.

Đội hát Bả trạo Mân Thái

.

Năm Tự Đức thứ ba (1850), trong một lần họp ở đình Tân Thái, nay thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, các vị giỏi chữ Hán trong làng nhận thấy người làng mình hầu hết làm nghề biển mà chưa lập được một đội hát Bả trạo như các làng ven biển khác. Thế là mỗi người góp đôi ba câu mà thành bài chèo, sau đó tập luyện rồi đưa vào hát ở lễ Cầu ngư ở làng được tổ chức hằng năm vào ngày 26-1 âm lịch.

Ông Phạm Văn Đủ bây giờ (ảnh trái) và trong vai tổng Mũi (hàng đầu, giữa) của đội hát Bả trạo Mân Thái (ảnh phải) thời hoàng kim trên bìa cuốn “Hát Bả trạo” (NXB Sân khấu, Hà Nội, 2010) của nhạc sĩ Trần Hồng. Ảnh: V.P.Q
Ông Phạm Văn Đủ bây giờ (ảnh trái) và trong vai tổng Mũi (hàng đầu, giữa) của đội hát Bả trạo Mân Thái (ảnh phải) thời hoàng kim trên bìa cuốn “Hát Bả trạo” (NXB Sân khấu, Hà Nội, 2010) của nhạc sĩ Trần Hồng. Ảnh: V.P.Q

Câu chuyện trên được ghi lại ở phần cuối cuốn “Bổn chèo cổ đưa Ngư Ông xã Tân Thái” hiện được lưu giữ tại nhà ông Phạm Văn Đủ, 63 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Ông Đủ giải thích, chèo ở đây là chèo thuyền, chèo ghe, chứ không phải tuồng chèo ở miền Bắc. Hát Bả trạo có tính nghi lễ, thường được trình diễn ở các vùng ven biển để tỏ lòng thương tiếc “Ông lụy”, tức cá voi chết dạt vào bờ.

Lời bài hát mô tả cảnh của vùng biển Sơn Trà ngày đó, như câu nói của tổng Khoang: Ủa lạ! Ủa lạ! Nhìn Biển Đông sóng dồn/ Ngó Núi Chúa dông ra/ Mịt mù Cù Lao cho chí Sơn Trà/ Nhìn sau trước mình ta khó liệu. Do các cụ giỏi chữ soạn lời nên có nhiều từ Hán Nôm, như câu tán thán của tổng Mũi về công đức của “Ông”: Lúc sinh tiền Ngài trú ngụ đại dương/ Khi tử hận ký thân nơi lục địa/ Người ngư nghiệp đền ơn đáp nghĩa/ Lúc hành thuyền, Ngài cải tử hoàn sinh/ Nay hồn Ngài về cõi thiên đình/ Việc sinh tử tiếc đà khó tiếc.

12 tuổi, ông Đủ đã theo đội hát Bả trạo của cha mình làm trạo phu (người phu cầm chèo, cũng còn gọi là trạo tử). Về đạo cụ ngày đó, dầm chèo, nón lá dễ tìm, chứ phục trang thì khó kiếm. Quần trắng, áo dài đen, một miếng vải đen bịt đầu, thêm một dải liễn quấn quanh làm đai thắt lưng. Đơn sơ là vậy, nhưng 12 - 13 tuổi mà được sắm vai “trạo phu” là oai vệ vô cùng. Mãi đến đầu những năm 60 thế kỷ trước, cả đội mới sắm được bộ đồ ra hồn bằng cách tự bỏ tiền túi đi may. Từ 3 ông tổng cho đến các trạo phu đều có được bộ cánh với màu sắc, kiểu dáng tùy theo vai trò của mình, tất cả đều chân quấn xà cạp, đi giày vải trắng. Tổng Mũi (tổng Tiền) cầm cặp sanh (sinh). Tổng Khoang (tổng Thương) cầm cần câu và gàu múc. Tổng Lái và các trạo phu đều cầm dầm chèo.

