.

Từ nhà bếp đến bàn ăn

.

Công việc bận rộn, đa số phụ huynh trẻ hiện nay chọn giải pháp đăng ký cho con ăn uống cả ngày tại trường mầm non, thức ăn do nhà trường chuẩn bị.

Bữa ăn của các bé ở trường mầm non. Ảnh: Q.T
Bữa ăn của các bé ở trường mầm non. Ảnh: Q.T

Giờ ăn đến rồi!

Sắp đến giờ ăn, lớp mẫu giáo bé của Trường Mầm non tư thục Asahi (quận Ngũ Hành Sơn) chộn rộn hẳn. Trong khi cô giáo xếp bàn thì những đôi chân bé nhỏ lẫm chẫm tự đi lấy ghế và ngồi vào vị trí của mình. Khi cả lớp đã trật tự, cô giáo hỏi: “Trước khi ăn chúng ta phải làm gì nào?” Cả lớp đồng thanh: “Lau tay ạ”. Và mỗi bé tự lấy khăn ướt để sẵn trên bàn lau sạch sẽ bàn tay của mình. Trong khi chờ đợi cô cấp dưỡng mang đồ ăn đến, cô giáo hỏi tiếp: “Các con đoán xem hôm nay lớp chúng ta sẽ ăn gì nào?”. Chỉ chờ được hỏi, mười mấy cái miệng nhao nhao “súp ạ, cháo bí đỏ ạ, bún ạ…”.

Khi những tô cơm ấm được đặt trước mặt, các bé tự xúc ăn ngon lành. Những bé mới vừa bước qua tuổi lên 2 xúc còn vụng về, rơi vãi nhưng vẫn được cô giáo đứng gần động viên. Những bạn “chạm” 3 tuổi thì xúc rất tự tin, khéo léo. Cô giáo Bùi Thị Hảo cho biết, nhìn các cháu ăn thì đơn giản như vậy nhưng để tập cho các cháu xúc những thìa đầu tiên thì không đơn giản chút nào. Bài học “yêu những bữa ăn và tự cầm muỗng xúc ăn” là một trong những bài học đầu tiên của trẻ mầm non.

Trẻ ăn ở trường nhiều hơn ở nhà. Chính vì điều đó, cô cấp dưỡng, cô giáo đứng lớp dường như còn hiểu nết ăn của từng cháu rõ hơn cha mẹ. Cháu thích ăn thịt, cháu thích ăn tôm, cá. Thậm chí, đến giờ ăn, cô cấp dưỡng còn vào tận lớp phụ giúp các cô giáo đút cho những cháu mới đi học ăn hết khẩu phần ăn, đôn đốc, động viên những cháu hay ngậm. “Dù chỉ làm nhiệm vụ nấu bữa ăn cho trẻ nhưng đến giờ ăn, tôi đều vào tận lớp xem trẻ có hứng thú với bữa ăn không, từng trẻ thích và không thích ăn món nào, có trẻ nào bị dị ứng với thực phẩm nào hay không. Và đặc biệt, tôi dành sự quan tâm cho những trẻ mới đến lớp, trẻ yếu hoặc mới ốm dậy. Nếu thấy trẻ nào ăn kém, tôi đều tìm hiểu nguyên nhân để chủ động trong chuẩn bị thực phẩm”, cô Quyết Ninh, nhân viên cấp dưỡng nhà trường, chia sẻ.

Mô hình bếp ăn một chiều

Để có được những “bữa ăn vui vẻ”, đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, từ 4 giờ 30, các cô cấp dưỡng đã có mặt ở trường để chuẩn bị. Các bữa ăn ở trường phải bảo đảm 4 nhóm thực phẩm chất bột, đạm, dầu mỡ và rau xanh với năng lượng tương ứng từ 1.000-1.100 kCal. Trên cơ sở đó, các cô cấp dưỡng cân đối và tính toán định lượng cho phù hợp với từng lứa tuổi. Đặc biệt, quy trình chế biến bữa ăn phải bảo đảm nguyên tắc một chiều: bảo đảm sự lưu thông một chiều của thực phẩm, tránh sự chồng chéo trong các khâu nấu nướng, tiết kiệm tối đa thời gian, đồng thời tránh sự va chạm giữa các thực phẩm sống - chín bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Từ năm 2008, mô hình bếp ăn một chiều đã được áp dụng rộng rãi ở các trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu và hiện tại, trừ các nhóm trẻ, còn lại tất cả các trường trên địa bàn thành phố đều đang áp dụng mô hình này.

