Không biết từ bao giờ, với người Đà Nẵng, hoa là thứ không thể thiếu trong không gian các gia đình trong những ngày xuân. Hoa đem sắc xuân thắm tươi, hương xuân ấm áp tô điểm nhà nhà…
Chưng hoa ngày Tết từ rất lâu đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Đà Nẵng nói riêng, người Việt nói chung. Ảnh: T.T |
Đã là bà ngoại của hai cháu nhỏ, song cứ đến những ngày cận Tết, lòng cô Hương (52 tuổi, đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà) lại rộn ràng như thuở đôi mươi. Trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị, cô thích nhất là hoa. Làm gì thì làm, Tết năm nào, ngoài chậu mai vàng rực trước cửa, trong nhà cô cũng phải có đủ 6 bình hoa tươm tất (5 bình đặt trên các bàn thờ gia tiên, bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ Phật, bàn thờ ông Táo, thờ trước hiên và một bình hoa lớn chưng ở phòng khách).
Cô thích nhất là hoa bởi không chỉ vì hoa khiến nhà thêm đẹp ngày Tết mà thời điểm bắt đầu tỉa tót, cắm hoa vào bình để chưng cũng là lúc các khâu chuẩn bị cho cái Tết đã đâu vào đấy. Cô chỉ còn thong dong với hoa.
Để giữ được nét tươi mới trong suốt 3 ngày Tết, sáng 30 Tết, cô Hương sẽ dậy thật sớm, nao nức ra chợ Hàn chọn mua những bông hoa tươi nhất, khỏe mạnh nhất, sau đó giành nguyên buổi sáng để cắm vào các bình.
Thấy tôi ra chiều ngạc nhiên vì chỉ việc đưa hoa vô bình mà mất nguyên buổi, cô cười hiền: “Cắm hoa ngó vậy chứ không đơn giản, ngoài những ý nghĩa về mặt phong thủy, năm chỉ được mấy ngày Tết, ai cũng muốn chưng sao cho thật đẹp và độc đáo. Nhìn cách chưng hoa có thể đoán định được tính cách, văn hóa của gia chủ”…
Hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa huệ trắng là những loài hoa cô Hương chọn chưng trên các bàn thờ. Riêng bàn thờ Bác Hồ, năm nào mua được sen đẹp, cô sẽ chưng sen. Còn bình hoa lớn phòng khách thì bất di bất dịch, sẽ là hoa ly. Có người nói hoa ly là “ly biệt” nhưng cô Hương cho rằng đó chỉ là cái tên, còn loài hoa này với cô Hương không chỉ đẹp, sang trọng mà có mùi hương ngọt ngào và đặc biệt là tươi rất lâu.
Cô Hương nói, cô nhiễm nếp “mê hoa” từ mẹ. Nhớ những ngày còn con gái, gia đình thiếu thốn đủ bề, song chưa năm nào Tết mẹ cô quên hoa. Những luống hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa lay ơn, thược dược nhỏ xinh trong vườn nhà do tay mẹ cô Hương tỉ mẩn chăm chút bao giờ cũng kịp bung nở rực cả góc vườn đúng dịp Tết đến.
Khi đó, không có điều kiện ra cửa hàng, mẹ cô sẽ tự tay chọn cắt những nhánh, cành đẹp nhất trong vườn đem vào chưng bàn thờ gia tiên và trang trí phòng khách, bởi theo mẹ cô Hương xuân đến không thể thiếu hoa…
Nếu cô Hương chọn hoa ly là loài hoa chủ đạo để chưng Tết thì cô Tuyết (quận Hải Châu) luôn trung thành với hoa hồng, bởi hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, sự ngọt ngào… Mong cầu một năm mới hạnh phúc, yêu thương trọn vẹn cho gia đình được người phụ nữ phúc hậu này gửi gắm, nâng niu trong từng cành hồng đỏ thắm.
