Phương hay Thuốc quý

Thuốc trúng - Rau phong luân nhỏ

.

“Em biết chứ chả ai lơ đãng cả/ Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng/ Mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói/ Mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng”. Mấy câu thơ của Nguyễn Duy về cái sự “đi vòng” trong tình yêu không hiểu sao cứ lãng đãng theo tôi trong hành trình đi tìm cây thuốc. Vốn là thầy lang mù tịt về thực vật học, nên để nhận chân được một cây thuốc, nhiều khi tôi phải “đi vòng” mất hàng năm trời.

Thuốc trúng hay Rau phong luân nhỏ - Clinopolium gracile . Ảnh: P.C.T
Thuốc trúng hay Rau phong luân nhỏ - Clinopolium gracile . Ảnh: P.C.T

Cách đây 4-5 năm có một bệnh nhân mang đến Tuệ Tĩnh Đường Hòa Nam (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) một nắm cây lá gọi là “Thuốc trúng” và cho biết chữa các bệnh trúng nắng, trúng nước, ho sốt, ỉa chảy… đều hay. Tôi đã chụp ảnh và hỏi nhiều người khác ở quê tôi, đều xác nhận tên gọi và  kinh nghiệm dùng thuốc như vậy. Tuy nhiên, tra cứu trên Google, thì chưa thấy ghi nhận nào về “cây Thuốc trúng”.

Năm ngoái, trong các đợt điều tra cây thuốc, tôi đã đem cây này ra hỏi một vài chuyên gia, có người nói có thể thuộc chi Râu mèo – Orthosiphon, nhưng tôi vẫn thấy ngờ ngợ.

Cách đây ba tháng, tôi lặn lội tìm đến nhà ông bệnh nhân cũ ở xóm Mít, xã Hòa Nhơn, không gặp ông nhưng bà vợ nghe tôi nói đã dẫn ra sau vườn chỉ mấy cây Thuốc trúng. Rất may là có vài cây đang mang quả. Tôi đã chụp ảnh và quyết định “treo” trên tường Facebook để “trưng cầu dân ý”, mong sớm định danh chính xác cây thuốc này.

Mãi đến 22 giờ tối thứ 5, 22-6 vừa rồi, bạn Trinh Quynh công tác ở Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng nhắn tin cho tôi biết có bạn Van Hieu Nguyen đang công tác tại Viện Thực vật Bắc Kinh, Trung Quốc đã đọc thông tin nói trên của tôi, vì chưa kết bạn với tôi nên nhắn tin cho Trinh Quynh biết nhận định “Cây này có thể gần với Clinopodium gracile (Rau phong luân nhỏ),…”.

Được lời như cởi tấm lòng, đối chiếu thêm nhiều tài liệu khác, tôi cho cây Thuốc trúng chính là Rau phong luân nhỏ.

Rau phong luân nhỏ, còn có tên Nạ tấu, Sơn húng, Tế phong luân thái (细风轮菜), Tiễn đao thảo (剪刀草), tên khoa học  Clinopolium gracile (Benth) Matsum (Calamintha graclis Benth), thuộc họ Hoa
môi - Lamiaceae.

Đây là cây thảo yếu, cao 8-30cm, mọc bò, có lông; thân gần như tròn. Lá có cuống; phiến xoan thon, mép có răng nhỏ, có ít lông, gân phụ 5-6 cặp. Xim có ở nách lá và ngọn nhánh với nhiều lông và lá bắc hẹp như kim, đài dài 6-7mm, ống gập, có 10 gân, có lông, 2 thùy dưới dài hơn; tràng hoa trắng hơi tía, cao 11mm, nhị 4, không thò. Quả bế nhỏ, nhẵn.  Hoa tháng 3-4.  

Loài của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia và Ấn Ðộ. Cây mọc dọc đường đi trong rừng thông ở Sapa (Lào Cai), Tràng Ðịnh (Lạng Sơn) và Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Thu hái toàn cây vào mùa hè và thu, rửa sạch dùng tươi hay phơi khô để dành.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Rau phong luân nhỏ vị cay, đắng, tính hơi lạnh; có tác dụng tán ứ giải độc, khư phong tán nhiệt, chỉ huyết. Dân gian thường dùng cây ngâm rượu uống chữa tê thấp. Ở Trung Quốc, cây được dùng làm thuốc trị: cảm mạo nhức đầu; trúng nắng, đau bụng, lỵ, viêm tuyến mang tai; sưng tuyến vú, sởi, mụn nhọt sưng đau; viêm da do dị ứng, mày đay; đòn ngã tổn thương. Liều dùng 15-60g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, giã cây tươi đắp hoặc nấu nước để rửa.

Dưới đây là một số bài thuốc dịch theo Trung dược đại từ điển.

- Trị cảm mạo đau đầu: Rau phong luân 12g, Gừng tươi 2 lát, Hành tươi 2 nhánh, sắc nước uống ngày 1 thang.

- Trị trúng nắng đau bụng: Rau phong luân 20g, Thanh mộc hương 8g. Sắc uống.

- Trị bệnh lỵ: Rau phong luân nhỏ 40g, sắc uống (phân nhầy máu hòa thêm đường trắng, phân nhầy mủ hòa thêm đường đỏ).

- Trị nhọt vú: Rau phong luân nhỏ 40g, đường đỏ 40g, chưng cách thủy uống. Lấy riêng 1 nắm tươi thêm đường đỏ giã nhuyễn đắp vú.

- Trị chấn thương: Rau phong luân tươi giã vắt nước pha rượu uống, đồng thời giã rau phong luân tươi với bã rượu đắp ngoài.

- Trị băng huyết do huyết nhiệt: Rau phong luân nhỏ 40g, Sinh địa 20g, Trắc bá diệp  20g, thêm đường kính sắc uống, ngày 2 lần.

- Trị mày đay, viêm da dị ứng: Rau phong luân lượng vừa đủ sắc nước tắm, rửa.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.