.

Trưởng thành từ những bài học nhỏ

.

“Kỹ năng mềm thực chất là khả năng hòa nhập, muốn hòa nhập ngay khi ra trường, sinh viên (SV) phải thành thạo hai công việc cơ bản, đó là: làm việc nhóm (giao tiếp) và thuyết trình (bày tỏ ý kiến)”, Th.S Phan Công Tuấn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

Một buổi làm việc nhóm của sinh viên ngành Hệ thống số Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).Ảnh: Q.T
Một buổi làm việc nhóm của sinh viên ngành Hệ thống số Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).Ảnh: Q.T

Khả năng hòa nhập đó có thể được tích lũy trong quá trình học, làm bài tập hay đi thực tế của SV. Và thành quả chỉ dành cho những ai năng động, mạnh dạn, tự tin.

Không có chỗ cho kẻ nhút nhát

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn SV có nhiều cơ hội tiếp cận với kỹ năng làm việc nhóm thông qua học nhóm, làm bài tập nhóm, tiểu luận, đồ án. Trần Bảo Tiến (SV năm 4 ngành Hệ thống số, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) bày tỏ: “Trong 2 năm đầu đại học, mình rất chật vật với những môn học phải làm việc nhóm bởi nhiều lúc xảy ra tranh cãi gay gắt. Từ đó, mình rút ra kinh nghiệm, để có thể làm việc hiệu quả thì đầu tiên cần phải có kiến thức và một thái độ tích cực, không chỉ nhóm trưởng mà mọi thành viên đều phải tham gia vào công việc chung. Tiếp theo, mình rèn luyện kỹ năng trình bày ý kiến, làm sao để thành viên trong nhóm hiểu được, có thể bảo vệ được quan điểm của mình nhưng không bảo thủ”.

Khi làm bài tập nhóm, mỗi nhóm sẽ cử ra một người trình bày nội dung đề tài. Việc thuyết trình sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, sự tự tin khi đứng trước nhiều người, qua cách sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ cơ thể. SV sẽ học được cách làm việc trong môi trường tập thể (phân công công việc, trao đổi ý kiến trong nhóm, tích lũy kỹ năng thăm dò và thu thập các dữ kiện). Cách làm việc nhóm cũng giúp các bạn giải quyết bất đồng, từ đó, họ sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này. Đây là cách rèn kỹ năng tốt nhất, nâng cao hiệu quả giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè, cấp trên sau này.

Thực tế, trong mỗi nhóm, thường chỉ nổi lên 1-2 bạn là tự tin, thường xuyên nhận nhiệm vụ thuyết trình, các bạn còn lại hầu như không dám nói. Thực tế có những SV năm 3, năm 4 vẫn chưa một lần đứng nói trước lớp. Như bạn Ngọc Nhất (SV năm 2 ngành Bác sĩ đa khoa, khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng tâm sự thật lòng, hầu như mỗi môn học, bạn nhóm trưởng đều xung phong thuyết trình nên các bạn khác… quen rồi, kết quả cuối cùng là mọi thành viên trong nhóm đều có điểm số bằng nhau. Do không có môi trường rèn luyện thường xuyên nên khi gặp phải thầy cô nghiêm khắc, bắt buộc cả nhóm phải nói, Nhất rất lo lắng, thậm chí run rẩy đến quên hết lời và vì thế luôn phải cầm giấy đọc. Ngọc Nhất  thừa nhận, mỗi khi làm việc nhóm, Nhất thường không dám đưa ra ý kiến của mình, cứ nhóm trưởng bảo sao nghe vậy để không… mất lòng. Sau một năm, giờ Nhất vẫn chưa thích nghi được cách làm việc nhóm, chỉ làm vì điểm số, không hề thấy hứng thú.

Thay đổi phương pháp

Hiện nay, hầu hết các môn chuyên ngành ở trường đại học, giảng viên đều cố gắng lồng ghép 2 kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình nhằm giúp SV tiệm cận với SV quốc tế. Nhưng nếu để học trò “tự bơi” theo 2 kỹ năng này, một phương pháp học tập hay xem như phá sản. TS Trương Sỹ Quý (Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng), cho biết, trước đây, thầy cô chấm điểm SV dựa trên sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, thầy nhận ra có những sản phẩm chỉ một em làm cho cả nhóm. Do vậy, thầy đã nghĩ ra cách cho điểm công bằng đó là “khoán điểm” cho các em. Ví dụ với một sản phẩm chất lượng, một nhóm 10 em thì thầy khoán cho 80 điểm. Các em trong nhóm tự chấm điểm theo công sức bỏ ra của từng thành viên. Về vấn đề thuyết trình, thầy sẽ không cho nhóm cử đại diện mà chỉ định bất kỳ. Bất cứ thành viên nào nói không ổn cũng sẽ ảnh hưởng đến điểm số chung của nhóm. Như vậy, với tinh thần vì tập thể, các em trong nhóm buộc phải nỗ lực như nhau.

Kỹ năng mềm không đến từ các hoạt động bề nổi mà từ từng môn học/hoạt động đơn giản trong cuộc sống. Một giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ, có nhiều bạn SV đã năm 2, năm 3 nhưng vẫn chưa biết cách viết một thư điện tử hoàn chỉnh. Với những SV như vậy, thầy đều dành thời gian để trả lời cặn kẽ câu hỏi nội dung và… khuyến mãi thêm cách viết. Bởi, thư điện tử là phương tiện sẽ gắn bó mật thiết với công việc sau này. Trong mỗi tiết dạy, nếu SV đứng lên phát biểu mà lúng túng (như gãi đầu, gãi tai…), thầy sẽ dừng bài giảng để bày cho các em cách đứng nói chuyện với người khác như thế nào, giao tiếp mắt ra sao, bởi, bản thân người nói mà không tự tin thì làm sao thuyết phục được người khác tin vào những điều mình nói?

Cách đây nhiều năm, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tổ chức các buổi hội thảo “truyền cảm hứng”, huấn luyện kỹ năng mềm cho SV và mời những diễn giả nổi tiếng về diễn thuyết. Hai năm trở lại đây, nhà trường đã thay đổi cách làm: thay vì mời những người giỏi nói, họ mời những người giỏi làm. Đó chính là những cựu SV (hiện thành đạt) và những người đứng đầu các doanh nghiệp. Những nhân tố “người thực, việc thực” này sẽ là ví dụ sinh động nhất nhằm giúp SV có cái nhìn cụ thể hơn về thực tiễn.

ThS Phan Công Tuấn cho biết, hiện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đang xây dựng chuẩn đầu ra về tham gia công tác xã hội của SV. Tức là SV muốn ra trường, ngoài hoàn thành các môn học bắt buộc, phải đạt được thang điểm tham gia công tác xã hội. Từ chuẩn này, SV phải cùng với cộng đồng, địa phương tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao kỹ năng mềm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.