Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời nhà trí thức trẻ Lê Đình Kỵ khi ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Hội An, gia nhập bộ đội rồi trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học hàng đầu nước ta. Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ trở thành niềm ngưỡng mộ của nhiều thế hệ học trò và những người am hiểu ông với hình ảnh của một nhân cách cao quý mà gần gũi...
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ |
Tôi may mắn là một trong những học trò được thọ giáo thầy Lê Đình Kỵ từ lúc trên giảng đường đại học đến khi gia nhập làng báo làng văn mà ông là đại thụ. GS. Lê Đình Kỵ chẳng mấy khi chịu tâm sự về đời tư của mình và ông cũng không quan tâm đến đời tư người khác. Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông bao giờ cũng là chuyện chữ nghĩa. Ít nghĩ đến cá nhân mình mà ông lại còn có bản tính đãng trí hay quên. Đi đâu quên đó. Bỏ cái gì quên cái đó, nhiều lúc nhầm lẫn đến tức cười. Người thân gia đình và cả học trò nhiều lúc khổ sở vì cái tính hay lãng quên của ông.
Vào một sáng đầu thập niên 90 thế kỷ XX, GS. Lê Đình Kỵ đến gửi bài ở tạp chí Kiến thức ngày nay nơi ông cộng tác thường xuyên. Sau khi uống trà trò chuyện với các học trò đang làm việc ở tòa soạn, giáo sư ra về đã dắt nhầm chiếc xe “cà tàng” của tôi. Xe ông và xe tôi đều là “cối” 78 màu xám cũ kỹ giống nhau. Mãi đến trưa ông mới phát hiện nhầm xe và chạy đến đổi lại. Tôi mải làm việc trong tòa soạn chẳng hay biết gì. Và sau này tôi cũng mới biết lúc giáo sư lấy nhầm xe chạy không được bèn hì hục dắt đi sửa. Một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại thấy thương cái sự hồn nhiên, đãng trí bác học của thầy!
Hơi đãng trí chuyện đời thường nhưng những dấu ấn thời cuộc và văn bản nghiên cứu khoa học thì GS. Lê Đình Kỵ lại nhớ đến từng chi tiết. Một học trò và đồng nghiệp thân thiết của ông là nhà giáo Nguyễn Hà ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Sự hiểu biết, trí nhớ của thầy bao trùm một diện rất rộng, từ triết học, văn học phương Tây đến văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện đại của dân tộc, chỗ nào thầy đề cập đến cũng đều xác đáng và tin cậy được. Đọc Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực hoặc Thơ mới - những bước thăng trầm, có thể thấy dù ghi chép tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu không có trí nhớ tốt, không thuộc, không sống hết mình với những áng văn chương đó thì khó mà dẫn dắt, lồng ghép một cách nhuần nhị, tự nhiên đến vậy”.
Thoạt nhìn dáng vẻ xuề xòa, ăn mặc tuềnh toàng của Lê Đình Kỵ nhiều người tưởng ông là dân Nam Bộ. Nghe giáo sư giảng bài hay đọc những bài nghiên cứu văn học lại ngỡ ông người Bắc. Đến khi gần gũi trò chuyện mới biết ông gốc Quảng Nam - duyên hải miền Trung. Một người Quảng rụt rè nhỏ nhẹ… không hay cãi. Điều đó không có nghĩa là ông thiếu cá tính và không quyết liệt trong khoa học. “Tôi khá thoải mái trong cuộc sống nhưng trong học thuật thì khi đã đủ xác tín rồi, tôi theo đến cùng”, GS. Lê Đình Kỵ tâm sự với chúng tôi. Ít lợi khẩu và hùng biện, thay vào đó ông thuyết phục người khác bằng góc nhìn, quan điểm mới lạ trong nghiên cứu văn học và sự uyển chuyển, sắc nét, quyến rũ trong từng câu chữ…
GS Lê Đình Kỵ sinh tháng 10-1922 - Nhâm Tuất (giấy khai sinh đề ngày 4-4-1923), là con trai duy nhất của một gia đình nông dân vùng Gò Nổi nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lê Đình Kỵ sớm hấp thu không khí quê hương “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống văn hóa.
