Chiếc cầu nối trực tiếp giữa chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu với người dân chính là những cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng (gọi tắt là CTV dân số). Thù lao không đáng kể, nhiệm vụ nặng nề, song, họ vẫn nhiệt tâm góp sức để cộng đồng có một cuộc sống chất lượng hơn. Nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân của người CTV dân số.
Cộng tác viên dân số Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đang tư vấn tiền hôn nhân cho một bạn trẻ. Ảnh: T.T |
“Không tâm huyết không làm được”
Bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (68 tuổi) – CTV dân số phụ trách địa bàn các tổ 44, 45, 48, 49, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) đã đúc rút như thế sau gần 20 năm đảm nhận công tác này. Theo bà Quỳnh, so với trước đây, bây giờ công tác vận động người dân thực hiện các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch dễ dàng hơn, nhất là tại địa bàn trung tâm thành phố như phường Hải Châu 1.
Tuy nhiên, thách thức mới của công tác dân số nói chung cũng như những CTV dân số như bà Quỳnh chính là công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh tuyên truyền, vận động về dân số-kế hoạch hóa gia đình, CTV dân số phải theo dõi tình hình sức khỏe chung của khu vực dân cư phụ trách, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý biến động dân số, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến từng hộ gia đình. Khi chủ trương từ trên chuyển dần sang xã hội hóa các biện pháp tránh thai cũng do CTV đi tuyên truyền là chính.
Tuyên truyền vận động khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở trẻ, phòng chống trẻ suy dinh dưỡng, đưa giấy mời tiêm chủng… đều là nhiệm vụ của CTV dân số. Thù lao không đáng kể, nhiệm vụ nặng nề, nếu không tâm huyết, khó lòng kham nổi. Là CTV dân số, bà Quỳnh sẵn sàng chia sẻ những kiến thức phổ quát, mới nhất về dân số, sức khỏe sinh sản đồng thời là người lắng nghe những tâm sự thầm kín của chị em.
Có trường hợp sinh viên tạm trú tại địa bàn dính bầu, bà Quỳnh cũng chính là người đến an ủi, động viên, tìm giải pháp, trăn trở cho đến khi đôi trẻ và hai bên gia đình chịu tổ chức lễ cưới, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Theo bà, đó chính là niềm vui, hạnh phúc của những CTV dân số.
Người có thâm niên làm công tác CTV dân số vào hàng nhất nhì tại phường Mân Thái, cũng như thành phố - ông Ngô Văn Cồn (64 tuổi) đã đến với công việc “vác tù và” này ngót 30 năm. Vốn là một ngư dân quanh năm chỉ biết sóng, gió, nhưng rồi bị cán bộ phường “dụ” đi làm công tác xã hội, “chứ đi biển hoài không chán hay sao”, ông Cồn đồng ý làm CTV dân số, kiêm tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban bảo vệ khu dân cư cho đến bây giờ.
Nhớ lại cách đây chừng hơn 15 năm, tại khu dân cư ông phụ trách phần lớn đều là dân biển, chuyện mỗi gia đình sinh 7-8 người con, thậm chí sinh nhiều hơn không có gì là lạ, nhưng bây giờ, chỉ sinh ba thôi cũng hiếm. Bí quyết vận động bà con của CTV Ngô Văn Cồn là “mưa dầm thấm đất”, là thân thiện, gần gũi, gắn bó với người dân.
Ngoài ra, cần linh động về phương pháp tiếp cận, tuyên truyền, cương nhu đúng lúc. Chẳng hạn, với những cặp vợ chồng, gặp người vợ khó, phải tìm cách tiếp cận ông chồng. Ngày này không được qua ngày khác, thậm chí hàng tháng trời. Và theo ông Cồn, đến nhà dân tuyên truyền không phải là cứ nói ngay chuyện sinh đẻ, khuyên can họ này nọ, “vậy họ ghét”, phải bắt đầu những câu chuyện vui, từ xa đến gần.