Ông Đủ kể, ngày trước chưa có hệ thống máy tăng âm nên mỗi ông tổng phải có 2-3 người cùng đóng vai. Giữa đám đông, các ông phải gân cổ vận dụng tính cách “ăn sóng nói gió” của ngư dân lên mà hát. Khi đang hát mà ông nào sắp sửa khản giọng, hết hơi là đưa tay ngầm ra hiệu để ông khác có cùng vai đứng ở ngoài nhảy vô tiếp hơi mình ngay để bài hát được liền mạch.

Lời bài hát thì qua nhiều đời sau, con cháu người thêm vào, kẻ bớt ra cho hợp với tình hình thực tế, thành ra không tránh khỏi “tam sao thất bổn”.

Hát Bả trạo, nếu mỗi năm chỉ hát một lần vào lễ Cầu ngư thì không thể “văn ôn võ luyện” được, bài vở “gỉ sét” hết. Thêm nữa, không có đồng vô đồng ra để động viên thì đội viên dù có yêu vốn quý cha ông cũng không nhiệt tình mấy. Vì thế, đến đời ông cố ông Đủ thì ngoài hát ở lễ hội Cầu ngư, đội tổ chức đi hát Hò đưa linh ở các đám tang, hát Chúc thọ, hát khánh thành nhà thờ tộc, hát cúng cô hồn, cúng lăng... hình thức múa không thay đổi nhiều, chỉ thay lời bài hát cho thích hợp với từng nghi lễ.

Mãi đến năm 1965 thì đội hát Bả trạo Mân Thái không còn hoạt động nữa. Ông Đủ vì mê vốn cổ của cha ông nên cất công ghi chép các bài bản. Năm 1983, được các cụ cao niên tỏ ý khôi phục lại đội hát dân gian này, ông đứng ra làm đội trưởng phụ trách tổng Truyền, các ông Đặng Văn Lai làm tổng Khoang, Phạm Văn Ứng làm tổng Lái. Ngoài ra còn có 12 trạo phu đứng xếp thành hai hàng hai bên. Cả 15 thành viên trong đội đều là ngư dân.

Sau 4 tháng tập dượt, đội mời các quan chức, các cụ lão làng, các vị trong đội Hát Bả trạo ngày xưa đến xem đội biểu diễn và góp ý để hoàn thiện chất lượng nghệ thuật. Từ đó, đội hát bả trạo Mân Thái cũng hoạt động theo lệ xưa, nghĩa là đi hát thêm các lễ khác, ngoài lễ hội Cầu ngư.

Đến năm 1990 thì người cuối cùng trong đội bả trạo ngày xưa là ông Dương Văn Nuôi (tổng Khoang) qua đời, hát Bả trạo ở Mân Thái dần thoái trào. Ông Đủ - tổng Mũi còn trụ được, nhưng các ông tổng Khoang, tổng Lái già yếu, không còn hơi sức để tiếp tục tham gia. Đào tạo người mới rất khó, phần do không có kinh phí, phần muốn hát được phải học lâu mà học lâu thì người học phải bỏ bê công ăn việc làm.

Ông Đủ lật từng trang vở ghi chép tuồng tích xưa, nhớ lại thời hoàng kim của đội Hát Bả trạo Mân Thái. Hết “lên” đài truyền hình địa phương, lại “lên” VTV3, ai xem cũng thấy tự hào văn hóa dân biển Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông hy vọng: “Nếu như chừ có nguồn kinh phí mô đó hỗ trợ thì tui sẵn sàng đứng ra quy tụ anh em để khôi phục đội hát xưa”.

Các địa phương ở Đà Nẵng, như quận Thanh Khê chẳng hạn, mỗi khi tổ chức lễ hội Cầu ngư đều phải “rước” đội Hát Bả trạo Hội An ra biểu diễn. Bài Chòi Đà Nẵng đã có rồi, bao giờ mới có Hát Bả trạo “made in Danang”? Mong lắm thay!

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.