng taxi đậu trước siêu thị Lotte rôm rả “tám chuyện” trong lúc chờ khách. Họ nhận xe từ 5 giờ sáng và sẽ làm việc cật lực trong vòng 24 giờ mới đủ tiền chia lợi nhuận với hãng. Cho xe lùi vào vị trí còn trống, anh T.Sơn (50 tuổi, trú phường Bình Thuận) bộc bạch: Chỉ những tài xế có gia đình, có 2-3 đứa con rồi mới tranh thủ cày ngày cày đêm để bảo đảm nguồn sống cho gia đình. Còn tài xế trẻ chưa vướng bận vợ con thì chạy tới 11 giờ là về nghỉ. Một anh khác nói vui: Dân văn phòng làm 4 tiếng là về nghỉ trưa, chiều đi làm tiếp chứ chúng tôi “phơi” mặt ngoài đường cả ngày cả đêm. Nghề nào đi làm cũng mong hết giờ chứ lái taxi thì không, ngược lại còn trông thời gian dài ra để kiếm thêm khách.
Với nghề lái taxi, việc thức đêm đã trở nên quen thuộc bởi khách đi xe bất kể giờ nào. Mỗi sáng sớm khi nhận xe, các bác tài thong dong bao nhiêu thì đêm xuống lại lo lắng bấy nhiêu, lo thời gian sắp hết mà hôm nay chạy chưa đủ “hụi”… Cuộc sống mưu sinh đêm của các bác tài hẳn sẽ “êm đềm” như thế nếu không có vụ tài xế taxi bị giết và cướp của ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Anh Sơn tâm sự, từ dạo đó, anh và các đồng nghiệp đâm hoang mang, sợ, không dám chạy xuyên đêm như trước. Các anh đều “dắt túi” cho mình một số kinh nghiệm như: chỉ đón khách trực tiếp từ điểm cố định, khách quen, còn khách là thanh niên, đi vãng lai ngoài đường vẫy xe thì… bỏ qua.
Cũng là nghề bác tài nhưng không được khoác trên mình bộ đồng phục lịch lãm như cánh taxi, những bác xe ôm vẫn miệt mài cày ngày cày đêm trên “con ngựa sắt” góp phần tô màu bức tranh mưu sinh của người lao động nghèo trên phố. Từng một thời là nghề được xem là “dễ kiếm tiền”, vài năm trở lại đây, khi phương tiện cá nhân “bùng nổ”, taxi, xe buýt phổ biến thì giới hành nghề xe ôm vốn dĩ nhọc nhằn, vất vả, nay càng chật vật hơn khi khách ngày càng ít đi. Gắn bó với nghề xe ôm hơn 40 năm có lẻ, ông Nguyễn Nho Thành (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) nay đã 73 tuổi nhưng vẫn bám trụ với nghề. Tuổi tác không cho phép ông dầm sương đêm như thời trai trẻ nhưng hễ có ai gọi điện đi cuốc xe đêm ông vẫn sẵn lòng. Ông Thành tâm sự:
“Hồi trẻ tui ham chạy đêm lắm. Ban đêm ít người chạy nên dễ có khách. Nói vậy chớ có những đêm đứng tới 12 giờ mà không chạy được cuốc nào là chuyện bình thường. Chừ tuổi cao ít chạy đêm nhưng hễ nhà ai có trẻ con, người già đau ốm, người đi đẻ gọi điện là bất kể đêm mưa hay giá rét, tôi cũng… lên đường”.
Còn những bác xe ôm tuổi trung niên, khi “cơm áo gạo tiền” vẫn còn đè nặng trên vai họ thì “lấy đêm làm ngày” là chuyện bình thường. Ông Thành Trung (hành nghề xe ôm tại đường Điện Biên Phủ) bộc bạch, ban ngày có đông anh em chạy xe nên lúc vãng khách trò chuyện cũng vui. Ban đêm ít người chạy, có một mình mình đứng nên lắm lúc chạnh lòng tủi thân. Tuy vậy, nếu đêm nào có khách, kiếm được chút tiền về cho vợ con thì vui lắm.
