.

Y tế học đường: Cần được quan tâm hơn

.

Y tế trường học là nơi sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học... Quan trọng là thế nhưng bấy lâu nay, công tác y tế học đường vẫn “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa được xem trọng đúng mực.

Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thọ Quang) thường xuyên rơi vào điểm nóng dịch sốt xuất huyết nên việc có cán bộ y tế trình độ y sĩ chăm lo sức khỏe cho học sinh khiến nhà trường và phụ huynh rất yên tâm. Ảnh: Q.T
Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thọ Quang) thường xuyên rơi vào điểm nóng dịch sốt xuất huyết nên việc có cán bộ y tế trình độ y sĩ chăm lo sức khỏe cho học sinh khiến nhà trường và phụ huynh rất yên tâm. Ảnh: Q.T

Giữ vai trò quan trọng

Bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Sơn Trà, nhớ lại: “Cách đây 6 năm, trong một lần tôi đến trường đón con thì thấy bé đang nhăn nhó vì đau chân. Lúc ấy, thầy cô, học sinh về hết, chỉ có anh bảo vệ trường ở lại an ủi cháu.

Thời điểm đó nhà trường chưa có nhân viên y tế, vừa thấy con như vậy, tôi tức tốc chở đến bệnh viện kiểm tra, phát hiện cháu bị gãy xương. Nếu nhà trường có nhân viên y tế cố định xương rồi chở bé tới bệnh viện ngay thì giảm đau đớn cho con rất nhiều”. Bác sĩ Thuyên kể thêm, trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện tuyến quận, không biết bao lần ông tiếp nhận các trường hợp trẻ con bị gãy tay, chân hay cảm sốt do nhà trường chở đến. Do vậy, theo ông, vai trò của công tác y tế trường học rất quan trọng bởi trong y học, sơ cấp cứu còn quan trọng hơn điều trị.

Học sinh ở độ tuổi đến trường (từ cấp mầm non đến THPT) hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Ở trẻ nhỏ thì cảm sốt, nôn trớ; trẻ lớn thì nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến tai nạn thương tích; con gái ở tuổi dậy thì trong những ngày kinh nguyệt dễ bị tụt can-xi, đau bụng… Cho nên, vai trò của nhân viên y tế trường học là rất cần thiết. Hiện nay, tại một số trường mầm non, tiểu học, cán bộ y tế còn chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ phụ trách giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc.

Vào mỗi mùa dịch bệnh, cán bộ y tế còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu... “Hằng ngày, chúng tôi không chỉ ở tại phòng y tế mà phải đi kiểm tra nhà ăn, nhà vệ sinh, xung quanh sân trường. Mỗi thời điểm giao mùa, tôi phải giám sát tất cả những vật dụng đựng nước, và phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng của phường để lập kế hoạch tuyên truyền cho học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh. Nói chung, nhân viên y tế làm tất cả mọi việc liên quan đến sức khỏe học sinh”, cô Nguyễn Thị Hiền, nhân viên y tế Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Sơn Trà chia sẻ.

Tại Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu, hằng ngày, nhân viên y tế sẽ cùng với các cô giáo đứng tại cổng trường đón học sinh, nhận thuốc từ phụ huynh (nếu có) và ghi tên từng cháu, đến giờ, sẽ vào tận lớp cho cháu uống thuốc. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng theo dõi cân nặng của những cháu suy dinh dưỡng và béo phì để lên thực đơn cho phù hợp.

Mỗi giờ ăn, nhân viên y tế sẽ đến những lớp có cháu suy dinh dưỡng để xem thực phẩm nào cháu ăn được hoặc không. Đối với trẻ béo phì, hằng tuần, cô đều có 2 buổi cùng các cháu tập các bài tập vận động ngoài trời. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đang tạo điều kiện cho nhân viên y tế đi học thêm lớp Nha học để chuẩn bị mở thêm phòng Nha, giúp các cháu xử lý vấn đề vệ sinh răng miệng ngay tại trường.

Ngoài ra, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm. Bác sĩ Thuyên cho biết, hầu như cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10, Bệnh viện quận Sơn Trà đều tổ chức khám tổng quát cho một số trường học trên địa bàn. Bệnh án sẽ được gửi về trường và được nhân viên y tế của trường lưu giữ để theo dõi. Do đó, nhân viên y tế học đường đa phần nắm vững bệnh lý của từng trường hợp đặc biệt cần lưu ý để có can thiệp kịp thời. Thực tế có những em trong khi khám sức khỏe định kỳ đã phát hiện ra một số bệnh mới chớm (như tim mạch, mắt, cột sống…); hay những em có tiền sử bệnh hen suyễn sẽ được nhân viên y tế liên hệ với giáo viên môn Thể dục để có hoạt động phù hợp với các em.

