Bên cạnh chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, dường như chưa bao giờ các hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong môi trường đại học, cao đẳng lại được khơi dậy mạnh mẽ như hiện nay.
Một buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng, truyền cảm hứng khởi nghiệp của chuyên gia tại Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thu hút hàng trăm sinh viên tham dự. (Ảnh do CLB Khởi nghiệp Đại học Bách khoa cung cấp) |
Không dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp…, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn.
Mạnh dạn đưa ý tưởng vào cuộc sống
Tại lễ ra quân Tháng Thanh niên và phát động phong trào khởi nghiệp trong sinh viên năm 2017 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, để truyền cảm hứng cho hàng ngàn sinh viên đang có mặt tại buổi lễ, Bí thư Đoàn trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng Phạm Trung Tuyên tự hào chia sẻ về những ý tưởng khởi nghiệp đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia và quốc tế, như:
Hệ thống pha coocktail tự động, cân thông minh dành cho trường mẫu giáo, tủ bán lẻ bao cao su tự động… Đặc biệt, hiện một nhóm sinh viên của trường đã được Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đồng ý ươm tạo khởi nghiệp với đề tài “Kính thông minh dành cho người khiếm thị” (đề tài đã qua giai đoạn ươm tạo lần 3).
Sáng chế đặc biệt này do ba chàng trai Lê Nhật Hưng, Nguyễn Trần Viết Chương (khoa Đào tạo quốc tế) và Nguyễn Mạnh Tuấn (khoa Điện - Điện tử) của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng miệt mài chế tạo bằng tất cả tình yêu thương, với mong ước giúp ích cho những phận đời khiếm thị.
Lê Nhật Hưng chia sẻ, để có chiếc kính đa năng hỗ trợ người khiếm thị dễ dàng di chuyển, đọc sách điện tử, gọi điện thoại, nghe nhạc, xem ngày giờ, nhận diện vật dụng… vừa ra lò cuối năm ngoái, nhóm đã phải trải qua gần một năm nghiên cứu, chế tạo, qua 4 phiên bản. Đặc biệt, hệ thống cảm biến, định vị la bàn điện tử... phải lên mạng đặt từ nước ngoài, mất khá nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Song, việc tạo được một sản phẩm hữu ích cho người khiếm thị, ba chàng trai trẻ rất vui và tự hào.
Chia sẻ cảm nhận về các phong trào động viên tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, Lê Nhật Hưng cho biết rất ấn tượng với các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên do Trung ương Đoàn tổ chức, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố; các chương trình như Viet Challenge (Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu Thử thách Việt); các chương trình do Trường Đại học Duy Tân tổ chức như cuộc thi Startup Wheel 2016 (tổ chức thường niên); cuộc thi Dự án Kinh tế cộng đồng lần thứ 3 (tổ chức thường niên); các chương trình tập huấn khởi nghiệp như: Tổ chức khóa đào tạo hướng dẫn tìm Ý tưởng kinh doanh, tọa đàm “Khởi nghiệp - khó hay dễ”,… cùng nhiều hỗ trợ khác.
Không riêng Nhật Hưng, theo chia sẻ của nhiều thành viên đang hoạt động trong các nhóm, câu lạc bộ khởi nghiệp của các Trường Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)… đều nhận thấy, đa phần các chương trình, hoạt động vận động sinh viên khởi nghiệp, nhất là với những ý tưởng thể hiện sự sáng tạo, có tính ứng dụng cao, được chăm chút, thời gian qua đều giúp các bạn “có cái nhìn khách quan hơn về bản thân”, khơi gợi niềm đam mê khởi nghiệp trong giới trẻ, các bạn năng động, tự tin hơn…
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp Bách khoa Đà Nẵng thành lập tháng 10 - 2015, là câu lạc bộ khởi nghiệp chính quy đầu tiên tại Đà Nẵng, trực thuộc Đoàn trường Đại học Bách khoa. Anh Lê Phước Cường, Bí thư Đoàn trường, Chủ nhiệm CLB cho biết, mục đích ra đời của CLB là tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu với các doanh nghiệp, tiếp cận với các quỹ đầu tư để hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, CLB còn là nơi cung cấp, chia sẻ cho các bạn sinh viên những vấn đề cơ bản về khởi nghiệp. Trong suốt hơn một năm hoạt động, CLB đã tạo nhiều điều kiện để sinh viên giao lưu với các doanh nghiệp, tiếp cận với các quỹ đầu tư; thúc đẩy năng lực tư duy, sáng tạo và hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp. Chẳng, hạn, với cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel 2016 với sự phối hợp giữa CLB và Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã đem đến một sân chơi sáng tạo, phát hiện và ươm tạo những ý tưởng, sản phẩm mới.
