Nhà thơ Hải Như (1923-2017) được độc giả nhiều thế hệ biết đến là một nhà thơ mà tên tuổi đã gắn liền với những bài thơ viết về Bác Hồ, với một phong cách riêng, không lẫn với ai. Hải Như không thần thánh hóa lãnh tụ. Ông quan niệm, lãnh tụ trước hết cũng là một con người rất gần gũi với quần chúng. Và ông đã rất thành công khi “kéo” lãnh tụ về với đời thường bình dị. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị trong thơ. Sự vĩ đại của Người thể hiện qua những chi tiết nhỏ bé, đời thường. Những chi tiết nhỏ ấy đã thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn, nhân cách con người Hồ Chí Minh. Xin dẫn một ví dụ: Là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn nhưng khi mọi người gọi Bác là nhà thơ thì Bác lại rất khiêm tốn, hóm hỉnh: Làm nhà yêu nước đủ rồi/ Bác cảm ơn!/ Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ/ Người cười vui: Bác mệt (Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy).
Nhà thơ Hải Như |
Viết nhiều, và hay về Bác nhưng ông rất khiêm tốn: Đề tài Bác Hồ là vô tận, nhưng tôi mới sáng tác được khoảng bốn mươi bài. Lần cuối cùng gặp nhau Hải Như cho tôi biết chính xác là ông có 41 bài. Nhưng điều quan trọng nhất, theo ông, đề tài Bác Hồ chỉ là cái cớ để chuyên chở tư tưởng. Viết về Bác cũng là “học Bác cách làm người”, ngẫm nghĩ thấy mình trong đó, thấy mình phải xem xét, điều chỉnh chính mình. Bài “Người sau không bị khuất” ông viết: Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp.../ Bạn mình!
Tôi gặp ông lần đầu tiên vào mùa hè năm 1989, khi tiếp xúc với ê-kíp làm phim tài liệu - nghệ thuật Thương nhớ sông Hương, do Saigon Video thực hiện. Ông được mời viết lời bình. Mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện, giữa ông và tôi lại nẩy ra một cuộc “đối thoại” văn học cởi mở, với nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị. Ví như chuyện nhạc sĩ phổ thơ, ông nói: Nói đến ca khúc thì lời thơ - ca từ là một nửa. Ca từ đi vào và để lại ấn tượng dài lâu trong lòng người hát, người nghe; nhạc đóng vai trò dẫn dắt. Ở “cuộc chơi” giữa thơ và nhạc bấy lâu nay ca từ chưa được tôn trọng đầy đủ như một đồng tác giả.
Mùa thu năm 2000, có việc vào TP. Hồ Chí Minh, tôi đến thăm ông tại nhà riêng, ở đường Lê Văn Sĩ. Ông không trở về Hà Nội vào dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 990 năm đất rồng bay. Nhưng sau đó ít lâu, tôi đọc được bài Thăng Long nghìn tuổi đang xanh lại rồi của ông, đăng trên báo Tiền Phong xuân 2000, được nhạc sĩ Hoàng Đạm chọn làm ca từ cho bản hợp xướng không nhạc đệm. Cận Tết dương lịch năm ấy, tôi lại có công chuyện vào TP. Hồ Chí Minh. Dự tính ghé thăm ông thì đầu dây bên kia ông cho biết: Tôi đang ở Hà Nội vì “nhớ rét”... Thế là ông đã “về nguồn”. Không khí của Hà Nội những ngày ấy gợi cho ông những cảm hứng mới. Trong ông vẫn còn “lửa” sáng tác. Ở TP. Hồ Chí Minh nhưng thường xuyên ý thức là công dân thủ đô và sáng tác về đề tài Hà Nội vẫn là cảm hứng thường trực đã lý giải tình yêu Hà Nội của nhà thơ Hải Như. Hơn một lần tôi đã nghe ông tâm sự: “Càng đi xa càng thấy Hà Nội đẹp và yêu Hà Nội hơn”. Xa Hà Nội càng yêu Hà Nội là đầu đề của bài tôi viết về ông trong dịp ấy.
Vào vòng chung kết World Cup 2002, tôi gặp ông từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Thật đáng nể, bước sang tuổi 80 mà ông vẫn đi và vẫn viết đều đều. Tôi đã “gặp” ông vài ngày trước đó với chùm thơ trên báo Bình Định, và trên báo Nhân dân với bài thơ viết về bóng đá, ca ngợi các cầu thủ Sê-nê-gan, những chàng lính mới lục địa đen đã hạ gục đương kim vô địch Pháp.