Gò Nổi quê nhà GS Lê Đình Kỵ có nghề dệt, mua bán tơ tằm phát triển và là nơi sản sinh nhiều nhân vật lịch sử, khoa bảng: Hoàng Diệu Tổng đốc tuẫn tiết bảo vệ Hà Thành, Phạm Phú Thứ ngược xuôi đông tây ôm mộng canh tân đất nước, rồi ba vị cùng đỗ đại khoa năm 1898 trong “Ngũ phụng tề phi” đất Quảng là Phạm Liệu, Phạm Tuấn và Dương Hiển Tiến; Trần Cao Vân thủ lĩnh khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, danh thần Lê Đình Đỉnh cùng hai người con trí thức yêu nước là y sĩ Lê Đình Dương - bác sĩ Lê Đình Thám,… Đây cũng là quê hương của những nhân vật nổi tiếng dòng họ Phan như: Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Khôi, Phan Bôi, Phan Thao, Phan Diễn… và các nhà cách mạng, trí thức đương thời.
Mặc dù là “đất học, đất anh hùng” nhưng Gò Nổi trước đây là vùng quê nghèo khó. Thời thơ ấu Lê Đình Kỵ chịu nhiều thiệt thòi vật chất lẫn tinh thần. Cha của ông là một nông dân có học chút ít chữ Nho, còn mẹ - như bao phụ nữ chân quê khác, tảo tần một nắng hai sương. Hoàn cảnh dù gian khổ nhưng gia đình sống với nhau rất tình nghĩa và không quá khuôn phép, lễ giáo. Điều ấy đã ảnh hưởng đến tính cách Lê Đình Kỵ. Khi ra đời ông sống rất giản dị, thoải mái, không cứng nhắc và luôn hướng về sự mới lạ, tốt đẹp cho cuộc sống!
Giáo sư họ Lê kể rằng, trong nhà ông lúc nhỏ không có sách vở, thi thư gì đáng kể. Vì nhà nghèo nên ông đi học khá muộn. Đến ban tú tài, ông rời đất Quảng ra Huế học tú tài 1 ở Trường trung học tư thục Việt Anh, rồi vào Sài Gòn học tú tài 2 ở Trường trung học Pétrus Ký. Khi thi tú tài 1 ở Huế, bài luận văn bằng tiếng Pháp của Lê Đình Kỵ được ông thầy khó tính là GS. Phạm Duy Khiêm cho 16 điểm, một điểm số rất cao, dù đề ra khá hóc búa: “Lamartine est comme un génie qui dédaigne d’avoir du talent” (Lamartine giống như một thiên tài mà lại coi khinh tài năng). GS. Lê Đình Kỵ cho biết, đề thi này thật khác với cách ra đề có phần chung chung thường thấy ở cấp trung học chuyên khoa, thậm chí ở đại học văn. Phạm Duy Khiêm (1908-1974), quê Hà Nội, là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn và là anh ruột của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài văn chương Pháp và khi sang Pháp du học cũng là người Việt Nam đầu tiên đỗ thạc sĩ văn phạm Pháp, nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Toulouse. Phạm Duy Khiêm trở thành nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà văn tài năng và khác biệt khi hầu hết tác phẩm của ông đều viết bằng tiếng Pháp với chủ đích giới thiệu văn hóa Việt sang trời Tây trong hoàn cảnh nước nhà còn bị nô lệ…
Năm 1944, sau khi đỗ tú tài 2 Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn, Lê Đình Kỵ định học tiếp đại học nhưng không có trường nào hợp với nguyện vọng. Trường luật, toán thì ông không thích. Trường y, ông có thích đôi chút, nhưng sức khó kham nổi. Vì vậy, chàng tú tài xứ Quảng đành rời Sài Gòn trở về cố hương dạy học tư kiếm sống.
