.

Bảo tồn làng biển

.

Nghề lưới gần bờ hình thành nên những làng biển đặc trưng ở Nam Ô (quận Liên Chiểu), Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), xa có Tân Trà (Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Những chiếc ghe đầu giờ tối nổ máy, sáng hôm sau chưa tỏ mặt người đã mang về những con cá, con mực tươi rói, mắt còn lấp lánh. Nghề làm nước mắm cũng từ đó mà thành. Vậy mà những năm qua, những làng biển này như bị “rút ruột”, khi các cao ốc, khu nghỉ mát mọc lên, bên cạnh những quyết định sống còn khác. Câu chuyện văn hóa miền biển gắn với đặc trưng nghề nghiệp, nếp sinh hoạt của các làng chài đang có nguy cơ mai một.

Những chiếc ghe đánh bắt gần bờ làm nên đặc trưng văn hóa các vùng biển Nam Ô, Mân Thái, Thọ Quang của Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Những chiếc ghe đánh bắt gần bờ làm nên đặc trưng văn hóa các vùng biển Nam Ô, Mân Thái, Thọ Quang của Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Hơi thở của biển

Đi biển từ hồi 16 tuổi, đến chừ được 43 năm, ông Phan Văn Hà (làng Tân An, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bảo rằng mình học nghề trên chiếc ghe của ông nội. Ở những làng biển này, những đứa con trai được truyền nghề, rồi lớn lên từng ngày giữa biển khơi, đều từ những chiếc thúng chai, những chiếc ghe máy. Sản vật của biển mang về, nuôi con cái lớn lên, lấy vợ gả chồng sinh con, từng vòng quay cuộc đời đều tựa hẳn vào biển.

Trong trí nhớ của anh Lê Văn Dũng (làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), từ hồi ông nội, đến cha, rồi đến lượt anh, cả gia đình luôn gắn với chiếc ghe máy như bao gia đình khác cùng làng. Anh nuôi 4 đứa con ăn học đàng hoàng cũng nhờ những chuyến biển mà “mùa đông chạy ghe ra đánh cỡ 2-3 tiếng cũng kiếm được ít nhất năm bảy trăm về nuôi con”.

Ông Huỳnh Văn Rô, vạn trưởng vạn nghề cá làng Tân Thái (phường Mân Thái) cho biết, hồi trước làng có nhiều ghe làm mành cơm, chuyên đánh cá cơm làm nước mắm, nhưng nay mành cơm gần như vắng bóng.

Thói quen làm nghề của ông bà từ xa xưa cũng “quyết” luôn nghề của con cháu sau này. Cạnh những hộ dân đi khơi trên những chiếc thuyền lớn, câu mực, đánh bắt những con cá to thì vùng ven biển, rất nhiều ngư dân đi lộng hay đánh cá cách bờ chừng năm hải lý là nhiều. Bởi thế cá gần bờ lớn cũng chỉ vài ký, nhưng con mực, con cá khi lên bờ mắt vẫn còn lấp lánh, vảy ánh bạc. Mà cũng hay, dân xứ biển chỉ thích ăn con cá, con mực mới rời biển vài giờ đồng hồ đó, mắc mấy cũng mua. Nên những rổ “cá đi ghe” lên chợ bao giờ cũng hết sớm.

Cũng nhờ được đánh giá chất lượng qua độ tươi ngon như vậy mà nhiều năm nay, chợ cá ven biển Thọ Quang đón những chiếc ghe trở về, họp khi chưa tỏ mặt người trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách khắp trong Nam ngoài Bắc. Hơi thở của biển như phả vào từng nét mặt. Người chụp ảnh chợ cá, tiện thể chụp luôn cảnh bình minh ló dạng trên mặt biển. Và những con cá mới rời thuyền lên bờ, được đóng trong hộp xốp chuyển luôn ra sân bay cho kịp chuyến bay sớm. Cứ thế, cá, mực “made in Danang” đã có thể hiện diện trên bàn ăn nhiều nhà ngay từ buổi trưa.

Câu chuyện văn hóa làng biển

Bây giờ muốn ra biển, ông Hai Luông phải băng qua một dãy nhà tầng san sát, qua con đường Trường Sa, qua mấy cái khu nghỉ dưỡng của “giới nhà giàu” như cách ông nói. Trước ông Hai ở làng biển Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đây là vùng biển bãi ngang, cá tôm không được nhiều nhưng được bù đắp về độ ngon ngọt. Hồi mới có một hai cái khu nghỉ mát, dân làng vẫn duy trì nghề câu cá, mực, vậy mà từ hồi giải tỏa, dời vào phía trong thì cũng hết nghề.

