Sáng 25-11 vừa qua, tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Đà Nẵng đã diễn ra buổi ra mắt Chuyện xưa xứ Quảng (CXXQ), do Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng tổ chức. CXXQ là một tuyển tập biên khảo, ghi chép, ví như chuyến du hành kỳ thú qua một miền văn hóa, với những câu chuyện cảm động, chân chất, thô tháp nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, mặn mà. Mỗi câu chuyện dù lớn hay nhỏ đều đậm đà như những món ăn xứ Quảng, và đầy cá tính như những con người sống trên vùng đất này. Ẩn sau sách những câu chuyện ấy còn là cuộc hành trình xa hơn vào quá khứ, để thấy được sức sống tự hào của quê hương, đất nước.
Tác phẩm “Chuyện xưa xứ Quảng” của Phạm Hữu Đăng Đạt do Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành. |
Phạm Hữu Đăng Đạt là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chuyên sâu về đất Quảng. Anh là cộng tác viên quen thuộc với Báo Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tờ báo, tạp chí trong cả nước. Sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, anh mất vào ngày 17-5-2015, không kịp có cơ hội để nhận Giải Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ 2 được công bố vào đầu tháng 6 ngay sau đó, cũng như không được nhìn thấy buổi ra mắt tác phẩm trang trọng dành cho mình ngày hôm nay.
Với hơn 30 câu chuyện kể, truyền thuyết, có lúc nửa hư nửa thực về mảnh đất con người đất Quảng, chủ yếu trước thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, CXXQ dẫn dắt chúng ta gặp gỡ những làng quê nhỏ, từ chuyện lập chợ đến chuyện Dinh bà Phường Rạnh, chuyện săn cọp, chuyện về một số nhân vật như huyền thoại... Có thể nói, truyện kể mang tình chất truyện kể dân gian nên có thể tam sao thất bổn, tuy nhiên, qua mỗi một câu chuyện trong tập sách, tác giả đã cố gắng thể hiện vẽ lại để bạn đọc hình dung sống động nhất một phần nhỏ cuộc sống tinh thần, tâm linh... của người Quảng xưa.
Đáng ghi nhận, hầu như ở mỗi câu chuyện cho thấy tác giả đều có những chuyến điền dã, đến tận nơi ghi chép tường tận những chứng nhân cao tuổi. Nhờ vậy, chúng ta mới hiểu rõ thêm được những chuyện ly kỳ thú vị như: Cọp An Bằng, Hai trăm năm xóm Lò Rèn, Nghề làm xe gió ở Thanh Đơn, Vụ kiện hưởng “Đầu trâu” làng Cang Đông xưa, Sự tích chợ Nồi Rang… Những câu chuyện như vậy nếu không có người ghi chép kể lại, e rằng chẳng bao lâu sẽ mai một lãng quên.
Tác giả Phạm Tuấn Vũ nhận định: “Trong tác phẩm của mình, tác giả đã dành phần đầu tiên để khảo luận về tên gọi của một địa danh nổi tiếng ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có nhan đề là “Bông Miêu hay Bồng Miêu”. Có thể thấy, đây là bài viết rất nghiêm túc, cẩn thận, bao quát được nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy. Tác giả đã đi từ một câu ca dao quen thuộc của người Quảng Đà là “Từ ngày Tây lại cửa Hàn / Đào sông Câu Nhí đắp đàng Bông Miêu”, tra khảo và dẫn chứng từ nhiều nguồn tư liệu để đi đến khẳng định “Quảng Nam chỉ có địa danh Bồng Miêu, mỏ vàng Bồng Miêu chứ không hề có địa danh Bông Miêu, mỏ vàng Bông Miêu”.
Nhớ lại, hơn 25 năm trước, tôi tình cờ quen với Phạm Hữu Đăng Đạt khi anh đang làm công việc chuyên môn tại Phòng Địa chí Thư viện Quảng Nam - Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, ngồi trà đá bên nhau dưới những bóng cây rợp mát trong khuôn viên thư viện, chúng tôi thường chia sẻ tâm tư và những ước mơ, hoài bão về tương lai. Một lần theo đề nghị của anh, tôi có hứng chí góp ý hai việc, mà về sau nghĩ lại thấy cũng vui vui. Việc thứ nhất, tôi nói: “Một là, ông rất có lợi thế ngồi ở thư viện, trên một kho tư liệu về Quảng Nam, mà không phải ai cũng có được điều kiện ấy. Sao ông không viết chuyên sâu luôn về đề tài đất Quảng? Tức viết như một nhà nghiên cứu, chứ không phải những bài báo lớt phớt đọc rồi quên...”. Việc thứ hai: “Cái tên Phạm Hữu Bốn (cũng như Lê Văn A, Hoàng Văn B...) ký dưới mỗi bài viết nghe nó quen thuộc quá, bạn đọc khó ấn tượng. Theo tôi xu thế hiện nay, những cái tên 4 từ như: Trần Trọng Đăng Đàn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trương Thiên Lý... rất ăn khách. Nếu được, ông ghép họ Phạm Hữu... của mình cùng tên đứa con đầu chẳng hạn, để thành 4 từ thì chắc là hoành tráng!”. Anh hoan hỉ: “Đúng quá! Con đầu tôi tên Đăng Đạt. Ghép thành Phạm Hữu Đăng Đạt nghe được đó!”.
