Con còn vài năm nữa mới vào lớp 1 nhưng từ giờ bạn đã hóng hớt tất cả các bài viết về chuyện nên hay không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, để rồi gửi qua tôi mấy đường dẫn của “các nhà” giáo dục, kèm câu cảm thán: Đang rối ren, đọc mấy cái ni càng thêm rối!
Tôi lập tức nhắn lại: Giờ tớ chẳng đọc mấy cái đó nữa!
Nhiều năm nay, câu hỏi: Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là “thuốc bổ” hay “thuốc độc”, lợi hay hại, là A.Y.Z… cứ lặp đi lặp lại, nhất là vào mỗi dịp hè và đầu năm học. Câu hỏi này nêu lên sôi nổi như chưa bao giờ cũ. Tựu trung, mọi ý kiến xét về mặt “giáo dục học” đều phản đối việc học chữ trước, rằng học như thế chẳng khác nào triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ; rằng học chữ sớm là “cướp” thời gian vàng vui chơi, phát triển thể chất, tư duy tự nhiên của trẻ; rằng cha mẹ làm thế sẽ gây thui chột sự hứng thú học tập của con trẻ. 6 tuổi, trẻ cần học mà chơi, chơi mà học hơn là học và học. Ai cũng biết thế, nhưng mà sao không thể thế?
Biết thế mà mọi thứ đều diễn ra như thế thì nhẹ nhàng quá còn gì! Bên cạnh việc tuyên truyền để phụ huynh hiểu việc cho con học trước là phản khoa học, từng có những giai đoạn cơ quan chức năng rầm rộ “cấm cửa” giáo viên dạy thêm, nhất là dạy thêm cho trẻ vào lớp 1, nhưng rồi không dạy thêm chỗ này, giáo viên dạy thêm chỗ khác. Phụ huynh không đưa con đến chỗ này thì “hẹn hò”, “nhờ vả” giáo viên dạy con ở chỗ khác. Kiểu gì cũng cho trẻ “lận lưng” vài chữ trước khi bước vào lớp 1. Sao lại không chọn cách nhẹ nhàng mà phải khổ thế?
Thứ nhất do cách đánh giá. Đã bảo trẻ không cần và không nên biết chữ trước khi vào lớp 1 nhưng một đứa trẻ biết trước chữ, thậm chí rất giỏi đọc chữ khi chân ướt chân ráo vào lớp 1 sẽ lập tức được khen ngợi thông minh, nhanh nhạy, hiểu biết tốt, mang lại sự “thở phào” nơi thầy cô. Trong khi đó, một đứa trẻ mới vào lớp 1 thua kém bạn về “trình độ” và “tốc độ” đọc-viết chữ thì lập tức trở thành đối tượng cần “quan tâm” nhiều hơn để đuổi kịp mặt bằng chung của lớp. Hãy thử đặt mình vào vị trí của những đứa trẻ phải mướt mồ hôi vật lộn với từng chữ cái khi xung quanh bạn bè đã đọc ro ro và được khen là con ngoan, trò giỏi để thấu hiểu phần nào nỗi thua thiệt mà chúng đang chịu đựng. Việc đánh giá trẻ biết chữ và không biết chữ hiện nay không dựa trên nền tảng: “Trẻ mới vào lớp 1 không biết chữ là thường, biết trước chữ mới là khác thường”, nên những lời khuyên nhủ, khuyến cáo thực sự cũng chỉ để… cho vui.
Thứ hai, có đúng là phụ huynh mắc bệnh thành tích?