Nơi chuyên trách, nơi kiêm nhiệm

Hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh. Vai trò của hoạt động y tế học đường là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai công tác này tại cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó một phần là do tình trạng kiêm nhiệm công tác y tế học đường.

Theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, trường học có thêm 2 chỉ tiêu biên chế nhưng thực tế có tới 4 vị trí: văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế. Do đó, nhân viên y tế trường học luôn phải kiêm nhiệm thêm công việc khác. Còn theo Thông tư 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học có hiệu lực kể từ ngày 30-6-2016, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên mới đạt chuẩn.

Tuy nhiên, theo số liệu vừa được Sở GD-ĐT Đà Nẵng thống kê, tỷ lệ đạt chuẩn của nhân viên y tế trường học trên địa bàn thành phố mới chỉ 64%, còn lại là điều dưỡng hoặc trung cấp dược, nữ hộ sinh, cán bộ, giáo viên làm công tác kiêm nhiệm… Như địa bàn huyện Hòa Vang, dù gần như hầu hết các trường trên địa bàn huyện có phòng y tế được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn nhưng chỉ mới có 17/30 trường tiểu học và THCS có nhân viên y tế đạt tiêu chuẩn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Thầy Nguyễn Trần Tấn Quốc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng nhìn nhận, vai trò của nhân viên y tế trường học rất quan trọng, việc đánh giá tình hình bệnh, kiểm soát dịch bệnh… cần phải có người đã được đào tạo qua trường lớp bài bản chứ không chấp nhận chuyện kiêm nhiệm. Thêm vào đó, một nhân viên y tế chuyên trách sẽ tự chủ được trong vấn đề trích lại nguồn quỹ từ BHYT để đề xuất mua thuốc, vật tư trang bị cho một phòng y tế đạt chuẩn.

Để giải quyết bài toán thiếu cán bộ y tế, ông Lê Văn Hoàng, Phó phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hòa Vang, cho biết, phòng chỉ đạo các trường không có nhân viên y tế trường học hoặc có cán bộ kiêm nhiệm chức danh y tế trường học mà không được bổ sung thêm biên chế đối với chức danh này thì tùy vào điều kiện thực tế của trường để hợp đồng nhân viên y tế từ các trạm y tế xã. Sau một thời gian triển khai, một số trường học đã thực hiện hợp đồng với nhân viên y tế đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (phần lớn có trình độ trung cấp, cao đẳng y tế).

Các nhân viên y tế hợp đồng được trả lương, đóng BHXH và các chế độ chính sách khác theo thỏa thuận với nhà trường. Chủ trương này đã giúp cho các trường chủ động, linh hoạt trong công tác y tế trường học, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, số nhân viên y tế do các trường tự hợp đồng đa phần là sinh viên cao đẳng y dược chưa xin được việc làm nên mức lương còn thấp và không đủ điều kiện kinh phí để đóng BHXH nên tính ổn định chưa có. Do đó, về lâu dài, ngành giáo dục nên có quy định chức danh nhân viên y tế như là một vị trí việc làm bắt buộc trong trường học để có cơ chế pháp lý tuyển dụng vị trí việc làm này để các trường thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo đánh giá, đối với ngành giáo dục, công tác y tế trường học giữ vai trò rất quan trọng, góp phần đảm bảo hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường. Hiện, hầu hết các trường THPT trên địa bàn đã có cán bộ y tế độc lập (nhưng phải kiêm nhiệm thêm), chỉ còn một số trường mầm non thì vẫn chưa có nhân viên y tế, buộc phải hợp đồng bán thời gian với điều dưỡng, y sĩ bên ngoài. Tuy nhiên, công tác y tế trường học rất khó để hoạt động tốt nếu chỉ làm bán thời gian. Do vậy, về lâu dài, các trường buộc phải có nguồn kinh phí tự chủ để hợp đồng với một nhân viên y tế chuyên trách. Đây cũng là quy định cho các trường đạt danh hiệu chuẩn quốc gia thì phải có nhân viên, phòng y tế đạt chuẩn.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.