.

Cần lắm, những thú chơi

.

Thời trước, trong xã hội nông nghiệp, mọi người tìm đến thú vui dân dã vào những lúc nông nhàn. Khi đó, nông dân thường tổ chức những trò tiêu khiển gắn với thiên nhiên được hình thành từ văn minh nông nghiệp. Với tầng lớp trí thức đương thời, có người tìm đến thú vui “khi chén rượu, khi cuộc cờ”, với các hình thức thơ ca nhạc họa. Trẻ em lại tìm lấy thú vui bằng những trò chơi dân gian đơn giản: ông làng, nhảy dây, cờ gánh,… ngay tại làng xóm mình.

Viết câu đối là một thú chơi tao nhã được lưu giữ cho đến ngày nay. Ảnh: V.T.L
Viết câu đối là một thú chơi tao nhã được lưu giữ cho đến ngày nay. Ảnh: V.T.L

Hòa Vang là vùng đất nông nghiệp, nông thôn nên các thú chơi dân gian được lưu giữ lâu bền hơn so với đô thị. Tại những hội thơ, bình thơ thời trước, những “nhà thơ dân gian” của Hòa Vang xưa vào những ngày cuối năm thường ngồi với nhau bên bát nước chè xanh hoặc bên ly rượu, lấy câu thơ tìm thú vui tao nhã.

Làng Lai Châu (nay thuộc xã Hòa Khương) ngày trước có nhà thơ mù Đỗ Thị Hoành (1864 - 1941), con thứ ba của ông Đỗ Thúc Điển và là cháu nội ông Đỗ Thúc Tịnh - Tiến sĩ đầu tiên của huyện Hòa Vang, từng làm Tuần vũ Định Tường. Sinh thời bà bị bệnh mù cả hai mắt, chung thân tiết hạnh; không được đi học, nhờ anh và chú dạy học trong nhà mà bà làm được thơ, đặt được vè, đối đáp hò khoan.

Tiếng đồn về “nhà thơ mù” cháu nội ông Tiến sĩ vang xa, các bạn thơ xa gần tìm đến nhà bà xướng họa làm vui vào những lúc nông nhàn. Có người nghe tiếng, đến đọc bà nghe bài xướng: La Châu nghe nức tiếng cô Ba/ Xướng họa văn từ ý giống ta/ Muốn kết phượng loan vầy một mối/ Lá lay tại bởi ông trăng già. Bà họa lại ngay, theo nguyên vận: Văn ba ý muốn sánh tài ba/ Huyền diệu thi từ mới biết ta/ Đèn sách mười năm chưa cập thức/ Văn chương cứ khá luận non già.

Thời gian qua đi, những cuộc chơi thơ ca đầy chất dân gian ở Lai Châu phai dần, chỉ còn phảng phất trong tuyển tập thơ ca hò vè của bà được con cháu đóng thành tập. Thỉnh thoảng người đời nay mở ra đọc lại, ngâm nga đôi câu để cảm nhận cái hồn của thú chơi tao nhã một thời ở làng mình.

Thời nay, các cụ ở hai làng Đông Phước (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) và Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vào những lúc nông nhàn, những ngày mưa lại tìm đến nhau thưởng thức thú vui bên chén rượu cuộc cờ.

Nhà thơ Phước Đồng (làng Phước Thuận) xướng bài “Tuổi thọ”: Ất Mùi tuổi thọ bảy mươi tư/ Gọi bác bằng anh cụ cũng ừ/ Lúc hứng đi cùng cô bạn trẻ/ Khi buồn ngồi cạnh áng văn thư/ Say mê cây cảnh đào mai trúc/ Thích thú vật nuôi ngỗng lợn trư/ Trang trại điền viên yêu cuộc sống/ Cầu mong bách tuế giống ý như.

Nhà thơ Ngọc Đây (làng Đông Phước) họa nguyên vận: Đành rằng xấp xỉ tuổi bảy tư/ Rằng thọ, rằng không vẫn cứ ừ/ Sống lâu thấy cổ, tâm còn trẻ/ Buồn vui lẫn lộn với văn thư/ Nhìn lên thấy cảnh mai lan cúc/ Ngó xuống quanh vườn vịt gà trư/ Tuy già nhưng vẫn thương cuộc sống/ Trăm năm rồi cũng nhử nhừ như.