Con vừa vào lớp 1 chưa đầy tuần đầu tiên, cô giáo đã gặp phụ huynh phàn nàn “cháu chậm”. Con học gần hết kỳ 1, chưa đọc chữ trôi chảy, cô đứng ngồi không yên “cầu cứu” phụ huynh hướng dẫn thêm cho con tại nhà. Con sắp thi học kỳ 2, đọc-viết chữ được, chữ mất, cô trao đổi thẳng với phụ huynh: “Nếu không cải thiện tình trạng này, cháu có khả năng phải thi lại”. Nghĩ do con học trường công bị áp lực thành tích, phụ huynh chuyển con sang trường tư. Sau buổi khảo sát “trình độ” của trẻ, nhà trường – nơi có thu tiền và xem phụ huynh là khách hàng cần được phục vụ cũng tỉ tê: “Phải thuê thầy kèm thêm cho cháu chứ tốc độ viết thế này thì chậm quá. Trẻ vào đây đầu lớp 1 đã biết đọc-viết hết cả rồi. Trẻ chưa biết trước chữ thì trừ những cháu lanh lẹ mới nắm bắt kịp, còn không, cháu sẽ đuối và càng đuối. Một vài cháu học xong lớp 1, xét thấy việc đọc-viết còn chậm nên nhà trường khuyên phụ huynh để cháu học lại một năm lớp 1 nữa để sau đó lên lớp 2 đỡ vất vả hơn cho cháu”. Ôi, thế là vấn đề không phải trường công hay trường tư mà cốt yếu cũng chỉ là biết chữ hay không biết chữ trước!
Cái cảnh đứa con mặt búng ra sữa của mình phải hì hục đi thi lại, phải đối mặt với việc lưu ban thì cha mẹ nào chịu nổi. Con mới 6-7 tuổi, chưa đọc suôn sẻ câu chữ là thường-xét ở góc độ lý thuyết, nhưng vào thực tế thì ai hiểu thấu tình cảnh này ngoài chính đứa trẻ đó và cha mẹ, kể cả giáo viên trực tiếp dạy chúng? Nếu quả thật mọi người đều xem mỗi đứa trẻ đương nhiên là một “tờ giấy trắng” khi bước chân vào lớp 1, sao thầy cô phải xót ruột đến thế? Chắc chắn phải có mắc mớ gì đó, không thì việc chi họ phải “làm khổ” học trò, “làm khổ” phụ huynh và khổ thân mình cho mệt.
Cắc cớ ở chỗ, mang tiếng lớp 1 không chấm điểm, không nặng áp lực điểm số nhưng học “chơi” mà thi “thiệt” nên đố ai dám vừa học vừa chơi. Thử hỏi vài giáo viên lớp 1 để nghe họ đánh giá về đề thi cuối năm sẽ rõ. Có giáo viên thật thà thừa nhận trước tập thể phụ huynh rằng đề có những câu thách đố cả với giáo viên. Bình thường các em học có vẻ đơn giản, nhưng thi thì những bài tập đó sẽ được nâng lên lắt léo hơn, đòi hỏi “tư duy” hơn nên nắm bài trợt trợt thì khó làm được mà phải hiểu chắc vấn đề. Từ chỗ chưa biết chi, sau mấy tháng học bỗng trở thành một người “nắm chắc” ý nghĩa của câu chữ thì không “lót đường” kiến thức sao phát triển kịp. Nếu có cũng chỉ rơi vào những bé nhanh nhạy thật, còn những bé không nhanh bằng, cần được hướng dẫn, dạy dỗ nhiều thì đó thực sự là đòi hỏi hơi cao, trong khi thực tế số trẻ như thế lại không hề ít. Có nhiều bé đầu năm viết chữ đẹp đáng ngưỡng mộ nhưng càng về cuối năm chữ càng xấu vì “con phải viết hết tốc lực mới xong bài, không còn thời gian nắn nót chữ đẹp”.
Tưởng mỗi mình ngán mấy câu hỏi “nên hay không nên” kiểu đó, hóa ra bạn cũng rối, chắc rồi sẽ không buồn “lĩnh hội” thêm cho đỡ rối. Cái phụ huynh cần hơn bao giờ hết lúc này là câu trả lời cho nỗi trăn trở: “Vậy làm thế nào để trẻ không cần học trước mà vào lớp 1 vẫn mỗi ngày đến trường là một ngày vui thực sự?”.
Chừng nào hầu hết mọi đứa trẻ đều là “giấy trắng” khi bước chân vào lớp 1; chừng nào thi mà chơi, chơi mà thi song hành với học mà chơi, chơi mà học; chừng nào nhà trường, giáo viên và xã hội thấy một đứa trẻ vào lớp 1 với cái đầu “trống trơn” là đương nhiên, bé nào biết trước mới là “hiện tượng” thì hãy tiếp tục quay lại câu hỏi muôn thuở đến nay không lời đáp ấy. Cái biết rồi, khổ lắm, đừng khuyên nữa! Phụ huynh tha thiết muốn nghe câu trả lời.
CHÍCH BÔNG