Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình.
Sự yêu thương, sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình chính là yếu tố quyết định trong xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình.(Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: T.T |
Mai một nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống
Những năm gần đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài tư vấn bình quân 100 trường hợp/năm, với các nội dung như bạo lực gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, tư vấn đất đai... nhưng nhiều nhất là bạo lực gia đình, ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân.
Khách hàng đến Trung tâm phần lớn tập trung ở độ tuổi 25 – 45; với việc nhờ tư vấn do rơi vào bế tắc, khủng hoảng trong việc giải quyết vấn đề của mình, đặc biệt, kể cả những vấn đề hết sức thầm kín.
Thống kê của Tòa án Nhân dân thành phố cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Tòa án thụ lý, giải quyết trên dưới 100 vụ việc hôn nhân và gia đình, cả sơ thẩm và phúc thẩm (hôn nhân có và không có yếu tố nước ngoài), trong đó, trên 90% là các vụ việc giải quyết yêu cầu ly hôn.
Đặc biệt, đối tượng có nhu cầu giải quyết các vấn đề hôn nhân ngày càng trẻ hóa, phổ biến ở các độ tuổi 25-45. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng trong hôn nhân phải kéo ra tòa phần lớn do khác biệt về tính tình, quan điểm, thái độ sống; do bạo lực gia đình; do một trong hai vợ chồng lún sâu vào các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, cá độ, ma túy…
Các số liệu trên có thể chỉ mới là “bề nổi”, song đã phản ánh phần nào những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống gia đình hiện đại. Theo luật sư Võ Văn Đáng (Văn phòng Luật sư Tân Hòa, Đà Nẵng), cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam.
Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều đặt ra nhiều mối quan tâm, lo lắng cho xã hội.
Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện mai một hoặc chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong giới trẻ. Lối sống ích kỷ, đặt “cái tôi” lên trên hết của các thành viên trong gia đình khiến hạnh phúc, nề nếp gia đình trước nhiều nguy cơ.
Sự xâm nhập của nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang phá vỡ hạnh phúc, trật tự vốn có của nhiều gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Điều đáng nói, theo nhận định của những chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực gia đình, trước khi bàn đến hai chữ “văn hóa”, cần quan tâm một thực tế “rất thực” là tình trạng bạo lực trong gia đình (BLGĐ) có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng chưa có cuộc khảo sát, thống kê hay công trình nghiên cứu bài bản nào về các số liệu liên quan đến BLGĐ để đề xuất những giải pháp căn cơ.
Các vụ BLGĐ thống kê được đến thời điểm hiện tại chỉ là những vụ bị các cấp chính quyền phát hiện đưa ra xử lý và so với thực tế, còn quá khiêm tốn.
Yêu thương và chia sẻ
Trao đổi về vấn đề xây dựng hạnh phúc, văn hóa gia đình, bà Nguyễn Thị Nga, Phó phòng Nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao cũng cho rằng, cần giải quyết triệt để vấn đề BLGĐ và tuyên truyền giữ gìn nếp sống gia đình truyền thống tốt đẹp.
Nhiều năm qua, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều hoạt động tích cực, thể hiện sự nỗ lực trong vấn đề này như tập huấn, tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu; biên soạn, in ấn tài liệu; xây dựng pano tuyên truyền; truyền thông tại cộng đồng; sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ... cùng nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức, ngành, đoàn thể liên quan với nhiều hoạt động thiết thực khác.
Tuy nhiên, theo bà Nga, để bảo vệ hạnh phúc, xây dựng văn hóa gia đình, yếu tố quan trọng nhất, không ai khác chính là những thành viên trong gia đình. Ông bà, cha mẹ, người lớn phải nêu gương, bao dung, cảm thông, các thành viên không ngừng yêu thương, chia sẻ.
Thứ đến, phải xây dựng một cộng đồng tốt đẹp, đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau, bởi sự tác động của “người ngoài” đôi khi rất quan trọng. Và sau cùng, tất nhiên không thể bỏ qua các hoạt động tuyên truyền ngày càng đổi mới đa dạng về hình thức, thiết thực về nội dung, nhiều yếu tố cùng góp sức, nhất định sẽ tạo nên một tác dụng cộng hưởng to lớn.
Lý giải về việc đã đặt hai cụm từ “hạnh phúc” và “văn hóa gia đình” cùng nhau trong suốt cuộc trao đổi, cán bộ văn hóa, chuyên gia tư vấn gia đình tâm huyết Nguyễn Thị Nga cho rằng, bởi đây là hai yếu tố không thể tách rời: Một gia đình không hạnh phúc thì không thể bàn đến văn hóa và ngược lại, xây dựng văn hóa gia đình dẫu sao thì đích cuối cùng cũng chính là hạnh phúc!
Trong 7 năm (2009-2016), trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 189 lớp tập huấn thu hút 12.831 nguời tham gia; hơn 50 hội thi, tọa đàm, giao lưu về PCBLGĐ và có nội dung lồng ghép về PCBLGĐ với hơn 30.000 lượt người tham gia; biên soạn, in ấn 6.000 cuốn tài liệu về các văn bản chỉ đạo công tác gia đình và sách Hỏi đáp Luật PCBLGĐ, 50.500 tờ rơi, 7.000 sổ tay tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ phân phát đến cơ sở; xây dựng 150 tấm pano tuyên truyền về PCBLGĐ, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; tổ chức các cuộc Hội thảo về “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam” và “Bình đẳng giới”; truyền thông PCBLGĐ tại cộng đồng 4.207 buổi với 316.673 người tham gia; tuyên truyền PCBLGĐ qua hơn 2.000 buổi sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ với hơn 127.342 lượt người tham gia... (Nguồn: Sở Văn hóa – Thể thao) |
THANH TÂN