Hiện nay, đời sống của đồng bào miền núi các xã Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phát triển mọi mặt, trong đó có cả chuyện sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, mức sinh, chất lượng dân số vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Người dân tham gia Hội thi “Gia đình hội viên Hội Phụ nữ Hòa Phú thực hiện chương trình thành phố 4 an”. Ảnh: Q.T |
Thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) có 129 hộ dân, đa số là người dân tộc Cơ tu, 25 hộ thuộc diện hộ nghèo. Người dân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp và các công việc thời vụ khác nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có từ 3 con trở lên khiến cuộc sống càng vất vả hơn.
Theo thống kê năm 2016, xã Hòa Phú có 29 trẻ chào đời, trong đó có 2 trường hợp sinh con thứ 3. Gia đình Anh Trần Văn Việt (người Cơ tu, sinh năm 1978 và vợ Nguyễn Thị Lệ, sinh năm 1984) có tới 4 người con, trong đó 1 cặp sinh đôi. Để các con có đủ cơm ăn, áo mặc, anh chị phải xoay xở đủ nghề: làm ruộng, đi rừng, làm thuê mướn..., làm lụng luôn tay chân mà hoàn cảnh gia đình vẫn không cải thiện là bao. Khi được hỏi giờ có định sinh con nữa không, chị Lệ bẽn lẽn: “Em đi đình sản luôn rồi. Chứ sinh nữa lấy gì mà ăn”.
So ra, cuộc sống của người dân Phú Túc vẫn “khấm khá” hơn nhiều so với 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Tà Lang hiện có 119 hộ (48 hộ nghèo); Giàn Bí có 129 hộ (45 hộ nghèo). Các gia đình đông con vẫn chiếm số lượng rất lớn. Cũng trong năm 2016, tại hai thôn này có 11 ca sinh, trong đó có 2 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm một nửa trong tổng số 4 ca sinh con thứ 3/56 ca sinh trong năm của toàn xã.
Chị Trần Thị Na (thôn Giàn Bí) mới 33 tuổi nhưng đã có 5 đứa con. Cuộc sống quẩn quanh với việc kiếm miếng ăn hằng ngày khiến những đứa trẻ ở các gia đình đông con này hầu hết không được đến trường mẫu giáo, cứ đứa lớn giữ đứa nhỏ. Hai vợ chồng chị cũng phải thay phiên nhau người đi làm, người ở nhà trông con nên cái nghèo cứ đeo đuổi mãi.
Có một thực tế, những người sinh con thứ 3 trên địa bàn hai xã miền núi này lại rơi vào các gia đình công chức, nhất là đối tượng giáo viên. Điển hình như trong năm 2016, hầu hết các trường hợp sinh con thứ 3 đều là giáo viên. Sự việc này có ảnh hưởng xấu đến công tác tuyên truyền mà ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) đã làm trong những năm qua. Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, để hạn chế tình trạng này cần có biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn. Hiện tại, khi cán bộ công chức sinh 3, cá nhân họ nhận mức phạt rất nhẹ, chế tài chỉ “đánh” vào tập thể (tập thể nào có cán bộ sinh 3 thì năm đó sẽ không đạt tập thể trong sạch, vững mạnh-PV). Bà Lý đề xuất tăng mức phạt với những cán bộ cố tình vi phạm. Cụ thể, lãnh đạo có con thứ 3 sẽ bị giáng chức, cán bộ viên chức sẽ đưa vào diện tinh giản biên chế. Có như vậy, mới làm gương cho dân được.
Trước đây, hầu hết các bà mẹ người Cơ tu sinh con tại nhà, vừa sinh con xong thì ra suối tắm… rất phổ biến. Hiện tại, 100% phụ nữ mang thai sinh con tại bệnh viện đa khoa huyện (mỗi năm chỉ một vài trường hợp sinh tại trạm y tế xã); 95% thai phụ đến thăm khám thai định kỳ tại trạm y tế. Ngoài ra, công tác chăm sóc bà mẹ - trẻ em được chú trọng. Chị Hồ Thị Kim Tuyền, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hòa Bắc chia sẻ, trước đây công tác dân số gặp nhiều khó khăn không chỉ ở trình độ dân trí bà con còn thấp, vẫn tồn tại các phong tục lạc hậu, mà còn ở đường sá đi lại hết sức khó khăn. May mắn là xã tập hợp được đội ngũ cộng tác viên dân số tâm huyết, chịu khó. Họ đến nhà dân tuyên truyền theo lối tâm tình như chị em cùng xóm. Các chị không chỉ tuyên truyền với phụ nữ mà tuyên truyền cho cả những người đàn ông, người lớn tuổi trong gia đình, những người giữ quan niệm phải đông con cháu, phải có con nối dõi tông đường. Tuyên truyền mộc mạc, lồng ghép với các hoạt động xây dựng gia đình kiểu mẫu, duy trì các câu lạc bộ không sinh con thứ 3... đã góp phần làm cho công tác dân số ở 2 xã miền núi huyện Hòa Vang đạt hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, ngành dân số đang đối mặt với thách thức mới. Trưởng trạm y tế xã Hòa Phú, bác sĩ Lê Lai cho biết từ trước đến nay, bà con được sử dụng miễn phí các biện pháp tránh thai (BPTT) (triệt sản, đặt vòng, bao cao su…) nhưng sắp tới, tất cả các BPTT đều được xã hội hóa, tức là người dân phải tự bỏ tiền ra mua dịch vụ. Đối với các trường hợp đình sản, cán bộ/CTV dân số phải mất rất nhiều công sức tiếp cận đối tượng, từ vợ/chồng, đến cha mẹ, thậm chí cả toàn thể gia tộc. Có trường hợp phải vận động hơn 10 lần đối tượng mới đồng ý đi triệt sản, nhưng đến ngày đi thực hiện lại không đến. Nếu sắp tới tất cả đều xã hội hóa thì e rằng không tránh khỏi nguy cơ tăng dân số.
Đồng quan điểm với bác sĩ Lai, chị Hồ Thị Kim Tuyền cho biết, Hòa Bắc có 7 thôn, trong đó chị em ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí được sử dụng miễn phí hoàn toàn các BPTT. Họ đã quen với sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nếu bây giờ cắt đi nguồn viện trợ này, họ sẽ khó thích nghi được. Thêm vào đó, cuộc sống của người dân tại xã miền núi này còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, không ổn định, việc hằng tháng phải bỏ tiền túi ra mua các khoản dịch vụ này sẽ tăng thêm gánh nặng cho họ. Công tác tuyên truyền, vận động dân số cũng vì thế càng khó khăn hơn.
QUỲNH TRANG