Nhiều người cùng xóm nói cô Tuyết phúc hậu bởi cô là bà mẹ chồng hiếm có! Dù hai vợ chồng người con trai lớn của cô đã ra riêng nhưng năm nào cô cũng tất tả chuẩn bị cái Tết cho 2 nhà. Thương con dâu bận rộn, cô Tuyết lo tất tần tật từ hũ dưa món, hũ thịt heo mắm…, kể cả bình hoa chưng Tết cho con. “Con dâu tôi cũng thích hoa hồng, tiện tôi mua chưng cho nó luôn. Bọn trẻ đầu tắt mặt tối, mà chưng hoa thì không thể vội được”…
Nếu những người tuổi trung niên như cô Hương, cô Tuyết luôn một lòng với các loài hoa chưng Tết nội địa, truyền thống như hoa hồng, hoa ly, hoa lay ơn… Với những kiểu chưng hoa cũng rất truyền thống như chưng hình tay phật, hình tròn xum xuê (tượng trưng cho sự đủ đầy, đoàn tụ…) thì những người trẻ hơn lại có xu hướng chọn kiểu chưng đơn giản, độc, lạ và sang trọng.
Các loài hoa được người trẻ ưa chuộng khá đa dạng và không theo bất kỳ khuôn mẫu nào. Đó có thể là hoa tulip lãng mạn, hoa cát tường, hoa hồng Ecuador kiêu sa hoặc đơn giản đó là loài hoa chưa biết tên tình cờ bắt gặp ở đâu đó, thấy thích họ sẽ sẵn sàng chọn để chưng Tết…
Như thổ lộ của chị Phương Hà (25 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), năm ngoái, chị đã mạnh dạn chọn một loài hoa chưa biết tên (màu tím, bông nhỏ li ti), tình cờ bắt gặp ở chợ Hàn về chưng Tết, khách đến nhà ai cũng khen vừa đẹp vừa lạ!
Chị Đoan, chủ một cửa hàng hoa (chuyên cung cấp hoa cả sỉ và lẻ) lâu năm tại chợ Hàn nói rằng có nhiều bạn trẻ rất sáng tạo trong cách chọn, kết hợp các loài hoa chưng Tết, “họ gợi ý cho chúng tôi những ý tưởng khá hay”.
Chị Đoan theo nghề kinh doanh hoa của ba mẹ từ ngày nhỏ, tính đến nay đã ngót 30 năm. Trong ký ức ngày còn thơ bé của chị, cái không khí đẹp nhất, rộn ràng nhất là cửa hoa nhỏ của ba mẹ chị những ngày cận Tết. Lúc bấy giờ, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, song khách mua hoa vẫn vào ra nườm nượp.
Ngày nay thì khỏi nói, trung bình những ngày cận Tết, cửa hàng hoa không quá lớn của chị đón hàng ngàn lượt khách, gấp hàng chục lần ngày thường, dù giá hoa có thể cao gấp đôi. Bình thường, cửa hàng hoa chủ yếu hai vợ chồng chị trông nom, tự tay mua bán, nhưng những ngày cận Tết, chị phải thuê thêm không dưới 10 nhân viên thời vụ mới kịp xếp đặt, bó hoa cho khách…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoa Tết ngày nay được bày bán ở hầu khắp các chợ lớn, nhỏ. Theo nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, các cửa hàng hoa mọc lên trên nhiều cung đường thành phố, song chợ Hàn vẫn là điểm thu hút người mua nhất. Theo các tiểu thương buôn bán hoa ở chợ Hàn, nguồn hoa ở đây chủ yếu từ Đà Lạt. Từ sau rằm tháng Chạp, hoa về chợ dồi dào ngày một, kể cả những năm thời tiết không thuận, các tiểu thương vẫn “có cách” để có hoa bán…
Có thể nói, chưng hoa ngày Tết từ rất lâu đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Đà Nẵng nói riêng, người Việt nói chung.
THANH TÂN