Buồn vui với nghề
Ở cái tuổi thất thập, ông Thành vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến gia đình. 5 người con của ông đều lớn lên và thành đạt nhờ những cuốc xe đêm của cha. Những lúc vãn khách, ngồi ngẫm lại đời mình, ông thấy thanh thản, bởi tuy không giàu sang nhưng mấy chục năm qua, ông đã nuôi sống gia đình bằng sức lao động chân chính. Những người con của ông đều rất tự hào về cha. Ông đã âm thầm truyền dạy cho con cách ứng xử với nghề nghiệp. Đó là, dù chỉ là người đi xe thồ nhưng luôn trách nhiệm, tự trọng với công việc. Khi khách cần đến ông, gọi ông chở đi là dù đang làm dang dở công việc gì, ông cũng bỏ đó mà đi.
Đối với ông Thành, cuộc sống về đêm mang lại nhiều kỷ niệm khó quên. Nhớ lại câu chuyện xảy ra trong một đêm đông cách đây 20 năm, ông không khỏi ngậm ngùi. “Lần đó cũng khoảng 2 giờ sáng, khi tôi chuẩn bị về thì một cô gái độ ngoài 20 tuổi đến nhờ tôi chở qua đường Quang Trung. Cứ nghĩ cô gái đau trong đêm nên đi khám bệnh, tôi không suy nghĩ điều gì. Chở cô ấy đến một phòng khám tư, cô bảo tôi ngồi chờ. Tôi chờ mãi 2 tiếng đồng hồ thì có bác sĩ ra gọi “ai là người nhà của cô gái này?”, vậy là tôi vào. Sau đó, bác sĩ hướng dẫn tôi mua các loại thuốc. Tôi phải bỏ tiền túi ra mua. Đến khi đưa thuốc xong xuôi, trở vào cô bảo tôi chở về Điện Ngọc. Đến nơi, cô lại bảo tôi chờ rồi đi mãi không trở ra. Tôi đành quay về. Về đến nhà, ngồi suy nghĩ lại tôi mới nhận ra, cô gái ấy đi phá thai. Dù không trực tiếp gây ra, nhưng chuyện đó cũng làm tôi day dứt nhiều năm về sau này”, ông kể.
Cuộc sống mưu sinh đêm kéo những người ngồi sau vô-lăng lại gần nhau hơn. Những lúc rảnh rỗi, họ lại điện thoại cho nhau để hỏi tình hình ngày hôm nay chạy như thế nào, đêm nay dự định mấy giờ về… Và vui lây với niềm vui của đồng nghiệp khi biết ngày nay bạn chạy dư “hụi” rồi. Anh Xuân Tịnh (tài xế một hãng taxi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nói vui, lái taxi cũng như… nhân viên ngoại giao vì một ngày gặp không biết bao nhiêu người, thượng vàng hạ cám. Niềm vui của người lái xe cũng đơn giản lắm, chỉ cần được khách hỏi han chuyện trò, tôn trọng mình là ấm lòng. Hoặc những cuốc xe được khách “bo” dăm ba ngàn.
Tuy số tiền không đáng là bao nhưng “vui chi lạ”. Những lúc chờ khách, anh Tịnh thường đọc báo mạng. Nghe ở đâu có tài xế taxi hào hiệp trả lại tiền, vật phẩm cho khách là anh vui cả ngày, “cảm giác như nghề của mình cũng đóng góp chút ít cho xã hội”. Để giữ “mối”, nhiều tài xế chở khách đến điểm đến nhưng không vội lấy tiền mà để lại số điện thoại, khi nào khách về gọi đến đón sẽ thanh toán luôn thể. Thế nhưng, sự lạc quan tin tưởng này khiến đôi lần anh em bị khách “quỵt” hoặc quên trả tiền. Anh Tịnh bày tỏ: “Làm nghề này cần có sự tin tưởng với khách. Chỉ một số rất nhỏ khách có ý định quỵt hoặc quên trả tiền thôi. Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng, người tốt bao giờ cũng nhiều hơn kẻ xấu”.
Cuộc sống mưu sinh của những người lao động nghèo chưa bao giờ là dễ dàng. Với những người “lấy đêm làm ngày”, cuộc sống mưu sinh càng vất vả, nhọc nhằn hơn. Thế nhưng, chỉ cần lo toan được cho gia đình, họ sẽ luôn mỉm cười với cuộc đời.
QUỲNH TRANG