.

Khi "ca sĩ của đồng nội" vắng bóng

.

Nghe một chú chim khắc khoải cất lên một khúc hát có giai điệu, tiết tấu, lên bổng xuống trầm thì đố ai mà ngăn được cảm xúc. Nó như là tiếng gọi của hoa đồng cỏ nội, như là nỗi niềm thổn thức của hồn quê, thong thả len lỏi vào lòng người.

Với ông Nguyễn Minh Trí, chơi chim cu là cả một nghệ thuật.
Với ông Nguyễn Minh Trí, chơi chim cu là cả một nghệ thuật.

“Cái ngu” thứ ba

20 năm trước, nhà ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Thanh tra huyện Hòa Vang nuôi một lúc đến hơn 20 loại chim, nhưng ông cũng ít khi nghiền ngẫm điều gì mang lại từ cái thú nuôi chim. Bữa nọ, nghe một người mải mê kể chuyện chơi chim cu, ông mới bắt đầu mê mệt loài chim có tiếng gáy độc này.

Nghe mách miệng, ông đi tìm ông Kiểm ở Ninh An, xã Hòa Nhơn, một người nổi tiếng với nghề chơi chim cu gia truyền. Ông lão lúc đó 81 tuổi, giảng cho “đệ tử” mới theo cách của riêng ông: “Mi để ý nghe cu tau gáy nì. Giọng thổ trầm, êm êm, thấp thấp. Khi thúc, giọng nó dịch ra là giục ổ quy, giục ổ quy... nghĩa là nhà (ổ) ở mô thì về đó, đừng đi lung tung. Chọn cu mồi thì chọn như rứa, chứ cu mà có giọng gáy càng to thì cu ngoài lồng càng sợ, không dám tới gần”.

Có bài học vỡ lòng, ông Trí tìm gặp thêm các ông Chín Đại, Hai Trung ở Hòa Phong, đi thực tế với họ, xin được con cu bổi (cu ngoài trời bẫy được) về nuôi thử nghiệm thành cu mồi. Theo lời các vị lão luyện nghề chơi cu, những năm 1965-1975, ở Hòa Vang rất hiếm người chơi cu lồng (miền Nam gọi là cu lụp) nghệ thuật, cả xã chỉ có một vài người, rơi vào các vị chức sắc hoặc những người có tiền của. Các ông một khi đã ghiền rồi là giá mấy cũng chơi, sẵn sàng bỏ ra một mẫu ruộng, có khi một con trâu để đổi lấy một con cu mồi chiến mà không một chút phân vân. Ở đâu có đám cưới, nhà mới, tiệc tùng chi là hẹn nhau tới uống ly rượu rồi nói toàn chuyện... chơi cu.

20 năm làm bạn với chim cu, từ buổi vỡ lòng cho đến khi trở thành nghệ nhân thực thụ có thể sánh vai với các “cu thủ” (cách gọi chỉ những người chơi chim cu) trên cả nước, ông Trí nghiệm ra rất nhiều điều. Chim cu nói chung dễ nuôi, nhưng nuôi cu mồi rất khó, trong số 5-6 chục con mới tuyển ra vài con hay để luyện thành cu mồi. Ông bảo, giống như thi hoa hậu, chim cu cũng có nhiều tiêu chuẩn. Phải có ngoại hình đẹp, từ cánh tới lưng phải tròn lẳn như bắp chuối, không khiếm khuyết; lông mỏng, ôm chặt lấy mình; đầu nhỏ; mỏ ngay thẳng, nếu nhọn như cây đinh thì càng tốt. Xưa các cụ đúc kết tiêu chuẩn này bằng một câu: “Đầu nhỏ, mỏ đinh, hình bắp chuối”.

Ngoài ra, chim cu hay phải có giọng gáy vang rõ khỏe, có sức lôi cuốn làm cho chim ngoài trời (chim bổi) nghe là không cưỡng lại được, phải bay tới. Hai con trong và ngoài lồng gù nhau quyết liệt, một lát anh cu bổi (bực mình quá) vô tình đá vào cái cầu tử làm cho lưới sập xuống và thế là chàng ta “về chung một nhà” với anh cu mồi. “Cu thủ” hồi lâu ẩn mình trong lùm cây, bất động như pho tượng theo dõi cuộc đối đáp giữa hai bên, đến khi nghe tiếng bật của cái lò xo vang lên cùng lúc với mảnh lưới chụp xuống mới hớn hở vùng chạy ra. Bẫy cu, hay còn gọi là gác cu, thú vị là vậy. Dù bị xếp vào một trong bốn cái ngu “Ở đời có bốn cái ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” nhưng nhiều người mong muốn được “ngu” như thế.

