Dân số thành phố Đà Nẵng năm 2011 có 946.000 người, đến năm 2014 tăng lên 1.008.000 người, đến năm 2015 khoảng 1.022.172 người, đạt chỉ tiêu quy mô dân số ≤ 1,2 triệu người. Tuy Đà Nẵng đã kiểm soát tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1% nhưng vẫn chưa kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Một trong những nội dung Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng tuyên truyền kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên là không “trọng nam khinh nữ”. (Ảnh do đơn vị cung cấp) |
Theo BS Lê Văn Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân
số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố Đà Nẵng, công tác DS-KHHGĐ ở Đà Nẵng trong những năm qua luôn được thành phố quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác DS-KHHGĐ; có những chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ và quyết liệt, phù hợp với tình hình điều kiện thực tế tại địa phương; sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
BS Huệ cho biết thêm, từ năm 2012 Đà Nẵng là một trong các tỉnh/thành phố thực hiện mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND quận/huyện; đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở các trung tâm được biệt phái về công tác tại UBND các xã/phường. Năm 2013, theo chỉ đạo của UBND thành phố, lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ đã được kiện toàn và trở thành cộng tác viên Dân số - Sức khỏe cộng đồng, hằng tháng được hỗ trợ 0,2 lần lương cơ bản/người.
Ngoài nguồn kinh phí chương trình mục tiêu của Trung ương giao hằng năm, ngân sách thành phố, quận/huyện, xã/phường cũng đã hỗ trợ bổ sung góp phần giúp ngành chủ động tích cực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Từ đó, nhiều mô hình truyền thông được xây dựng và triển khai phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Quy mô gia đình nhỏ, ít con ngày càng được đông đảo các tầng lớp nhân dân chấp nhận, thực hiện.
Tuy Đà Nẵng đã từng bước cải thiện chất lượng dân số, kiểm soát tốc độ tăng dân số tự nhiên ở mức 1% nhưng vẫn chưa kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).
Từ năm 2014, nhằm tăng cường kiểm soát MCBGTKS, Sở Y tế Đà Nẵng đã đưa công tác duy trì tỷ số giới tính khi sinh dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 của ngành. Nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện nhằm tuyên truyền sâu rộng công tác này như: xây dựng và phát sóng phóng sự truyền hình về quy định việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính; các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế đều có treo áp-phích “Không lựa chọn giới tính thai nhi”...
Thời gian gần đây, rất nhiều kênh thông tin hướng dẫn cách sinh con và lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn. Đây là việc làm bị nghiêm cấm, vi phạm pháp luật về chính sách dân số và là một trong những nguyên nhân của tình trạng MCBGTKS.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai trong việc thực hiện các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; kiểm tra, giám sát các cơ sở xuất bản, kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm trong việc thực hiện các quy định nghiêm cấm tuyên truyền phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi trên địa bàn thành phố.
Những việc làm tích cực của ngành Y tế đã tạo được trong xã hội một nhận thức nhất định về những hệ lụy phát sinh từ việc MCBGTKS và từ đó có những điều chỉnh tích cực. Theo số liệu của Chi cục DS-KHHGĐ thành phố, năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh ở Đà Nẵng là 107,1 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Năm 2016, Đà Nẵng đã kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới 0,3% với tổng số trẻ em sinh ra là 13.611 trẻ, trong đó 7.023 bé trai/6.588 bé gái (tỷ số giới tính khi sinh tương đương 106,6 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái).
Nhằm giảm tốc độ gia tăng, bảo đảm cân bằng tỷ số giới tính, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng dân số và các vấn đề an sinh xã hội liên quan, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí dự kiến trên 6,6 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
Khi nghiên cứu các nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng như hiện nay, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, Phụ nữ LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ, Quỹ Dân số và Nhân quyền LHQ đã khẳng định: “Nơi nào không có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” thì dù ở đó sẵn có các công nghệ tiên tiến để phát hiện giới tính thai nhi cũng sẽ không ai sử dụng. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng không xảy ra”. Vì thế, xét cho cùng, nỗ lực giảm MCBGTKS chỉ có thể thành công khi có sự chung tay, góp sức của cộng đồng và sự vào cuộc của chính phủ.
Chất lượng dân số của Đà Nẵng từng bước được cải thiện rõ rệt: Tuổi thọ bình quân của người dân là 75,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân chung toàn quốc. Đây là một giá trị lớn và rất có ý nghĩa, cho thấy các điều kiện sống, sức khỏe, môi trường của Đà Nẵng đã có nhiều tiến bộ trong những năm qua. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 17,9% (năm 2005) xuống còn 4,6% (năm 2014). Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 13,2‰ (năm 2005) xuống còn 7,13‰ (năm 2014). Tỷ suất chết mẹ có mức giảm khá lớn, từ 31,61/100.000 ca sinh (năm 2005) giảm xuống chỉ còn ở mức 7,43/100.000 ca sinh (năm 2008); từ năm 2009 đến nay không có trường hợp chết mẹ do thai sản. Nguồn: Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