Bởi mấy ông già trên bảy chục như ông muốn ra biển phải vác theo một đống lưới, cần câu, sức đâu mà kham nổi. Cách đây 4 năm ông Hai còn đi câu, mà chừ đành nghỉ hẳn. “Nhớ nghề lắm mà cũng đành chịu. Cả làng giải tỏa, khu miếu thờ cũng không còn, chừ chỉ còn vài hộ bám nghề vì không biết làm chi khác. Một làng biển mà mất nghề, nghĩ cũng buồn…”, ông buông tiếng thở dài.

Làng Nam Ô nằm về phía nam chân đèo Hải Vân, trước mặt là biển, sau lưng là sông Cu Đê, lại được một ghềnh đá xanh ngắt cây rừng nguyên sinh che chắn ở phía biển bắc. Đứng ở Nam Ô có thể quan sát một phần bán đảo Sơn Trà và nhìn trọn vẹn vùng biển Đà Nẵng. Làng Nam Ô còn nhiều di tích Chăm, trong đó có 20 cái giếng vuông của người Chăm mà 4 cái trong đó vẫn còn sử dụng được. Nhưng làng chài Nam Ô, Xuân Dương đang phải nhường đất cho một dự án du lịch nghỉ dưỡng.

130 hộ ngư dân làm nghề đánh bắt bằng ghe nhỏ, thúng chai, có truyền thống đánh bắt ven bờ, sống bám theo nghề đánh cá, bắt hàu, hái mứt rồi có thể đứt nghề. 876 bộ hồ sơ di dời giải tỏa. Dân dời đi, ghe, thúng cũng xa nơi để ngư lưới cụ, trong khi với người miền biển, cái ghe cũng là nhà.

Cùng với chủ trương xả bản những ghe thúng dưới 20 CV, nghề làm nước mắm của làng Nam Ô qua nhiều năm gầy dựng thương hiệu đang đứng trước khó khăn trăm bề. Hiện còn nhiều ghe đi mành đánh bắt cá cơm, nguồn nguyên liệu làm nước mắm ở Nam Ô còn đáp ứng được 30-40% nguyên liệu. Nếu rớ, mành ít đi, cá không có thì giá thành để có được những chai mắm sẽ đội lên nhiều lần.

Mới đây thành phố đã cho giữ lại lăng Ông, dinh cô hồn ở làng Xuân Dương và sẽ di dời miếu Bà Liễu Hạnh về đây thành một quần thể. Nhưng quần thể văn hóa này sẽ trơ trọi giữa không gian không có dân ở quanh. Cái hồn vía của một làng biển rồi có mất đi giữa bao năm ấm áp khói hương ở lăng Ông của những con người ra với biển, từ biển trở về đều cúi đầu khi đi qua; lời ăn, tiếng nói cũng phải giữ gìn trước tâm linh.

Anh Phạm Trưng, cán bộ phụ trách văn hóa phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu nói như trấn an: Còn lăng thì dân còn đến! Đó là khi bà con còn sống với nghề biển. Chứ hết nghề dưới nước và cả trên bờ thì lấy ai còn quan tâm đến?

Cuối tháng 7-2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4991/QĐ-UBND về Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020. Theo đề án này, sẽ có 845 thuyền thúng, ghe (giải quyết việc làm cho ít nhất 1.500 lao động) công suất dưới 20CV hoạt động ven bờ sẽ xả bản; số lượng tàu vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20CV, sức chở tối đa 0,5 tấn trở xuống còn khoảng 150 tàu.

Hiện nay và sắp tới sẽ có 65 phương tiện xả bản với 170 lao động. Và trong một số dự án khác, có thể bến cá Thọ Quang sẽ không tồn tại. Giữa sự đẹp đẽ của những tòa nhà cao tầng, văn hóa làng biển cần được giữ gìn, vì đó chính là thứ đặc trưng, là duy nhất, là thứ không na ná nhau giữa làng biển này hay làng biển khác, khu du lịch này hay khu du lịch khác. Nhưng nghề biển – gắn với từng làng biển, mất đi, thì còn đâu là văn hóa đặc trưng, là thứ mà du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến để khám phá, tìm hiểu sự khác biệt, trong khi sự hiện đại thì ta cũng không thể bằng người.

