Những viên đá vô tri trở nên có tình, có ý khi lọt vào mắt xanh của những “tín đồ” đá cảnh. Những tín đồ này không tự nhận mình là nghệ nhân hay nghệ sĩ bởi những tác phẩm đá nghệ thuật này hoàn toàn là tuyệt tác của tự nhiên; song, họ chính là những người phát hiện, nâng niu hồn đá.
Ông An giới thiệu bộ sưu tập đá cảnh tại gia của mình.Ảnh: T.T |
Tuyệt tác của tạo hóa
Với ông Đoàn Ngọc An (67 tuổi, trú 355 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) - một trong những lão làng của giới chơi đá cảnh Đà Nẵng, mỗi viên đá cảnh đích thực là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo của tạo hóa. Vẻ đẹp của mỗi viên đá là duy nhất, không lặp lại và không một bàn tay người họa sĩ, điêu khắc nào có thể nhào nặn, tỉa vẻ mà nên.
Viên đá đẹp phải hoàn toàn tự nhiên, chỉ cần một chút tác động của bàn tay con người, ngay lập tức, không còn giá trị. Trong hơn 100 tác phẩm đá hiện ông An đang lưu giữ như báu vật đều mang những sắc thái, câu chuyện riêng biệt từ thiên nhiên:
Đó là dáng núi xa xa (tác phẩm Viễn sơn), là dáng hình chữ S của đất nước (tác phẩm Dáng Việt), có tác phẩm mang bóng hình nàng thiếu nữ (tác phẩm Đợi chờ), có tác phẩm kể câu chuyện đôi bạn (tác phẩm Đôi bạn), tình mẹ con thiêng liêng (tác phẩm Mẫu tử)... Có cả những tác phẩm tâm đắc nhưng ông An chưa thể đặt tên.
Theo ông An, thế giới đá cảnh muôn hình muôn vẻ, song, có thể chia thành hai loại chính là đá hoa văn và đá tạo hình. Và dù là đá hoa văn hay tạo hình, giá trị của đá thể hiện ở độ cứng, màu thời gian, những đường nét mềm mại, bố cục hoàn chỉnh, hình sắc đẹp, độc đáo, có câu chuyện, chủ đề riêng. Nói gọn lại, giới chơi đá cảnh lâu nay vẫn truyền tai nhau 4 yếu tố chính của một viên đá đẹp là “hình - sắc - chất - ý”.
Hơn 20 năm mê đắm với bộ môn nghệ thuật đá cảnh, ông An thấu hiểu hơn ai hết những buồn vui, nhọc nhằn của nghề, không có đam mê thì khó lòng theo đuổi thú chơi tao nhã này. Bởi đá cảnh cũng là nghề chơi lắm công phu. Để “săn” được những viên đá đẹp, người chơi không quản băng rừng, lội suối, lặn lội sớm hôm. Thậm chí, không cẩn thận, có thể nguy hiểm tính mạng bởi những tai nạn, rủi ro chốn rừng sâu, suối xa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Thế nên, đến nay, khi sức khỏe không còn cho phép lặn lội kiếm tìm, ông An cứ nhớ da diết những chuyến đi không nghỉ lên rừng núi Duy Trung (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - nơi có những viên đá có hình, sắc, chất, ý đẹp nhất.
Nhưng đó là chuyện của cách đây chừng mười năm về trước - giai đoạn phong trào chơi đá cảnh ở Đà Nẵng sôi nổi hơn bao giờ hết. Giờ, nguồn đá ở Duy Trung khá khan hiếm (do bị khai thác nhiều), những người cùng thế hệ ông, người mất, người phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì công việc, gia đình, không còn nhiều người theo đuổi thú chơi ngày trước. Song, thay vào đó, những người như ông An vẫn vui vì cho đến nay thú chơi thanh tao này không bị đứt đoạn, bởi thế hệ trẻ chơi đá cảnh Đà Nẵng ngày càng đông. Với sức trẻ, họ có cách tìm đá, thưởng đá riêng. “Họ làm được những điều thế hệ chúng tôi đã làm được và cả những điều chúng tôi chưa thể làm”, ông An cười hiền nói.