Câu chuyện đàn đúm qua loa vài phút rồi thôi. Tôi không thể biết được những lời góp ý ấy có thực sự ảnh hưởng đến anh hay không. Nhưng quả nhiên, không lâu sau đó, cái bút danh Phạm Hữu Đăng Đạt ra đời với những bài viết chuyên sâu văn hóa đất Quảng xuất hiện ngày càng trang trọng trên các tờ báo và tạp chí uy tín trên cả nước. Năm 1998, tập sách đầu tiên của anh có tên Hương vị Quảng Nam được Nhà Xuất bản Đà Nẵng tập hợp ấn hành. Kế đến, nhiều tập sách khác của anh lần lượt được công bố. Hằng năm, anh cũng nhận được nhiều giải thưởng của các tạp chí địa phương bởi những công trình nghiên cứu về đề tài văn hóa đất Quảng của anh.
Trên thực tế, những năm về sau, khi chính thức bước vào con đường nghiên cứu, anh chú trọng, dành khá nhiều thời gian cho công việc đi điền dã. Anh sắm cái máy ảnh tàm tạm, rồi cứ một tháng, vài tuần, hễ có điều kiện là phóng xe chạy về các miền nông thôn. Để có được những tập sách chuyên sâu về văn hóa dân gian đất Quảng, anh kể: “Trong quá trình thâm nhập, tìm hiểu về những làng nghề thủ công truyền thống này, điều thú vị là tôi được các cụ già cao tuổi, những cây đa cây đề thông hiểu chuyện làng đã kể nhiều câu chuyện lý thú, hấp dẫn về sự ra đời của các làng nghề... Đặc biệt, trong quá trình ấy, tôi được bà con cung cấp nhiều câu ca dao, tục ngữ, những bài hát khá hấp dẫn và thi vị phản ánh mọi mặt trong đời sống sinh hoạt của người dân quê lam lũ, một nắng hai sương để kiếm miếng cơm manh áo hằng ngày”.
Bởi vậy, rải rác trong các tác phẩm để lại của anh, có những câu chuyện kể dân gian chân chất, mà vô cùng đặc sắc, ý nhị của quê hương đất Quảng với lối diễn đạt gần gũi, sống động, dẫn chứng nguồn gốc rõ ràng, khiến người đọc càng đọc, càng thích.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Bổn (tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ), thành viên Hội đồng giám khảo xét chọn Giải Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ hai cho biết: “Tôi không biết Phạm Hữu Đăng Đạt là ai. Nhưng qua những trang viết của anh về xứ Quảng, tôi có phát biểu đánh giá với anh em trong Hội đồng giám khảo là cách thể hiện của tác giả này tuy hơi nặng tính báo chí, nhưng rất chuyên sâu đặc trưng văn hóa xứ Quảng, điều mà hiện nay không dễ gặp mấy người kỳ công thực hiện. Bởi vậy, cần được xem xét đưa vào giải”.
Thực vậy, so với những cây bút trưởng thành sau 1975, Phạm Hữu Đăng Đạt là một trong những tác giả hiếm hoi, cần mẫn, luôn học hỏi tìm tòi, viết không mệt mỏi... Sự ra đi của anh đã để lại một khoảng trống khó có thể bù đắp trong mảng văn học dân gian. Dù vậy, với riêng tôi, những câu chuyện hồn hậu của anh vẫn sẽ còn đó..., vẫn đồng hành, vang vọng mãi trên mọi nẻo đường làng quê đất Quảng dấu yêu.
Phạm Hữu Đăng Đạt tên thật là Phạm Hữu Bốn, sinh năm 1957, quê ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc; công tác tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Anh là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn hóa Dân gian, Hội Nhà văn Đà Nẵng… Tác phẩm đã in: Hương vị Quảng Nam (1998), Chuyện làng nghề Đất Quảng (2002), Sắc bùa xứ Quảng (2010), Chuyện xưa đất Quảng (2012)... đều do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành. |
TRẦN TRUNG SÁNG