Nhớ đến những ước mong, có phần khắc khoải của một số người làm du lịch có tâm huyết. Mong rằng trong việc khai thác di tích, hay tạo ra sản phẩm du lịch, có những “món” đặc trưng, đó chỉ có thể là văn hóa, là bản sắc địa phương mới làm nên cái khác biệt, để khách không kéo nhau đi Hội An, hay ra Huế chỉ vì ở đó bản sắc được giữ gìn trọn vẹn.

Mai này, nếu lớp  trẻ quay lưng

Giữ chức vạn trưởng vạn nghề cá làng Tân Thái được 9 năm, điều ông Huỳnh Văn Rô trăn trở nhất, đó là làng còn 30% dân làm nghề biển với trên 120 ghe, thúng máy; nhưng “lớp tui còn làm nghề, còn yêu biển, còn gom góp xây lăng, còn quan tâm đến tâm linh cha ông, còn phụng thờ đức Ngư ông (cá Ông), chứ giới trẻ không làm biển thì làm răng mà phụng thờ”. Ngoài chuyện tâm linh, hồi trước còn nhiều ghe làm mành cơm thì làng Tân An, Tân Thái còn nghề làm nước mắm, cả chục hộ với hàng trăm cái lu lớn, nhỏ. Chừ chỉ còn duy nhất một hộ làm nghề.

Cấm ghe, thúng công suất nhỏ khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ những đàn cá vào mùa đẻ trứng. Nhưng theo các ngư dân, biển với hệ sinh thái đa dạng, loài nào ở tầng nước của loài ấy, ở ven bờ, vùng lộng hay vùng khơi đều có sự khác nhau.

Nếu đặt vấn đề thay đổi mắt lưới để ngư dân đánh cá to, chừa cá bé lại cho kịp lớn thì vẫn hợp lý hơn là chuyện cấm tiệt phương tiện hành nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay. Chưa hết, trong khi Đà Nẵng cấm phương tiện của mình, thì ngay trong vùng biển này, hiện có chừng 40-50 ghe máy từ Điện Dương (Điện Bàn), Hội An (Quảng Nam) hiện diện đánh bắt cá.

Theo ông Rô thì họ dùng đèn cao áp công suất lớn để đánh cá: “Với loại đèn này chỉ nửa cá vô lưới, còn quá nửa cá gặp đèn sẽ nổ mắt mà chết. Và mỗi ngày bọn tui chỉ đánh 1 giác (mẻ lưới) thì mỗi ngày họ đánh 4-5 giác lưới, đầy thuyền thì vô bờ cho vợ con bán rồi ra đánh tiếp. Cạn kiệt thủy sản là ở đó mà không thấy tàu cơ quan chức năng của mình ra xem sao”.

Thành phố vẫn khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi xa, để vừa làm kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Nhưng những làng chài nhỏ, những ngư dân đánh bắt ven bờ, những người đang chờ đón những ghe cá cơm để ủ làm nước mắm; những bộ xương cá Ông vẫn đang được ngư dân giữ gìn qua bao năm tháng trong Lăng, những lễ hội cầu ngư, lễ tế thu hằng năm, những lễ hội có tiếng hò khoan, có đua ghe, lắc thúng… đang giúp gìn giữ một phần văn hóa biển - cho người vùng biển Đà Nẵng có một văn hóa bản lề, trong giọng nói, trong cách sống, để đi đâu cũng nhớ về.

Nếu một bãi biển không còn bóng thuyền nan, không còn người vác lưới, không còn những người vợ đón chồng trên bãi rồi đón nghe tiếng gió, tiếng sóng mà đoán định con nước mấy ngày tới thế nào giữa mùa gió chướng, chờ chồng về trong khắc khoải âu lo, thì những câu chuyện văn hóa miền biển chắc sẽ lùi dần rồi mất hẳn trong quá khứ.

Những làng biển còn sực nức mùi cá tôm, còn láng giềng cùng nghề, còn cùng nhau phơi cá, tép khô những lúc rộ mùa, còn vá lưới, còn bàn chuyện giúp nhau kéo ghe lên bờ khi có cơn bão ngoài khơi. Nhà nào cũng giống nhà nào như thế, thì trong quy hoạch của thành phố chưa thấy việc định hướng, giữ gìn. Văn hóa là thứ cần giữ nguyên bản sắc khi nó tồn tại chứ không phải chờ mất đi, chờ dân quay lưng với nghề mới khơi gợi để giữ nó.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.