Đến làng Đông Phước, ta tìm gặp thú vui từ đường nét dân gian qua những bức vẽ do anh Nguyễn Hữu Chuyền thể hiện trên các loại giấy không dành cho giới hội họa nhưng vẫn tươi tắn sắc màu. Thiên nhiên, phong cảnh đồng quê, sông nước đã ùa vào nhà anh theo những bức tranh trên giấy kẻ ngang, trang vở học trò, tấm bìa các-tông... Những buổi thư nhàn bạn bè đến nhà anh với ly trà, chén rượu, cùng ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình, mỗi người có một thú vui riêng từ nét vẽ của anh.

Những ông đồ (xưa và nay) tuy chỉ viết câu đối vào dịp Tết hoặc thi thoảng khi có ai xin câu đối cho tân gia, cho mừng thọ… xem đó là thú vui của giới “có chữ”. Cách nay mấy mươi năm, ở Cẩm Lệ có cụ Bốn Dị thường có câu đối cho bạn bè. Nhân một chiều cuối năm, cụ đến thăm một thầy giáo trẻ, biết thầy giáo có làm thơ, cụ hớp một hơi trà, đọc: Xuân thiên văn hóa dân gian tụng/ Bác học kinh luân hậu thế truyền. Anh giáo trẻ bắt chước cổ nhân đọc câu đối chúc cụ trường tồn: Xuân khứ xuân lai xuân bất tận/ Nhựt thăng nhựt giáng nhựt trường tồn. Nay cụ tuy già nhưng vẫn tìm thú vui tao nhã với câu đối mừng thọ, tân xuân, về nhà mới,...

Lại còn có thú chơi hoa, chơi phong lan, cây kiểng. Thú vui cây cảnh tạo thế thanh nhàn vừa đủ, biết đủ, không bận tâm đến đòi hỏi vật chất. Nhìn vào cây cảnh, ta tìm được những ý tứ gửi vào đấy của con người, của vũ trụ nhân sinh và mối tương quan giữa con người với thiên nhiên. Có khi các nghệ nhân dùng chất liệu địa phương làm bằng cành tre, cành trúc, gốc tre, gốc trúc lắp ghép, tạo hình cho ra nhiều sản phẩm mỹ thuật dân gian đẹp mắt.

Vào hai thập niên cuối thế kỷ XX, nhà cụ nghệ nhân Hoàng Đình Tủng ở làng Bình Thái (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) có bày những quần thể non bộ, bể cạn, con hạc, con rồng,… Cùng với đó là những câu thơ cụ dán lên các tác phẩm tinh thần: Nhìn xem phong cảnh buổi bình minh/ Lắp ghép gốc tre tạo nên hình/ Độc bình màu sắc hoa tươi thắm/ Song phượng vươn mình vẻ đẹp xinh. Người viết từng được cụ tặng một con gà mái bằng gốc tre đang nằm ấp năm quả trứng. Cụ bảo: “Mai sau nở ra năm ngọn ngũ chỉ đó nghe”! (Ngũ chỉ là tên gọi khác chỉ năm ngọn Ngũ Hành Sơn).

Ngày trước, tát đìa là một trong những hội vui của cả làng, được già trẻ, nam nữ, lớn bé tham gia một cách nhiệt tình, hào hứng. Tiếc rằng diện tích mặt nước ngày một bị thu hẹp, giờ họa hoằn lắm mới có một vụ tát đìa và có lẽ vì thế mà cái “ngày hội” này trở nên vui vẻ cực kỳ.

Ngày nay, nhiều thú chơi dân dã xưa đã dần trở nên mai một ngay trên vùng đất nông thôn, không còn thể hiện trong cuộc mưu sinh đương đại ở các cụ cao niên. Tuy thế, vẫn còn một số thú chơi được cả người nông thôn và thành thị ngày nay tiếp tục duy trì, tạo nên nhiều sân chơi lý thú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người trong cuộc sống thường ngày. Những năm trở lại đây, ta thường gặp thú chơi chim cảnh, cá cảnh, đá cảnh, hòn non bộ, hoặc đi câu cá cũng là thú vui nhiều người tìm đến.

Cuộc sống càng tiệm cận với công nghiệp, với đô thị hóa, con người càng cần đến những thú chơi để thư giãn, giải tỏa đầu óc sau những ngày mưu sinh bận rộn, tất tả. Nếu được tạo điều kiện phát triển, những thú chơi dân dã sẽ góp phần mang lại cho con người một sự thưởng ngoạn tinh thần bền vững với nhiều góc độ trong cuộc sống.

VÕ VĂN HÒE

;
.
.
.
.
.