.

Chợ cá những ngày cuối năm

.

Đã thành thông lệ, trong bữa cơm tất niên, bữa cơm rước và tiễn ông bà của người Việt bao giờ cũng phải có đĩa thịt, lát cá (thường là cá thu, cá ngừ cắt lát…). Chính vì nhu cầu “phải có” này mà hàng cá tại các chợ những ngày giáp Tết luôn đắt đỏ và nhộn nhịp nhất.

Bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp, hàng cá luôn đông đúc và giá cá thì lên mỗi ngày. Ảnh: Q.T
Bắt đầu từ sau rằm tháng Chạp, hàng cá luôn đông đúc và giá cá thì lên mỗi ngày. Ảnh: Q.T

Năm nào cũng vậy, cứ sau Rằm tháng Chạp là chị Quỳnh Phương (27 tuổi, đường Nguyễn Thiện Kế, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) lại ra chợ dặn người quen để cá ngon. Thường chị hay dặn cá thu to từ 4-5kg vì cá càng to, khi cắt lát sẽ lộ ra những lát cá bóng bẩy, màu hồng ửng đẹp mắt và đặc biệt thịt cá to sẽ béo ngậy, thơm ngon.

Chị Phương kể, ngày xưa, cuộc sống còn nhiều khốn khó nhưng mẹ chị luôn xoay xở để bữa cơm có chút cá, chút thịt cho con. Tuy vậy, trong những ngày cận Tết cúng quả, rước và đưa ông bà, trên mâm cơm cúng bao giờ cũng đủ đầy thịt, cá.

Mẹ giải thích rằng, đó là phong tục của người Việt, con cháu luôn luôn phải để ông bà “trên đầu trên cổ”. Dù có thiếu thốn đến đâu thì cũng phải sửa soạn mâm cơm cúng tươm tất, điều đó thể thiện lòng thành kính của cháu con đối với ông bà tổ tiên.

Đến nay, khi đã lấy chồng xa, nhớ lời mẹ dạy, ngày Tết dẫu có bận rộn, chị cũng ra chợ lựa cá ngon, về cắt từng lát, rửa sạch sẽ, bỏ mỗi lát cá vào từng bao nhỏ, cất vào tủ lạnh. Đến bữa chỉ việc lấy ra từng lát, chiên vàng hai mặt, rót chén nước mắm vàng óng màu cánh gián, bày biện bên cạnh dĩa thịt heo luộc là đủ đầy cho một bữa cơm cúng.

Từ sau 20 tháng Chạp trở đi, nhiều gia đình đã tranh thủ mua cá về trữ, vì lúc này, giá cá chưa đắt lắm. Mấy ngày sau thì giá nhích lên từng ngày, mỗi ngày mỗi giá. Người có tiền thì từ từ sắm (khoảng sau 25 âm lịch, để không phải để cá trong tủ lạnh quá lâu), người ít tiền thì tranh thủ sắm trước.

Những ngày này, hàng cá tại chợ Chiều (phường Thọ Quang) đông vui hơn hẳn. Tại một sạp cá thu, cả 5-6 người xúm xít xoay quanh chừng 15 con cá căng tròn, xếp lớp. Con to 4-5 ký, con vừa 2-3 ký. Mỗi con mỗi giá, người lựa cá, người trả giá, từ 170-200 ngàn đồng/ký.

Thuận mua vừa bán xong thì chị bán cá mới uốn cong từng con cho vào túi ni-lông (dành cho người mua đóng thùng gửi ra quê), hoặc cắt thành khoanh đều tăm tắp. Họ nói với nhau: từ nay đến Tết, cá sẽ cao từng ngày, nên tranh thủ gặp cá tươi ngon là mua ngay.

Bà Xuân (55 tuổi, đường Đống Đa) kinh nghiệm: Theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm ăn gì sẽ ứng nấy. Ví dụ ăn rau muống (muốn gì được nấy), ăn khổ qua (cái khổ đi qua), hoặc kiêng ăn các món như mực (đen cả năm), tôm (nhảy lùi nên lùi cả năm)…

Trong đó, người ta đặc biệt thích ăn cá thu ngày Tết (thu vào). Đó là một trong những lý do khiến cá thu là loại cá đắt hàng nhất những ngày Tết do cả người bán và người mua đều có tâm lý “trữ cá”. Bởi đầu năm cá sẽ cao nữa vì ít nhất cũng qua mồng 10, tàu bè mới đi lại và phải đến nửa tháng sau mới về, lúc đó, giá cá mới hạ. Cho nên những ngày này, cá đắt mấy tôi cũng mua.

Nổi tiếng là khu chợ bán đồ hải sản tươi ngon ở ngay trung tâm thành phố, chợ Đống Đa những ngày này cũng tấp nập kẻ bán người mua. Hầu như hàng cá nào cũng có 3-4 người bao quanh. Họ lật qua lật lại, chọn mua những con cá còn tươi, mắt và vảy cá ánh lên màu xanh biếc của biển rồi gật gù bày vẽ nhau cách trữ cá. Chị Ánh (tiểu thương tại chợ Đống Đa), hào sảng: gần Tết cá đắt nhưng bán rất sướng, mấy cũng hết.

Có năm cá thu loại 1 (cá thu câu, thu lưới) lên đến 600.000 đồng/kg mà cũng không có để bán. Cá thu chắc thịt thơm ngon, để lâu trong tủ lạnh thịt cũng không bị bở nên khách hàng rất chuộng. Hầu như nhà nào ít nhiều cũng mua một vài lát cá để cúng quả. Cá ăn thì có thể mua cá có đầu có đuôi, cá gì cũng được, nhưng cá cúng thì nhất định phải là cá lát. Thêm nữa, cá thu là cá nước sâu, tháng Chạp, tháng Giêng lại trái mùa nên khan hiếm hàng.

Còn chị Nhẹ (tiểu thương tại chợ An Hải Đông) thì cho biết, cá ngày Tết đắt hàng một phần do hàng khan hiếm, phần khác do nhu cầu người dân cao. Ngoài cúng quả, nhiều bà nội trợ khéo tay còn mua cá về làm chả. Các loại cá được ưa chuộng là cá thu, cá thác lác, cá mối, cá nhồng…

Nếu biết chọn cá ngon và khéo tay thì chả được làm từ cá ăn ngon, ngọt và thanh hơn chả bò, chả heo nhiều. Nhờ sức mua lớn mà các quầy xay cá làm chả cũng được “ăn theo”, làm không kịp nghỉ tay.

Vài năm trở lại đây, cá thu, cá ngừ còn trở thành món quà biếu tặng nhau ngày Tết. Nếu để ý sẽ thấy, hầu như ít ai dùng thịt heo làm quà biếu tặng (trừ người thân trong gia đình) nhưng nếu được tặng cá thu, gia chủ sẽ rất thích.

Như vợ chồng ông Huân bà Tuyết (đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) nhiều năm nay cứ đến Tết là ông bà lại tranh thủ xuống tận bến mua cá thu để làm quà biếu. Có năm, ông bà mua đến 10 con cá thu loại 3kg để làm quà.

Thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua cá to. Bà Thọ (tổ 90, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), trải lòng: Ngày Tết cái gì cũng lên giá. Cầm ít đồng bạc ra chợ chẳng thấm tháp vào đâu. Cho nên, tôi chọn cách mình ăn gì sẽ cúng ông bà cái nấy. Có thể là bữa cơm với đầy đủ thịt, cá, cũng có bữa là bánh chưng, dưa kiệu, hoặc đơn thuần là trứng luộc, rau xào…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.