Ông yêu thành phố cửa sông Hàn từ những năm tháng ở Hà Nội, thời còn đánh Mỹ. Trong bài thơ Thành phố hoa phượng đỏ đã nói lên điều đó: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt, chưa trọn nghĩa Sài Gòn, Đà Nẵng; Ta tạm biệt xa nhau... Đất nước vừa giải phóng, trên đường vào Sài Gòn, khi ghé qua Đà Nẵng ông đã có chùm thơ viết tặng Quảng Đà. Chùm thơ đăng trên báo Nhân Dân. Sau đó vào công tác và sinh sống ở Sài Gòn ông ít có dịp ghé Đà Nẵng.
Có lần trên đường ra Hà Nội, ông ghé Đà Nẵng với mục đích trực tiếp tặng thành phố ca khúc Thành phố cửa sông Hàn - lời thơ Hải Như, nhạc Văn Lương. Người “bóc tem” ca khúc này là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, lúc đó là ông Nguyễn Bá Thanh! Tôi là người thứ hai được ông tặng bản sao. Người thứ ba là nhà báo Trương Công Định.
Ông bày tỏ quan điểm: Tôi không phản đối việc các cơ quan văn hóa “đặt hàng” văn nghệ sĩ. Nhưng với tôi, tôi “tự đặt hàng”. Bởi tôi không muốn sáng tác cho có, mà đòi hỏi sáng tác phải có rung động thật sự của mình. Trường hợp bài hát Thành phố cửa sông Hàn cũng giống bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ và một số bài hát khác. Thật may mắn, ông có hạnh phúc được lãnh đạo các địa phương tôn trọng quan điểm sáng tác không theo quy chế “đặt hàng”. Trường hợp ca khúc Thành phố Hoa phượng đỏ là một ví dụ. Cả tác giả thơ và tác giả nhạc đều thuộc loại “khách không mời” của Sở Văn hóa Hải Phòng nhưng bài hát được công chúng và lãnh đạo thành phố trân trọng, đánh giá đúng tác phẩm.
Năm 2012, ra Hà Nội, tình cờ vợ chồng ông và tôi ở cùng nhà khách Thanh Niên. Cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại nhà thơ Hải Như. Trong bối cảnh các giải thưởng đang gây nhiều tranh cãi. Ông cho rằng, để không có sự “ồn ào” thì phải có những lá phiếu bình chọn của khán - thính giả, độc giả. Và tiêu chí quan trọng nhất là “sức bền” của tác phẩm. Bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ là một ví dụ, một bài ca đi cùng năm tháng. Ca từ bài này Hải Như viết năm 1970. Là “cuộc tình” thứ mười của ông với Lương Vĩnh, một nhạc sĩ ở “tỉnh lẻ”. Đứa con tinh thần của họ đã gặp khá nhiều rắc rối khi làm “giấy khai sinh”. Khi phổ nhạc Lương Vĩnh đã bỏ mất sáu chữ “cho anh trao chiếc hôn nồng”. Nguyên câu ấy là: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt, cho anh trao chiếc hôn nồng, ta tạm biệt xa nhau... Đã “hy sinh” chữ hôn rồi nhưng nhạc phẩm vẫn cứ bị đình bản. Hơn một năm trời, qua mấy lần duyệt nhưng lãnh đạo thành phố Hải Phòng vẫn không cho hát. Khi thì bị coi là mất lập trường vì đã đánh giá “Hải Phòng ơi hôm nay bé nhỏ”. Lúc thì cho là “không nghiêm túc” bởi “Những hẹn hò bên bờ sông Lấp”. Vì một thời sông Lấp là “phố vẫy” của các cô gái lấy đêm làm ngày, v.v...
Khi Đài Tiếng nói Việt Nam duyệt và Kiều Hưng hát Thành phố hoa phượng đỏ thì bài hát không còn là của riêng Hải Phòng. Thành phố Hoa phượng đỏ đã đi vào lòng người gần trọn nửa thế kỷ. Đầu thập niên 1980, từ Sài Gòn nhà thơ Hải Như được mời ra Hải Phòng dự lễ hạ thủy con tàu viễn dương đầu tiên, mang tên “Hoa phượng đỏ”. Tác giả bài thơ được tặng danh hiệu “công dân danh dự” của thành phố Hải Phòng.
Những khi nhớ lại cửa ải kiểm duyệt bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ nhà thơ Hải Như lại bày tỏ quan điểm: Thời gian mãi mãi là thước đo sức bền của tác phẩm. Người duyệt bài hát của chúng ta là quần chúng số đông.
THANH TÙNG