Thường ông Cồn sẽ mở đầu bằng việc hỏi han chuyện làm ăn, nhu cầu vay vốn, từ kinh tế mới sang chuyện sinh đẻ… Dù nhận thức của người dân đã đổi thay nhiều, song, theo ông Cồn, việc khó nhất đối với những CTV dân số có lẽ là vận động người dân triệt sản.
Thường những ông chồng dù phương pháp triệt sản đơn giản hơn nhưng không chịu làm, các bà vợ nghe thông tin thất thiệt rằng triệt sản sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tâm sinh lý nên dù muốn vẫn e dè. Thực tế, triệt sản đối với nam hay nữ giới đều không ảnh hưởng gì cho người thực hiện, thậm chí tinh thần thư thái vì không còn lo lắng việc có thai ngoài ý muốn, sức khỏe còn tốt hơn, CTV Ngô Văn Cồn khẳng định.
Mỗi ngày, ngoài việc đến nhà dân vận động, tuyên truyền, tối đến, CTV Ngô Văn Cồn bận rộn với rất nhiều loại sổ sách theo dõi tình hình dân số, sức khỏe sinh sản trên địa bàn phụ trách.Ảnh: T.T |
Không đòi hỏi quyền lợi
Năm 2006, sau khi nghỉ việc ca trưởng tại một công ty giày da, vốn tính tình vui vẻ, hoạt bát, chị Mai Thị Hai (tổ 31A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) được Bí thư Chi bộ khu dân cư, cán bộ phường giới thiệu làm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ phó tổ dân phố. Sau hai năm quen địa bàn, chị lại được địa phương tín nhiệm giao luôn nhiệm vụ CTV dân số, bởi “phải người sát dân, gần dân mới làm được công tác này, không làm thì phí!” – chị Mai nhắc lại lời cán bộ làm công tác dân số phường khi đó.
Dù đã thông thuộc địa bàn, song, thời gian đầu không hề dễ dàng với chị Mai. Nhưng rồi làm riết cũng quen, cùng những vui buồn của công việc cứ dần ngấm vào máu, khiến chị dù nhiều lần có ý định xin nghỉ để theo đuổi đam mê nấu ăn (chị Mai có bằng nấu ăn chuyên nghiệp, được nhiều nhà hàng, khách sạn mời về làm việc - PV), nhưng 5 năm nay vẫn không dứt ra được. “Làm công tác dân số này, chữ tình nặng lắm, chứ tính thu nhập, chăm chắm quyền lợi thì không làm được…”.
Điểm chung mà các CTV dân số chúng tôi đã gặp là sự niềm nở, thân thiện, chân tình. Nếu người viết không chủ động hỏi về khoản phụ cấp hằng tháng của họ thì tuyệt nhiên không ai nhắc đến. Thậm chí, có người còn bỏ tiền túi mua phương tiện tránh thai tặng cho người nghèo khi cần.
Họ chỉ say sưa kể về hành trình “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đem những chính sách, kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe đến với cộng đồng. Hay chỉ là những trăn trở làm sao để cộng đồng dân cư nơi họ sống có cuộc sống chất lượng hơn. Và mỗi ngày miệt mài với công tác dân số, họ thấy hạnh phúc trên hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống.
Từ đầu năm 2013 UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương sử dụng lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ để làm CTV dân số - sức khỏe cộng đồng với chức năng vừa thực hiện nhiệm vụ DS-KHHGĐ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh. Theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, hiện toàn thành phố có 1.843 CTV dân số rải đều khắp các quận, huyện. Gắn với thách thức mới trong công tác dân số là nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe cộng đồng, CTV dân số có trách nhiệm tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp phương tiện tránh thai… CTV dân số làm việc hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không lương, chế độ thù lao hằng tháng theo chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương là 100 nghìn đồng/tháng/người. Riêng Đà Nẵng, mỗi CTV dân số được trợ cấp thêm mỗi tháng 260 ngàn đồng (0,2% mức lương tối thiểu), như vậy, tổng cộng mỗi tháng mỗi CTV dân số ở Đà Nẵng được hưởng mức phụ cấp chưa đến 400 ngàn đồng/người/tháng. |
THANH TÂN