Tại Trường Mầm non Bạch Yến (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), trong khuôn viên bếp với diện tích khoảng 50m2, được trang bị đủ hệ thống vận hành của bếp một chiều với trang thiết bị khá hiện đại. Từng khu được phân bổ riêng biệt, ngăn nắp. Như khu tiếp phẩm, đến sơ chế thực phẩm, khu chế biến thức ăn, hệ thống bàn chia khẩu phần. Tủ lưu mẫu thức ăn đúng quy chuẩn bếp tập thể trường mầm non. Và cả phương tiện vận chuyển thức ăn từ bếp xuống lớp học. Tất cả dụng cụ nấu ăn và dự trữ nước uống đều bằng chất liệu i-nox, cô và trò không lo bị pha tạp chất trong ăn uống hằng ngày. Hằng tháng, trường đều kiểm tra và mua sắm, bổ sung các thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu của bếp ăn. Hiện, trường có 6 nhân viên cấp dưỡng và 1 nhân viên vệ sinh bếp.

Nhà trường đặc biệt quan tâm tới chất lượng đầu vào của thực đơn do đó đã ký hợp đồng mua thực phẩm với các đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm uy tín. Trong ngày, nhà trường có 2 lần tiếp nhận thực phẩm là vào lúc 4 giờ 30 và 7 giờ sáng. Theo đó, thực phẩm trước khi được đưa vào chế biến đều phải qua quá trình kiểm tra chặt chẽ, phải bảo đảm tươi, sống, có xuất xứ rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Trường chỉ nhận thực phẩm, lương thực tươi, ngon bảo đảm chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ. Sau mỗi lần chế biến thức ăn, các mẫu thực phẩm đều được lưu lại để tiện cho quá trình kiểm tra, xử lý nếu có trường hợp ngộ độc thực phẩm. Mô hình bếp ăn một chiều hướng đến ATVSTP.  “Khâu vệ sinh cũng là “kim chỉ nam” khi làm nghề của nhân viên cấp dưỡng. Do vậy, trước khi chế biến thực phẩm sống, chúng tôi đều rửa dụng cụ: Dao, thớt sạch sẽ tránh để nhiễm khuẩn, rêu mốc. Thức ăn chín phải bảo đảm đủ thời gian và nhiệt độ, không để thực phẩm sống tiếp xúc với thực phẩm chín. Dụng cụ cho trẻ ăn uống như: Bát, thìa, cốc... đều phải được rửa sạch, phơi phóng, lau khô trước khi sử dụng”, một nhân viên cấp dưỡng của nhà trường, cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Yến, công tác tổ chức bếp ăn tại trường mầm non được thực hiện rất kỹ càng. Các cháu càng nhỏ, nhà trường càng kỹ trong chọn lựa và chế biến nguồn thực phẩm. Ngoài thực phẩm an toàn, quy trình chế biến cũng phải bảo đảm an toàn. Do vậy khu vực bếp, dụng cụ chế biến luôn được bảo đảm vệ sinh. Thực đơn của trẻ được thay đổi hằng ngày và bảo đảm đủ dinh dưỡng. Hằng tuần, Hiệu phó phụ trách bán trú, cán bộ y tế của nhà trường, nhân viên kế toán, cấp dưỡng cùng ngồi lại lên thực đơn theo tháp dinh dưỡng và thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP tại khu vực bếp ăn của nhà trường.

Có thể thấy, bảo đảm ATVSTP tại các trường mầm non là mối quan tâm không chỉ của phụ huynh mà của toàn xã hội. Việc xây dựng bếp ăn đạt chuẩn cũng là một tiêu chí quan trọng hàng đầu để một trường mầm non được xếp loại chuẩn quốc gia hay không.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.