Tại một lớp học kỹ năng mềm dành cho công chức, giáo viên đặt ra tình huống: Có năm người vừa mới quen biết nhau được phân công cùng thực hiện một nhiệm vụ. Làm thế nào để tổ chức thành một nhóm làm việc tốt?
Sau gần 10 phút thảo luận sôi nổi, các học viên bắt đầu trình bày ý kiến. Một học viên nói: “Theo tôi, nên để mỗi người tự giới thiệu xem họ là ai, công tác ở vị trí nào, có sở trường gì… Dựa theo đó, mỗi người trong nhóm có thể tự phân công vai trò cho nhau theo cách phù hợp với nhiệm vụ được giao nhất”. Giáo viên nghe xong liền bảo: “Vậy chị đang nói đến mô hình không trưởng nhóm đúng không? Tại sao chị chọn mô hình này?”. Học viên chưa kịp trả lời, giáo viên nói tiếp: “Các anh chị thấy chưa? Chuyện này đâu phải đơn giản”.
Một cánh tay khác đưa lên. “Thưa thầy, chúng ta cũng có thể căn cứ vào nguyện vọng của các thành viên để bố trí vai trò ban đầu cho phù hợp. Sau khi nhóm hoạt động một thời gian, có thể tự điều chỉnh…”. Học viên này cũng chưa nói dứt câu, giáo viên “thẳng thừng”: “Vậy anh định để công việc của nhóm trong giai đoạn đầu bị “cọc cạch” vì vai trò các thành viên chưa phù hợp hay sao? Không ổn”.
Không khí lớp học trầm hẳn. Có vẻ chẳng ai còn muốn nêu ý kiến nữa. Một người nói nhỏ: “Chắc là thầy muốn tạo không khí phản biện”.Người khác thầm thì đáp lời: “Nhưng thầy không ghi nhận ý kiến của ai cả. Ít ra cũng phải ghi nhận rồi từ từ phân tích chứ nhỉ?”. Ngay sau đó, phần thuyết giảng của giáo viên chẳng còn được chú ý lắng nghe như trước, bởi các học viên còn đang bận… thầm thì bày tỏ ý kiến với nhau.
Trong khi đó, tại lớp tập huấn Phóng sự điều tra do Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức, học viên rất thích thú với sự giảng dạy của Phó Giáo sư Deborah Nelson, giảng viên trường Đại học Báo chí Philip Meril (Đại học Maryland), nhà báo từng đạt giải Pulitzer.
Bắt đầu buổi học, thay vì đề cập về nội dung bài giảng, Phó Giáo sư Deborah Nelson lại hỏi học viên về những nội dung mà họ mong muốn được tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ. Nhận thấy sự e ngại từ phía học viên, nữ nhà báo Mỹ vội cười xòa, thắc mắc câu hỏi của mình liệu có thiếu sót và xin phép được đổi thành câu hỏi khác cụ thể hơn. Để khích lệ học viên, Phó Giáo sư Deborah Nelson nhấn mạnh, bà đến lớp học không phải để giảng dạy mà là để chia sẻ kinh nghiệm của mình và học hỏi từ đồng nghiệp. Do đó, bà mong mỏi được nghe nhiều hơn về những câu chuyện tác nghiệp thực tế của học viên. Nhờ sự chân thành của người thầy, lớp học sau đó đã diễn ra sôi nổi và buổi học nào cũng kết thúc quá thời gian quy định vì những cánh tay xin phát biểu nối dài không ngừng.
Có thể nói, trong 3 ngày giảng dạy, học viên luôn nhìn thấy ở nữ nhà báo Mỹ thái độ nghiêm túc lắng nghe, sự cầu thị và tôn trọng người học. Khi có sự xung đột trong quan điểm giữa người dạy và người học, Phó Giáo sư Deborah Nelson không cố gắng chứng minh bản thân mình đúng mà nhiệt tình trao đổi bằng những câu hỏi. Phó Giáo sư Deborah Nelson nhận định không có một chuẩn mực duy nhất cũng như không có câu trả lời đúng hay sai; quan trọng là mỗi người phải tự tranh cãi một cách nghiêm túc với bản thân, với đồng nghiệp để thống nhất về điều mình sẽ làm.
Bên cạnh đó, trong các buổi học, những phát biểu và chia sẻ của học viên luôn được nhà báo Thomas Brune, phóng viên thường trú tờ Newsday tại Washington D.C, chồng của Phó Giáo sư Deborah Nelson cần mẫn ghi chép lại một cách cẩn thận, cặn kẽ. Và họ nhiều lần trịnh trọng xin phép được sử dụng những ý kiến, câu chuyện của học viên để tập hợp thành các bảng thông tin/quy tắc treo tại nơi họ làm việc.
Trong cuộc sống có câu “nói là gieo, nghe là gặt” nhằm đề cao vai trò của sự lắng nghe trong giao tiếp. Và quá trình dạy học đòi hỏi rất cao sự giao tiếp; trong đó, lắng nghe là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Rõ ràng, hai câu chuyện trái ngược ở hai lớp học là minh chứng rõ nét cho giá trị của sự lắng nghe. Tuy nhiên, việc thầy trò cùng nhau tranh luận trên tinh thần tôn trọng, hòa nhã ở nước ta có lẽ vẫn chưa phổ biến. Đây là một điều đáng tiếc và thiệt thòi cho nền giáo dục của Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từng chia sẻ: “Tôn sư trọng đạo” là chữ hiếu của học trò nhưng tôn thầy như thánh nhân, là chân lý và luôn luôn đúng thì giáo dục sẽ chỉ còn là một chiều”. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, nền giáo dục của Việt Nam sẽ đa chiều, khách quan và mang tính phản biện cao. Để làm được điều này, thiết nghĩ chúng ta cần nghĩ thoáng hơn về quan niệm “tôn sư trọng đạo” và đề cao giá trị của lắng nghe…
TRÂM KHA