“Thuyền nan gặp sóng ba đào/ Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con”. Ngư dân nào cũng thuộc nằm lòng câu ca xưa nói về sự cứu mạng của một vị thần có mỹ danh là “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần” mà công đức được thể hiện qua hình tượng cá voi cứu người trên biển.
Bức hoành phi “Trạc Quyết Linh” ghi năm Tự Đức thứ tư (1851) được bài trí ngay gian giữa lăng Ông Nam Ô. Ảnh: V.T.L |
Trong tâm thức người dân vùng biển, cái vẻ kỳ bí đến dữ dội của biển cả lướt qua nhiều thế hệ đã hình thành một nếp suy nghĩ mang dấu ấn văn hóa tâm linh. Hầu như làng biển nào ở nước ta cũng lập miếu/lăng thờ cá Ông - tên gọi đầy tôn kính dành cho loài cá voi thường cứu người trên biển, thờ phụng và xem cá voi như một vị thần hộ mệnh. Chính vì vậy, nơi nào có “Ông lụy” là người dân sở tại sẽ tổ chức an táng một cách trọng thể với đầy đủ các nghi thức không khác con người; sau một thời gian sẽ đưa di cốt vào an trí trong lăng Ông.
Chuyện đằng sau các di tích
Lăng Ông thông thường được lập ở các làng ven biển, thế nhưng ở Đà Nẵng, ngôi thờ “vị thần hộ mệnh” của ngư dân này lại được lập ở phường Thạc Gián, nơi cách khá xa biển, thuộc quận Hải Châu. Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Ban quản lý đình Thạc Gián cho biết, sự khác thường này có liên quan đến một vị quan coi ngó về phòng vệ vùng biển ở Quảng Nam ngày trước.
Ông Đặng Văn Tuyên lúc đương chức Hải phòng phó sứ có lần giong thuyền đi tuần tra vùng biển bị sóng gió nhấn chìm, may được cá voi giúp đưa vào bờ an toàn. Cảm tạ ơn cá cứu người, ông đứng ra vận động bà con lập miếu Ông ở Tân Định, vị trí gần cửa biển Thanh Bình ngày nay. Đến năm 1919, một cơn bão lớn làm sập miếu nên dân làng bàn nhau dời miếu vào bên cạnh đình Thạc Gián, gọi là đền thờ Nam Hải Ngọc Lân - cách gọi tắt của Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần.
Hai năm sau khi lập miếu Ông ở Tân Định, Hải phòng phó sứ Đặng Văn Thuyên tổ chức lập đình Túy Loan, nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, ông Nghĩ cho biết, văn bia ở đình Túy Loan chỉ ghi tên ông là Đặng Công, trong khi đó văn bia ở đền thờ Nam Hải Ngọc Lân phường Thạc Gián ghi rõ ràng là Đặng Văn Tuyên.
Người dân khu vực Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, cũng truyền nhau câu chuyện xưa về sự cứu nạn của cá voi. Rằng ngày trước, trên đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh (khi lên ngôi lấy hiệu là Gia Long) một lần bị chìm thuyền ngoài khơi, được Ông Ngư (cách gọi trọng thị của người dân Nam Ô đối với cá Ông) cứu giúp. Sau khi lăng Ông ở làng chài Nam Ô được lập, vua ban sắc phong để ghi nhớ công ơn của vị thần Nam Hải.
Ông Đặng Dùng, một cư dân địa phương cho biết, về sau, lăng Ông Nam Ô được tôn tạo bề thế vào năm Tự Đức thứ tư (1851) như dòng hàng chữ ở góc bức hoành phi “Trạc Quyết Linh” hiện còn tôn trí ở gian giữa lăng. Mãi đến năm Bảo Đại thứ mười (1934), theo dòng chữ khắc trên đòn đông, lăng Ông mới được tôn tạo và giữ nguyên trạng đến nay. Đặc biệt, gian hậu tẩm còn nguyên vẹn như lúc mới lập lăng, phía sau bài vị có hàng chục thạp sành chứa di cốt Ông Ngư hàng trăm năm qua. Phía bên phải, ngay sau cổng vào lăng hiện có một nấm mộ được đánh dấu bằng những viên đá nhỏ xếp quanh cùng với chiếc lư sứ còn những chân nhang màu đỏ. Ông Dùng bảo, đó là mộ Ông lụy năm rồi, chưa đến kỳ đưa hài cốt vào thờ trong lăng.
