.

Làm đẹp bình dân "vào vụ"

.

Gần Tết, nhu cầu chăm chút đôi bàn tay, bàn chân hay làm đẹp “góc con người” của chị em phụ nữ tăng cao. Không ít tiệm làm tóc bình dân, nằm khuất sau lối đi nhỏ hẹp đông khách từ sáng sớm đến tối mịt, khách của họ chủ yếu là chị em tiểu thương, buôn thúng bán bưng, cận ngày Tết mới tranh thủ chút thời gian “sửa soạn” cho bản thân mình…

Dịch vụ làm móng cho chị em tại một quán cắt tóc bình dân. Ảnh: T.Y
Dịch vụ làm móng cho chị em tại một quán cắt tóc bình dân. Ảnh: T.Y

Tiệm tóc bình dân chiều lòng khách

Khoảng một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng chị Nguyễn Thị Hồng, chủ tiệm uốn tóc Hồng ở chợ Đống Đa chia sẻ đây vẫn chưa phải là thời điểm đông khách nhất của quán. Mọi năm, những tiệm cắt tóc bình dân, nằm khiêm tốn ở một góc chợ như chị chỉ thật sự “vào vụ” từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp.

Khách hàng chủ yếu là những mẹ, những chị quanh năm buôn rau, bán cá ngay trong khuôn viên chợ Đống Đa. Đã thành thông lệ, những ngày giáp Tết, ai nấy đều tranh thủ bán thêm con cá, con tôm, thêm chút rau hành cho người mua sắm muộn, mong chắt chiu dành dụm chút tiền cho ngày đầu năm mới.

Bận rộn đến nỗi khi Tết đã cận kề, họ mới sực nhớ ra mình chưa kịp gội đầu, uốn tóc hay chuốt lại móng tay, móng chân bám đầy mủ rau, vàng vọt nước phèn, nước biển. Chị Hồng kể, có đêm 30, đồng hồ đã nhỉnh qua con số 10, chị thu xếp đóng cửa về đón giao thừa sau khi tiễn người khách cuối cùng rời quán thì cũng là lúc chiếc xe đạp cà tàng dừng ngay trước cửa.

Một chị khách bước vào cùng cô con gái chừng 12 tuổi, cô bé nhanh nhảu: “Nhờ cô cắt tóc giúp cho má con với, đuôi tóc má con cháy nắng hết rồi, tụi con nói miết mà má ham làm, không chịu đi cắt chi cả. Cả móng chân móng tay, cô làm cho má con luôn đi cô”. Cảm động trước tình cảm cô con gái dành cho mẹ, chị Hồng soạn lại bộ đồ nghề, đưa cây kéo lướt trên mái tóc vốn đã xác xơ của người mẹ, chịu khó tỉa lại mấy cái móng tay, móng chân mốc meo vì quanh năm tần tảo.

Trong lúc chị Hồng làm, cô bé cứ tấm tắc động viên mẹ: “Mẹ thấy chưa, cắt tóc lên mẹ trẻ và đẹp hơn kìa”, những khi ấy, người mẹ chỉ mỉm cười, thỉnh thoảng đưa tay vuốt tóc con gái dỗ dành. Giao thừa đó trở về nhà, lòng chị Hồng rộn vui. Nghề cắt tóc bình dân không mang lại cho chị sự giàu có, nhưng mỗi khi nhìn mái tóc đẹp do chính tay kéo mình chăm chuốt, chị cho đó là niềm vui không phải nghề nào cũng có được.

Qua khảo sát tại một số chợ, hầu hết các quán cắt tóc bình dân những ngày cận Tết đều có lượng khách đông gấp 2 đến 3 lần, có thời điểm khách phải chờ gần 1 tiếng đồng hồ mới tới lượt mình được phục vụ. Thậm chí có người chờ qua bữa, phải ăn tạm ổ bánh mì hay chiếc bánh bao chống đói.

Dù chất lượng dịch vụ không thể sánh ngang những tiệm tóc lớn nhưng bù lại, tiệm tóc bình dân thu hút khách nhờ giá cả phải chăng và sự thân tình trong giao tiếp, trò chuyện mà ở hàng quán sang trọng khó lòng có được.

