.

Biến tấu cùng bonsai

.

Nghệ nhân điêu khắc đá Mai Thanh Thiện (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), người có gần 20 năm bị bonsai “hút hồn”, bảo rằng từ xưa đã có câu nói về thú chơi: “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng” (thú chơi thư pháp, tranh, gốm sứ và cây cảnh (cây trong chậu - bonsai được nâng lên tầm nghệ thuật). Trong đó, thú chơi thứ tư, ngoài sự đam mê cần có “tố chất” nông dân để chăm bón, cắt tỉa tỉ mỉ, công phu. Gặp người “lười”, không hiểu đặc tính sinh trưởng của cây mình đang chăm sóc thì cây đẹp cũng dễ thành xấu, thậm chí làm chết cây.  

Anh Mai Thanh Thiện (phải) giới thiệu về cây bonsai tuyết tùng anh trưng bày trong sân nhà.
Anh Mai Thanh Thiện (phải) giới thiệu về cây bonsai tuyết tùng anh trưng bày trong sân nhà.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Bạn thử hình dung một cây lớn, hay một cụm rừng ở ngoài thiên nhiên, được các nghệ nhân tạo tác, thu nhỏ thành một cây chỉ cao vài chục phân hoặc trên dưới một mét. Gọi là “nhỏ mà có võ” vì có nhiều cây có tuổi đời vài chục đến vài trăm năm. Cây ở ngoài tự nhiên, chưa thành hình dáng cụ thể, mới đào về được gọi là phôi.

Quá trình nuôi dưỡng này là một kỳ công, phải chăm bón làm sao cho cây khỏe mạnh nhưng không được cao, không được “lớn bổng” lên; rồi từ đó mới cắt tỉa, giúp cây nứt nhánh theo ý (tạo thành chi). Việc can thiệp để tạo thành một cây bonsai, cần ít nhất 5 năm trở lên, còn nuôi dưỡng từ một cây con cần khoảng 10 năm. Có 4 định chuẩn cho một cây bonsai: nhất đế (bộ rễ vững chãi), nhị thân (bản chất cái cây), tam chi (cành hài hòa), tứ diệp (luật bù trừ cho những cây lá nhỏ, không có hoa thì phù hợp với bonsai).

Anh Mai Thanh Thiện cho biết, hồi mới lân la làm quen với bonsai, anh mua phôi dưới 2 triệu đồng/cây, sau 5 năm thì chọn phôi trên 2 triệu đồng và hiện nay thì chọn phôi trên 10 triệu đồng/cây. Ban đầu anh đích thân vào tận Tuy Hòa (Phú Yên) mua cả xe phôi, và việc mua “bao lô” như vậy cũng làm thất thoát đến 40%; hiện nay thất thoát còn khoảng 20%.

“Làm nhiều thì cây chết nhiều, gãy nhiều, và làm nhiều loại cây thì tay nghề cũng nâng lên, hiểu từng loài cây phù hợp từng vùng miền khác nhau. Sự thất thoát cũng giúp mình có kinh nghiệm hơn, mạnh bạo hơn trong đầu tư làm bonsai”. Từ mỗi phôi cây, qua thời gian chăm sóc, gia tài anh Thiện hiện có là hơn 500 cây bonsai độc đáo, có giá trị cao như: linh sam, tùng, hải châu, cấm thị, nguyệt quế, sam núi, mai chiếu thủy...

“Với mình, bằng mọi giá tác phẩm bonsai phải đạt yếu tố thẩm mỹ, hài hòa. Cây đẹp thì cũng phải có chậu đá đẹp, cái đôn kê cây cũng không được coi thường. Vì thế mà mình tự đúc chậu cho bonsai chứ không đưa cây vào những cái chậu đúc sẵn làm bằng xi-măng. Nhờ đó cây được nâng tầm giá trị”, anh Thiện chia sẻ. Bởi thế mà theo anh cần 4 yếu tố hoàn thiện một tác phẩm bonsai, lúc đó mới được gọi là nghệ thuật: thế, lão (sự già dặn của cây), đại (tưởng tượng với cây ngoài thiên nhiên nó rất to) và hòa (cái đẹp tổng thể giữa đôn, chậu), tạo nên sự hoàn hảo đó mới gọi là đẹp.