Nói về sự thờ tự cá Ông ở Liên Chiểu, còn có thể kể đến lăng Ông Kim Liên, tọa lạc tại khu vực Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc. Lăng là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng biển, là nơi tiến hành tất cả các hoạt động thực hành tín ngưỡng liên quan đến tục thờ Cá Ông. Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó phòng Văn hóa và Thông tin quận Liên Chiểu, cho biết lăng được xây dựng ban đầu ở bên đình làng Thủy Tú. Về sau, do bị quân Pháp đánh phá ác liệt nên đến tháng 3 năm Nhâm Thân (1932) dân làng di cư, bỏ lại lăng cũ lập nên lăng mới tại làng Kim Liên. Qua thời gian, tác động của thiên tai, chiến tranh, lăng xuống cấp nghiêm trọng; đến tháng 6 năm Tân Sửu (1961) được xây dựng mới kiên cố hơn, đến năm 1977 tiếp tục được trùng tu, cơ bản vẫn giữ được đặc điểm kiến trúc nghệ thuật ban đầu.
Giữ lại cho đời sau
Những giai thoại chung quanh chuyện “Ông lụy” có thể mỗi nơi một khác, nhưng tựu trung đều để lại cho người đời nói chung, ngư dân nói riêng, những bài học mang giá trị nhân văn, dù rằng cuộc ra khơi của ngư dân đương đại không còn phải nhọc nhằn như thuở trước. Mỗi lăng Ông tuy có một “đời sống” riêng, nhưng điều chung nhất là tất cả đều mang dấu ấn văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển. Theo ông Nguyễn Dinh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, các lăng ông trên địa bàn phường tổ chức lễ Cầu ngư vào các ngày khác nhau trong năm; như lăng Ông khu vực Lộc Phước tổ chức vào ngày 30-4 âm lịch, lăng Ông khu vực Thọ An tổ chức ngày 2-3 âm lịch.
Biển đi vào đời sống văn hóa tâm linh của người Việt với lễ hội Cầu ngư, với tục thờ cúng cá Ông, với những vị thần có gốc gác từ biển khơi. Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng thường có chung một “mẫu số”. Ban nghi lễ gồm các cụ trưởng thượng đạo cao đức trọng, có uy tín với bạn chài và không phải đang chịu tang chế. Phần lễ gồm: lễ Bến, lễ Túc, lễ Chánh. Phần hội gồm: kéo co, đẩy gậy, lắc thúng, đan lưới, hò khoan, hát tuồng… Phần lễ theo nghi thức cổ truyền, lễ phẩm dâng cúng tuyệt đối không được dùng hải sản. Văn tế xưng tụng công đức Cá Ông đối với dân làng và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.
Ở Đà Nẵng, theo Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn, có gần 20 lăng Ông, chủ yếu tập trung ở địa bàn các quận ven biển (Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), hiện vẫn chưa nắm được số liệu cụ thể, bởi bị ít nhiều biến động sau thời gian chỉnh trang đô thị. Cuối năm nay, đơn vị sẽ tổ chức khảo sát toàn bộ lăng Ông trên địa bàn thành phố để có kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh vùng biển.
“Thuyền nan gặp sóng ba đào/ Kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con”. Ngư dân nào cũng thuộc nằm lòng câu ca xưa nói về sự cứu mạng của một vị thần có mỹ danh là “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần” mà công đức được thể hiện qua hình tượng cá voi cứu người trên biển. Cuộc “đo đếm” của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ góp phần giữ lại cho đời sau những giá trị trầm tích từ các chiều kích của lịch sử - văn hóa.
Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 30km, vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000km2, có trên 266 loài động vật biển sinh sống; hằng năm có khả năng khai thác trên 150.000 - 200.000 tấn hải sản các loại. Nghề biển ở Đà Nẵng có lịch sử lâu đời, ngay từ thời những cư dân Sa Huỳnh, cư dân Chămpa sinh sống đã có cái nhìn về biển, hướng biển. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những lớp người Việt đầu tiên trên bước đường Nam tiến đã vào định cư ở vùng đất này. Lúc đầu họ lấy nghề nông làm nghề chính và nghề biển gần bờ là nghề phụ để kiếm cái ăn hằng ngày. Qua hàng thế kỷ, cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng ngày càng phát triển, nghề đi biển dần trở thành nghề chính. Những câu ca dao, tục ngữ đúc kết kinh nghiệm đi biển của ngư dân Đà Nẵng cho thấy người Đà Nẵng đã gắn với biển từ bao đời như: Chớp phía đông, hồng phía tây/ Ghe câu lên bãi ba ngày nằm chơi; Đời ông cho chí đời cha/ Mây phủ Sơn Trà, không gió thì mưa; Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước, trời đà chuyển mưa; Một ngày vãi chài bằng mười hai ngày phơi lưới... Và những câu hò từng được ngư dân Đà Nẵng cất lên giúp công việc chài lưới thêm nhịp nhàng, đỡ phần vất vả như: “Hò hố, giàn nậu vô!/ Hò hỡi hò lơ, hố hò lơ, là hò hỡi lơ/ Ra đi mà sóng biển/ Sóng biển mịt mù, là hò hỡi lơ!/ Trời cho mà lưới nặng, là hò hỡi lơ!/ Dô hò ta kéo lên! là hỡi hò lơ!... (Ngọc Dung tổng hợp) |
VĂN THÀNH LÊ