Buồn vui cùng... đá
Một trong những người chơi đá cảnh vào hàng trẻ tuổi có tiếng của Đà Nẵng là anh Trần Hữu Vinh (trú số 139 Ngô Gia Tự, quận Hải Châu). Mới ngoài 30, song, Vinh đã có thâm niên hơn 10 năm với nghề chơi công phu này. Vinh đến với thú chơi đá cảnh trong sự tình cờ. “Có lẽ do cái tạng mình già trước tuổi, lại thích chơi với những đàn anh lớn hơn mình. Trong số đó, có những đàn anh là tín đồ của đá cảnh. Đi theo họ mấy chuyến lên rừng tìm đá, rồi mình trót mê đá lúc nào không hay”, Vinh chia sẻ.
Trong không gian không lấy gì làm rộng rãi của gia đình, Vinh dành hẳn một phòng riêng để trưng bày đá. Hiện Vinh sở hữu chừng 50 viên đá cảnh các loại, trong đó đáng quý anh còn giữ lại được kha khá lượng đá cảnh giá trị được sưu tầm từ Duy Trung (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).
Những thương lái, người mê đá cảnh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nhiều lần qua lại dạm hỏi mua nhưng Vinh quyết không bán. Theo Vinh, đó dường như cũng là nét riêng của những người chơi đá cảnh Đà Nẵng. Người chơi đá cảnh Đà Nẵng ít chạy theo lợi nhuận, các hoạt động mua bán, trao đổi chủ yếu diễn ra trong giới chơi đá cảnh với nhau, việc mua bán với người ngoài có nhưng không nhiều.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Vinh say sưa kể về những chuyến đi “săn” đá. Những chuyến đi thường diễn ra mỗi dịp cuối tuần, Vinh sẽ cùng nhóm bạn chung đam mê lặn lội khắp các vùng rừng núi Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng nhiều nhất vẫn là Quảng Nam.
Khi nguồn đá ở Duy Trung ngày càng khan hiếm, những năm gần đây, những người trẻ mê đá như Vinh bắt đầu tìm kiếm những nguồn đá mới ở các vùng rừng Quế Sơn, Khâm Đức, Hiệp Đức (Quảng Nam) hay theo chân những đồng bào dân tộc thiểu số đi sưu tầm đá. Theo Vinh, muốn có những viên đá đẹp không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Ngoài việc chịu khó, chịu bầm dập còn phải biết lựa chọn thời điểm đi tìm đá. Vinh ví dụ, muốn có những viên đá đẹp, người chơi nên chọn thời điểm sau những cơn mưa rừng lớn. Bởi khi nước sông lớn, chảy xiết sẽ đảo đá, làm lộ ra những viên đá lâu nay bị vùi lấp. Hay dưới ánh nắng chát chúa cũng là lúc đá lộ ra vẻ đẹp đầy đủ, giúp người chơi dễ nhận biết nhất...
Hao tổn không ít công sức, nhọc nhằn, song niềm vui với đá cũng như giá trị của đá nghệ thuật với những người say mê như ông An hay Vinh thật khó đong đếm. “Có lẽ sẽ có người cho rằng tôi gàn dở, nhưng có những lúc tôi giành hàng giờ ngồi đồng với những viên đá. Càng nhìn, càng phát hiện ra những điều kỳ diệu của đá, của thiên tạo. Tâm hồn thư thái, nhẹ nhõm vô cùng”, Vinh trải lòng.
Theo những người chơi đá lâu năm ở Đà Nẵng, giới chơi đá cảnh Đà Nẵng hầu như không phân chia thành từng nhóm, câu lạc bộ nhỏ, mà cả già lẫn trẻ cùng sinh hoạt trong hội chung, sẽ thường chia sẻ niềm đam mê trong những chuyến đi sưu tầm, trong các hoạt động trưng bày, triển lãm trong, ngoài thành phố hằng năm.
Thời gian này, họ đang nô nức chuẩn bị tham dự Festival Đà Lạt (tháng 12 tới), theo lời mời của Ban tổ chức lễ hội xứ ngàn hoa. Niềm vui của những người chơi đá cảnh, đôi khi chỉ là những khoảng lặng cho riêng mình, đôi khi là chút vui khi được sẻ chia, được rộn ràng như thế...
Chi hội đá cảnh Đà Nẵng (sinh hoạt chung trong Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Đà Nẵng) gồm trên 50 thành viên. Nghệ thuật chơi đá cảnh lôi cuốn người Đà Nẵng đầu những năm 90 và rộ lên cách đây chừng 10 năm. |
THANH TÂN