Chủ tiệm tóc Tam, nằm sâu trong con hẻm thuộc chợ An Cư (thuộc phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết, khách hàng dịp Tết của quán cũng là những chị khách hay đến gội đầu, cắt tóc trong năm nên không khí làm việc dù khẩn trương nhưng cũng rất vồn vã, chân thành. Họ nói chuyện với nhau về Tết, về sự chuẩn bị cho một năm mới nhiều sức khỏe, an yên. Cứ thế thôi cũng thấy Tết đã về.

Mỗi năm làm đẹp một lần

Cũng như nhiều phụ nữ buôn bán nhỏ lẻ khác, chị Lê Thị Tâm, tổ 44C, phường Thuận Phước, quận Hải Châu quanh năm suốt tháng hầu như chẳng bao giờ chăm chuốt đôi bàn tay, bàn chân khô sần, vì lẽ: “Thời gian, tiền bạc đâu mà làm, mà có làm cũng không giữ được lâu khi tay chân cứ đụng cái này, cầm cái kia”. Nhiều năm qua, để xoay sở cho cuộc sống gia đình, chị Tâm đi theo chân cánh đàn ông, rong ruổi qua những công trình xây dựng. Khi thì vận chuyển đất cát, khi thì định hình khung thép, khuân vác gạch cho thợ xây, cứ thế, lao động chân tay cực nhọc khiến đôi bàn tay, bàn chân của chị Tâm trở nên khô khốc, xác xơ.

“Nếu không có Tết chắc chị sẽ chẳng bao giờ làm móng đâu em ạ, chân tay xấu xí ri mà, đưa ra cho người ta cầm dị lắm. Nhưng Tết đến, có người phụ nữ nào không muốn hình ảnh của mình bớt lam lũ, bớt quê mùa thô kiểng để mong một năm mới làm ăn ổn định, có thêm đồng ra đồng vào cho cuộc sống khá hơn. Do đó, ngày cuối năm chị cũng theo chân người ta ra tiệm gội đầu, chuốt thêm tý sơn lên móng tay móng chân cho đỡ quê mùa”.

Chỉ cần làm đẹp 3 ngày Tết là suy nghĩ chung của nhiều chị em phụ nữ có gia cảnh khó khăn. Với họ, phải bỏ ra số tiền chừng 15.000 đồng để gội đầu cũng là nhiều, huống hồ gì bỏ ra tiền trăm để cắt tóc, nhuộm tóc hay cao hơn để sử dụng những dịch vụ hấp dầu, phục hồi tóc bằng thuốc tốt... Vì thế, không khó để lý giải vì sao những tiệm làm tóc bình dân, quanh năm suốt tháng ở trong tình trạng ế ẩm bỗng dưng đầy ắp khách hàng dịp cuối năm.

Ví dụ, tiệm làm tóc Bé Danh nằm trên đường Lê Hữu Kiều, (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) trung bình mỗi ngày chỉ đón từ 3 đến 5 khách đến chủ yếu để gội đầu, làm móng thì những ngày giáp Tết, tiệm này cũng sáng đèn từ sáng sớm đến tối mịt nhằm phục vụ cho bà con ngư dân bận bịu đi theo đàn tôm, đàn cá cuối năm, giờ cận Tết mới lên tàu trở về bên gia đình, tranh thủ vài chục phút đi gột rửa bớt lớp phèn đang bám chặt trên đôi bàn tay.

Chủ tiệm Nguyễn Thị Danh cho rằng thực ra chuyện làm đẹp đón Tết đã nhộn nhịp gần tháng nay nhưng ngày cuối năm được xem là giai đoạn “nước rút” cho những ai bận rộn. Trong khi các tiệm làm tóc có thương hiệu, nằm ở khu vực trung tâm, một lần cắt tóc gần 200.000 đồng hay giá cho một lần duỗi, nhuộm dao động từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng thì mức giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho phần lớn các loại hình dịch vụ tại quán bình dân trở thành điểm thu hút cho những mẹ, những chị thường xuyên cân nhắc, tính toán cho hàng trăm khoản chi khác trong thời buổi vật giá mỗi ngày một leo thang.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.