Bonsai có nhiều dòng, gồm cây đại, cây tầm trung và cây mini. Cây mini có thể để ở phòng làm việc. Loại tầm trung, kê đôn dùng nhiều cho nhà phố, đáp ứng được yêu cầu của người chơi. Ông Trần Hùng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, dáng cây bonsai rất phong phú, người miền Bắc thích đặt cây theo dáng, như dáng huyền, dáng bay, dáng đổ, dáng trực, rồi mẫu tử, huynh đệ… “Dáng, thế đều do mình nghĩ ra. Trong khi bonsai của Nhật thành văn hóa, thành đạo, thì Việt Nam vẫn chưa có đặc thù riêng. Làm bonsai vẫn theo kiểu thu nhỏ thiên nhiên, tái tạo lại cái đẹp của thiên nhiên bằng một cây/cụm cây theo thẩm mỹ của người làm”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng bắt đầu mê bonsai từ năm 18 tuổi. Ba ông vốn là người mê cây cảnh, mê bonsai đến mê mệt. Hồi nhỏ ông bắt cậu con trai lo việc lau rửa chậu, tỉa cành, kê chỗ để đưa cây vào nhà chưng ba ngày Tết. Ban đầu ông Hùng làm cho có trách nhiệm, rồi bỗng một ngày ông thấy mình có thể tưởng tượng ra cảnh sắc ban đầu qua cái cây của cha, tâm hồn cũng bay bổng, phóng khoáng theo.

Giờ hơn 35 năm bén duyên với cây, ông xem như mình may mắn bởi nghề chính của ông trước đây là giáo viên mỹ thuật giúp ông có nhiều lợi thế khi làm bonsai. “Bố cục cây khi làm bonsai còn tuyệt đỉnh hơn vẽ bố cục tranh. Bức tranh vốn tĩnh (dù động trong hội họa) nhưng nếu mua một cây phôi và tái tạo nó lại như trong tự nhiên, mình đem tất cả những tâm huyết của mình tác động vào nó, thì bonsai sống động vô cùng”, ông Hùng chia sẻ. Nhưng nghề chơi này không phải ai cũng làm được, nó giống như năng khiếu trời cho mỗi người, bên cạnh sự rèn luyện.

Ngay từ khi chọn phôi phải biết định hình cây, hiểu được chu kỳ sinh trưởng của cây, dùng kỹ thuật “thúc” cho nó lớn lên rồi áp dụng kỹ thuật “hãm” nó lại (vẫn cho nó béo tốt nhưng không cho lớn). Nuôi cây ở môi trường chật hẹp cho quen, rồi dùng kỹ thuật ép cho nó nhỏ hơn nữa để phù hợp với cái chậu, với dáng thế như ý muốn. Cứ thế, việc huấn luyện và tạo tác một cây mất ít thì 5 năm, có cây mất 20 năm mới hoàn chỉnh. Ông Hùng có một cây bonsai gần 30 năm tuổi, mang từ quê ở miền Bắc vào, đi đâu cũng mang theo, nhiều người hỏi mua nhưng ông từ chối, bởi đó là cây bonsai gắn với gia đình ông với nhiều kỷ niệm vui, buồn khó quên.

Hiện Đà Nẵng có trên 100 hội viên chuyên về cây bonsai, có người là nghệ nhân, có người chỉ đam mê sưu tầm, chia thành 5 chi hội: Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Vân. Nhưng số người có nghề, có tiếng tăm cũng chỉ mươi người. Đà Nẵng hiện cũng có khoảng 10 người làm bonsai có tay nghề cao, chuyên được thuê chăm sóc, tạo dáng cây. Có người có quầy trưng bày và bán hàng ở đường Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy; có người chỉ đi làm thuê nhưng việc làm không xuể do nhu cầu chăm cây cũng như tạo tác khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây người chơi cây cảnh đông lên, chỉ cần vài mét vuông ban công là đã có thể chơi cây, cộng với đặc thù người miền Nam thích chơi bonsai nên thị trường cây sôi động hẳn. “Bonsai đòi hỏi người chơi phải có tố chất, có năng khiếu, phải có sự say mê, nắn nót chứ không được nóng nảy mới tạo ra được tác phẩm đẹp”, ông Quý chia sẻ. Có lẽ vì thế mà một người “lỡ” đam mê một trong 4 thú chơi của người đời, cũng sẽ “bị” thú chơi đó điều khiển. Người ta sống trầm tĩnh hơn, sâu sắc hơn, yêu cái đẹp hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn một phần cũng nhờ vào sự rèn luyện và đi theo thú chơi mình mê phải.   

Mỗi cây bonsai là một tác phẩm sống, đòi hỏi người chơi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay trong khâu tạo dáng uốn cành cho cây. Từ một bản phôi, dưới bàn tay của từng người sẽ thể hiện nhân tâm, suy nghĩ của người đó. Bởi thế, bonsai là biến thiên, không có điểm kết. Thú chơi tao nhã ấy có tuổi đời hàng trăm năm, nổi tiếng ở nhiều nước châu Á và trường tồn cùng cái đẹp theo thời gian.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.