Ông Lương Văn Đài và chim chích chòe đang độ tuổi mớm đuôi tôm. Ảnh: V.T.L
Ông Lương Văn Đài và chim chích chòe đang độ tuổi mớm đuôi tôm. Ảnh: V.T.L

“Bắt cóc” chim chích chòe

Ông Lương Văn Đài, nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, chơi chích chòe được 10 năm. Một lần la cà tới chỗ bán chim, thấy mê quá nên đi theo anh em đi đánh (bẫy) chích chòe. Xa có Quế Sơn, Đại Lộc. Gần có Hòa Phong, Hòa Tiến. Đó là những nơi có tre và gần nguồn nước, rất thích hợp với chích chòe.

4 giờ sáng anh em rủ nhau đi, 5 giờ tới nơi, đánh cỡ 10 giờ là về. Trưa không đánh được. Nửa tháng trước, ông đi Đại Lộc bẫy được hai chú chích chòe. Đại Lộc là “lò” sản xuất chích chòe đá, giống rất hung, ở xa lắc mà nghe tiếng chim mồi hót là tìm đến nhảy vào đá liền. Ngũ Hành Sơn cũng có chích chòe, nhưng hiền khô, chim mồi có sửng cồ gây sự thế nào, chim trời vẫn án binh bất động. Có người nói nửa đùa nửa thật, rằng giữa cảnh chùa chiền, hang động như thế nên chim cũng trở nên điềm đạm, hiền từ.

Cũng như chim cu, luyện chích chòe mồi không dễ, phải chọn nuôi từ lúc chim con mới ra lông cánh. Đó là loại chim tơ mới mớm đuôi tôm, gọi là chim chuyền, cỡ này dễ nuôi. Kinh nghiệm cho thấy chim có đầu to, chân dài, mỏ to và dài là chim đá hoặc hót đều “trên cả tuyệt vời”. Kỹ thuật nuôi, ông Đài chủ yếu học lóm. Chim non mua về lấy bột khuấy hồ rồi bón từng tý như bón cho trẻ con. Khoảng tháng sau, khi chim mổ được là chuyển qua làm bột cho nó tự ăn, gồm lòng đỏ trứng, tép, đậu phộng trộn chung đem xay nhỏ.

Chích chòe có con chỉ hót một giọng, có con hót được nhiều giọng. Chim trời có giọng hót hay do sống tự do ngoài thiên nhiên. Ở Ngũ Hành Sơn xe cộ ồn ã, ông phải mang chim nuôi ra ngoài đồng xa để nó bắt chước chim trời mà luyện giọng. Sáng sáng, ông treo lồng chim ngoài nắng khoảng 15-20 phút, xong đem chim vào tắm để chim sung, mau “có lửa”.

Nay đang tháng 7 âm lịch, là mùa chích chòe thay lông, không hót. Từ tháng Chạp bắt đầu mùa khô đến hết xuân là mùa chích chòe “dậy lửa”. Chích chòe “có lửa” miệng đen, hót hay không chịu được. Chim không lửa, miệng trắng, yên lặng cả ngày như người tịnh khẩu. Chim như người, quen mặt không đấu, lạ là xông vào đấu liền. Vừa đá nhau vừa chí chóe hót.

Tuổi thọ của chích chòe khoảng 10-12 năm nếu được chăm sóc tốt. Vì thế, chim hay càng “trẻ” càng có giá. Ông Đài vừa bán con chích chòe ruột 3 triệu đồng, bán rồi thấy tiếc vì khó kiếm ra con thứ hai. Bạn ông, một người tên Th. có con chích chòe cực hay, hót quá đỉnh mà đá thì vô đối, có người trả 5 triệu đồng, không bán. Một bữa, có đứa bạn mang bia và thịt bò tới nhà nhậu đến độ tưng tưng. Một lát hắn ra phía sau nói đi toa-lét, xong lên là đòi về, nói say quá. Th. quay xuống thấy mất chim, nghĩ tới nghĩ lui chỉ có thằng bạn mới tới thôi, hắn không lấy thì ai vô đây. Vậy là xách xe chạy đi tìm thằng bạn. Đến Bắc Mỹ An thì gặp, chặn lại hỏi. Đúng y, nó ghiền con chim của Th. quá, mua không bán nên lập kế “bắt cóc”, bỏ chim vô cái bao thuốc lá có khoét một lỗ nhỏ, bỏ vô túi áo đem về. Th. lấy lại chim và chỉ biết cười trừ vì cái sự mê chim của bạn...