Tại Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng – Start-up Fair 2016 do Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng tổ chức, CLB cũng tham gia một gian hàng và ghi dấu ấn bằng hai sản phẩm với khả năng hiện thực hóa cao là gian hàng máy in 3D và cánh tay cho người không tay.
Gần đây nhất, nhằm cung cấp cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa những kỹ năng về khởi nghiệp và các vấn đề đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, Đoàn trường Đại học Bách khoa phối hợp cùng với nhóm giảng viên IPP tổ chức diễn đàn “Khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo – Entrepreneurship and Innovation DUT 2016. Sắp tới, CLB sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động lý thú, thiết thực hơn nữa và mong mỏi nhận được sự tương tác từ các bạn sinh viên và sự hỗ trợ tối đa của các đơn vị, cá nhân ngoài nhà trường.
Từ CLB của Trường Đại học Bách khoa, hiện mô hình này cũng như nhiều hoạt động khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, tạo một phong trào rộng khắp trong giới trẻ. Một số trường còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như hình thành 100 nhóm khởi nghiệp, mỗi năm quyết tâm đưa 1-2 ý tưởng, dự án ra thị trường…
Tuy nhiên, theo ông Lý Đình Quân, nguyên Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, chất lượng và tần suất các hoạt động vẫn còn rời rạc, thiếu sự hỗ trợ có tính hệ thống và chuyên nghiệp; lãnh đạo một số trường chưa thực sự nhận thức đầy đủ về vai trò của khởi nghiệp, nên vẫn thiếu sự quan tâm và hỗ trợ, nguồn lực tổ chức ở các trường còn yếu, chưa có các chương trình tiền ươm tạo ở các trường,...
Cùng bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, phụ trách các phong trào Khởi nghiệp sinh viên – Trường Đại học Kinh tế, cho rằng, phải nhìn nhận một thực tế là ý thức rất nhiều sinh viên đối với cụm từ “khởi nghiệp” đúng nghĩa còn thụ động, các thành viên năng nổ chỉ tập trung một số chuyên ngành, một số sinh viên nhất định.
Ông Nguyễn Kim Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Trường Đại học Duy Tân thì cho rằng, một trong những hạn chế của phong trào khởi nghiệp trong sinh viên thời gian qua là chưa có một dự án nào trở thành một “startup” thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận; chưa có những quy định cụ thể về hoạt động khởi nghiệp; hiếm có không gian chuyên biệt cho các hoạt động trao đổi và phát triển ý tưởng, dự án…
Theo nhiều ý kiến, để “khởi nghiệp” không phải là phong trào bề nổi thì cần có mục tiêu phát triển hỗ trợ khởi nghiệp ở từng các tổ chức, trường học, giải pháp và nguồn lực cụ thể để hành động, cần có các chỉ số để đo lượng hiệu quả như chỉ số về sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp, chỉ số về số lượng ý tưởng, lĩnh vực, chỉ số các ý tưởng hình thành các startup, tham gia cuộc thi, tham gia ươm tạo, các startup trưởng thành,... cần phải có hệ thống đo lường và giải pháp thực thi rõ ràng.
THANH TÂN