Vào tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lê Đình Kỵ tham gia phong trào yêu nước Thanh niên Phan Anh. Bằng vốn hiểu biết của một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết trước vận mệnh dân tộc, ông tích cực hoạt động xã hội, đi nói chuyện nhiều nơi, hô hào đấu tranh đánh đuổi phát-xít Nhật. Lê Đình Kỵ cùng với các bạn đồng hương Hoàng Phê, Hoàng Tuỵ, Hoàng Chúng… tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được chính quyền Việt Minh phân công làm công tác thông tin tuyên truyền, rồi vào bộ đội chống Pháp tái xâm lược. Ở trong quân ngũ, ông tranh thủ học tiếng bạch thoại để làm phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc. Ba năm sau, vì lý do sức khỏe, ông ra quân và quay lại với nghề giáo, vào Quảng Ngãi dạy học cùng với Lê Trí Viễn ở Trường trung học kháng chiến Lê Khiết. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, tài liệu sách vở và các phương tiện giảng dạy thiếu thốn trầm trọng, Lê Đình Kỵ cùng đồng nghiệp đã phấn đấu có nhiều đóng góp đối với ngành giáo dục ở vùng tự do Nam Trung Bộ thời chín năm chống Pháp.
Năm 1954, Lê Đình Kỵ tập kết ra Bắc và dạy cấp 3 Trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, nơi có học sinh phần lớn là người miền Nam. Ba năm sau, nhờ vốn tiếng Nga tự học của mình, ông được chuyển lên dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau năm 1975, Lê Đình Kỵ được cử vào TP. Hồ Chí Minh thỉnh giảng Trường Đại học Văn khoa. Đến năm 1980, ông chuyển hẳn từ Hà Nội vào dạy trường này, lúc ấy mới đổi tên thành Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, bắt đầu viết năm 1965, in lần đầu năm 1970, đến nay đã được sửa chữa tái bản nhiều lần. Không dừng ở nghiên cứu mà ông như người đồng sáng tạo mang đến cho người đọc cái hay cái đẹp mới từ tác phẩm. Đây là một đoạn văn tài hoa của ông: “Kim Trọng là người tình nhân số một, không chê trách vào đâu được. Kim Trọng mới nghe tiếng tăm Kiều, từ Liêu Dương cách trở đã trộm nhớ thầm mong, nhác trông bóng Kiều từ xa đã thấy mặn mà, thoáng gần lại đã chập chờn cơn tỉnh cơn mê, gặp mặt rồi thì tìm mọi cách để được gần, khi biết Kiều lưu lạc thì đi đến cùng trời cuối đất tìm cho kỳ được mới thôi. Nếu Từ Hải đã tát cạn bể oan cho Kiều, thì tình yêu của Kim Trọng sẽ trả lại cho Kiều cái mà Kiều đã mất: lòng tin ở cuộc sống và ở chính mình. Bản án của đời Kiều mà Đạm Tiên và Tam Hợp đã từng đọc lên bằng những lời ma mị, Từ Hải đã đập tan nó bằng những đạo quân, và Kim Trọng bằng tấm lòng của mình”.
Với những đóng góp to lớn của mình cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học, Lê Đình Kỵ xứng đáng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành giáo dục - đào tạo và lý luận phê bình văn học nửa sau thế kỷ XX. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1995, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Sau gần mười năm lâm bệnh nặng, GS. Lê Đình Kỵ từ trần vào ngày 24-10-2009, hưởng thọ 88 tuổi. Thầy ra đi nhưng nhân cách và sự nghiệp sáng ngời của một con người tài năng, tận tuỵ và nhân hậu vẫn còn mãi trong đời sống giáo dục và văn học nước nhà, đặc biệt là những trang viết sâu sắc và quyến rũ về Truyện Kiều sẽ luôn âm vọng trong lòng người đọc.
"Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành giáo dục, Giáo sư Lê Đình Kỵ đã góp phần đào tạo hàng ngàn học sinh, sinh viên. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục đến lớp giảng các chuyên đề đại học và sau đại học, đồng thời hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Trong 40 năm miệt mài trước tác, ông đã hoàn thành và cho công bố 19 công trình nghiên cứu với gần 5.000 trang sách. Đó là chưa kể hàng trăm bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, TP. HCM và nhiều địa phương khác. Những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và các hoạt động xã hội đã được ghi nhận một cách xứng đáng” (Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Như Phương -Tuyển tập Lê Đình Kỵ , Nhà xuất bản Giáo Dục - 2006) |
PHAN PHÚ YÊN