Hồn quê thổn thức

Mấy năm trở lại đây có hội thi chim chào mào diễn ra ở Công viên 29-3, do Chi hội Chim cảnh thuộc Hội Nghệ thuật hoa viên thành phố Đà Nẵng tổ chức. Chi hội trưởng, ông Trần Công Định, cho biết một con chim chào mào gọi là hay, trước hết phải có ngoại hình đẹp: yếm đậm, mũ cao, đuôi dài, mông đỏ, lông mỏng. Thứ đến là phải có giọng ché (hay chét) tức là giọng bất ngờ thét lên the thé ngoài giọng hót bình thường để “ra oai” dằn mặt đối thủ, thường xuất hiện vào lúc gần tàn cuộc đấu khi kẻ đang ở thế thượng phong muốn hạ nốc-ao đối thủ. Thêm nữa, giọng hót phải có âm lượng vang to và thời lượng dài, như một ca sĩ thực thụ.

Trong lúc chào mào được con người đưa đi thi tuyển “ca sĩ” thì nhiều loài chim khác không được may mắn như thế. Người viết có lần được mời tới một quán nhậu ở xã Hòa Châu, thời chưa nâng cấp quốc lộ 1A. Ngay trước cửa là một lồng lưới mắt cáo, bên trong khoảng mấy chục chú chim mỏ nhát. Một lát, người ta gọi món mỏ nhát nướng sả ớt. Cảm thấy buồn buồn, bèn nói với bạn nhậu: Ăn món này là tiếp tay cho những “sát thủ” làm chết dần tiếng ca của những ca sĩ đồng nội.

Ông Trí dành những ngày lễ, ngày nghỉ cho thú đi bẫy cu và chơi cu, có lần vì yêu cu mà một mình lên tận huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đi bẫy cu. Ông bảo, xưa cu nhiều, bẫy cu dễ, con nào hay thì giữ lại nuôi để luyện thành chim mồi. Chim không bán, chỉ trao đổi hoặc làm quà tặng. Thời thế thay đổi, chơi cu giờ đã thương mại hóa, nuôi để chơi và nuôi để có thêm thu nhập. Rừng giờ ít, chim cu lại bị người ta đưa vô nhà hàng nên ngoài thiên nhiên hiếm dần. Cu sống giá 75.000-80.000 đồng/con, vô nhà hàng làm món cu nướng sả ớt bán lên 110.000-115.000 đồng/con, thậm chí có nơi cao hơn. Động vật hoang dã nói chung, chim cu nói riêng giờ thành đặc sản, một số nơi lập “đề-pô” chim cung cấp cho các nhà hàng. Có người đánh lẻ được 5-7 con cũng mang đi nhà hàng.  

Ông Đài than phiền, giờ người ta đánh chim theo hướng công nghiệp, dùng lưới bắt sạch từ chim ông bà, cha mẹ cho tới con cháu nên có khi đi đánh chim cả ngày vẫn trắng tay. Người xưa có câu “Ba hoa chích chòe” để nói những người hay ba hoa những chuyện lung tung, không đâu vào đâu. Với kiểu đánh bắt cạn kiệt tài nguyên, rồi đây thành ngữ này chỉ còn trong sách vở chứ không còn minh chứng ngoài đời nữa.  

Nghe một chú chim khắc khoải cất lên một khúc hát có giai điệu, tiết tấu, lên bổng xuống trầm thì đố ai mà ngăn được cảm xúc. Nó như là tiếng gọi của hoa đồng cỏ nội, như là nỗi niềm thổn thức của hồn quê, thong thả len lỏi vào lòng người bằng nhịp điệu đều đều như làn ca dao đất mẹ.

Thế mà người ta lại thích nhậu thịt thơm hơn là nghe tiếng hót hay!

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.