Từ sau rằm tháng Giêng, du khách (kể cả nam, nữ) mặc quần, váy ngắn trên gối khi vào chính điện chùa Linh Ứng Bãi Bụt (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) vãn cảnh, thắp hương đều được nhà chùa phát một chiếc váy quây dài để trang phục được kín đáo phù hợp hơn với khung cảnh trang nghiêm, tôn kính ở chùa.
Nhiều du khách rất ngạc nhiên khi được một phật tử do nhà chùa phân công đứng chờ sẵn ở cửa ra vào khu chính điện cẩn thận quấn váy cho từng người. Vài nam du khách khi “bị” quấn vấy cảm thấy buồn cười vì cách ăn mặc mới của mình trông có vẻ hơi khác lạ. Nhưng hầu hết mọi người đều không lấy làm khó chịu mà rất đồng tình và ủng hộ việc làm này của nhà chùa.
Là ngôi chùa nổi tiếng trong và ngoài nước về phong cảnh đẹp với vẻ thanh tịnh, không gian yên tĩnh làm say đắm lòng người, chùa Linh Ứng Bãi Bụt được xem là điểm tham quan hấp dẫn được nhiều du khách đặt tour đến Đà Nẵng muốn ghé thăm. Không ít trường hợp du khách đến vãn cảnh vì không hiểu phong tục, tập quán hoặc vì thiếu ý thức, hoặc vì vừa đi chơi, vừa kết hợp đến nơi chùa chiền… đã ăn mặc chưa lịch sự khi vào tham quan, dâng hương các khu vực bên trong chùa.
Hình ảnh một số ít bạn trẻ mặc áo hai dây, hở lưng, váy ngắn cũn cỡn vào chính điện thắp hương, lạy Phật khiến nhiều người lớn tuổi tỏ ra bức xúc. Một giảng viên đại học từng khuyên chúng tôi rằng: “Ai cũng có quyền ăn mặc đẹp, mặc theo mốt này mốt nọ, miễn sao mình cảm thấy thích.
Thế nhưng, trong nhiều trường hợp, trang phục đẹp nhất vẫn là trang phục lịch sự”. Vì vậy, không chỉ riêng gì chùa Linh Ứng mà hễ đến bất cứ chùa nào viếng cảnh thắp hương, trang phục lịch sự và ứng xử phù hợp nơi chốn linh thiêng luôn là điều không thể thiếu.
Đi lễ chùa là nét văn hóa truyền thống, gắn bó với tâm linh của người Việt với mong ước cầu may mắn, bình an, sức khỏe cho gia đình và bản thân. Hiển nhiên văn hóa lễ chùa đã ăn sâu vào tâm thức đại đa số người dân Việt. Với khách nước ngoài, việc “nhập gia tùy tục” sẽ rất khó khăn nếu không được hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, rất ít ngôi chùa, đình đền, các di tích lịch sử ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có các quy định cụ thể về trang phục và cách ứng xử khi vào viếng cảnh ở những nơi tôn nghiêm. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch (của Sở Du lịch) Đà Nẵng cũng khuyến cáo du khách không nên ăn mặc phản cảm khi đến chùa hay các điểm tôn giáo để bảo đảm sự tôn nghiêm.
Thế nhưng việc tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử này đến từng du khách sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như ngay cả hướng dẫn viên bản địa cũng không biết. Để những du khách này biết được những điều nên làm và không nên làm khi đến một đất nước khác thì chính những “đại sứ” du lịch phải là người “lên tiếng” trước.
Ngoại trừ những du khách ba-lô đi tự túc, các công ty tổ chức tour du lịch cũng phải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng hiểu về phong tục, tập quán của đất nước họ đến du lịch.
Việc đi chùa vãn cảnh, thắp hương không chỉ thể hiện ở cái tâm, lòng thành kính mà còn thể hiện ở cách ứng xử và cách ăn mặc sao cho phù hợp. Tại nhiều quốc gia, từ rất lâu, những nơi như chùa chiền, nhà thờ hay các di tích tôn giáo đều quy định khách viếng thăm phải mặc quần dài và không để hở vai.
Du khách vi phạm có thể bị xử phạt theo luật. Các loại khăn choàng, hoặc váy quây luôn được các điểm tham quan bày sẵn phục vụ cho du khách theo hình thức thuê hoặc bán. Nhiều ngôi đền và chùa còn yêu cầu khách viếng cởi giày dép và nón khi đi vào khu vực thờ cúng, tắt chuông điện thoại.
Đến bây giờ việc tuyên truyền, hướng dẫn du khách ăn mặc lịch sự khi đến các nơi tôn nghiêm như chùa Linh Ứng Bãi Bụt thực hiện trong những ngày qua, dù muộn, nhưng rất được sự đồng lòng của người dân. Mong sao, tất cả những ngôi chùa, dù lớn hay nhỏ, luôn là nơi để mỗi người dân biết chọn một trang phục phù hợp với chốn trang nghiêm.
HOÀNG LÊ